14/01/2020 11:46 GMT+7

Thói quen... trốn thuế!

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Khai thấp giá trị nhà đất mua bán để né lệ phí trước bạ. Thói quen trốn thuế này đang bị soi và có thể để lại hậu quả cho nhiều người. Vì thế, còn duy trì thói quen đã mua bán nhà là phải trốn thuế là lợi bất cập hại

Thói quen... trốn thuế! - Ảnh 1.

Nhiều trường hợp mua bán căn hộ tại quận 10, TP.HCM vừa bị cơ quan thuế "sờ gáy" vì nghi có dấu hiệu trốn thuế thu nhập cá nhân khi kê khai giá bán thấp hơn giá công bố của chủ đầu tư đến 5 lần. Thông tin này khiến nhiều người giật mình, bởi đâu đó trong câu chuyện này đều có những đặc điểm "giông giống" với cách mà không ít người đã làm.

Thực tế hàng chục năm qua, khai thấp giá trị nhà đất mua bán để né lệ phí trước bạ và sau này là thuế thu nhập cá nhân là chuyện đương nhiên của các bên mua bán. Từ đó dẫn đến một bất động sản luôn có hai hợp đồng là rất phổ biến.

Cách thức thường thấy là các bên ký nhiều hợp đồng như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận... với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp, thường chỉ bằng 30-40% giá trị giao dịch để khai thuế.

Tình trạng này buộc cơ quan thuế phải xây dựng mức giá tối thiểu trong mua bán nhà đất để ấn định thuế, nếu hai bên mua bán ghi giá trị giao dịch để khai thuế như "cho không".

Nhưng thói quen trốn thuế này đang bị soi và có thể để lại hậu quả cho nhiều người. Cách làm này, trước mắt hai bên mua và bán được lợi: bên bán giảm được thuế thu nhập cá nhân phải nộp, người mua bớt được ít lệ phí trước bạ và giảm ít tiền phải thanh toán cho bên bán.

Thế nhưng, rủi ro sẽ rình rập nếu xảy ra tranh chấp. Khi đó, hợp đồng công chứng ghi giá thấp sẽ có giá trị, còn hợp đồng thật để thanh toán sẽ bị vô hiệu. Trường hợp này, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, rủi ro rơi vào bên mua vì số tiền chênh lệch đã trả không có giấy tờ hợp pháp chứng minh để đòi lại.

Nghiêm trọng hơn, theo quy định hiện nay, nếu trốn thuế từ 100 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự.

Với mức thuế 2% như hiện nay, nếu kê khai chênh lệch từ 5 tỉ đồng là có thể rơi vào trường hợp bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện. Cơ quan thuế có thể truy thu lại trong thời hạn 10 năm, phạt trong thời hạn 5 năm kể từ khi giao dịch mua bán được thực hiện.

Mặt khác, phần lớn các khoản thanh toán mua bán nhà đất đã được thanh toán qua ngân hàng, có thể sau này là bắt buộc. Các chứng từ này là bằng chứng hợp pháp khi có tranh chấp ở tòa nhưng cũng cho thấy có dấu hiệu gian lận, nếu người mua bán khai không đúng giá trị giao dịch.

Về lâu dài hơn, khi luật pháp về thuế tài sản được hình thành, việc khai không đúng giá trị tài sản nhà đất khi mua sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người đang nắm giữ nhà đất mà trước đây đã khai không trung thực giá mua bán.

Cũng không loại trừ khả năng không chỉ Chi cục Thuế quận 10, mà nhiều cơ quan thuế khác cũng sẽ rà soát để chống thất thu thuế trong giao dịch nhà đất.

Như vậy, pháp luật và diễn biến thực tế đã thay đổi rất nhiều so với hàng chục năm trước vốn đã hình thành thói quen trốn thuế trong mua bán nhà đất. Vì thế, còn duy trì thói quen đã mua bán nhà là phải trốn thuế là lợi bất cập hại.

Từ vụ 821 tỉ nợ thuế của Coca-Cola Việt Nam: Chặn các Từ vụ 821 tỉ nợ thuế của Coca-Cola Việt Nam: Chặn các 'ông lớn' trốn thuế

TTO - Sau khi Coca-Cola VN bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp vào ngân sách hơn 821 tỉ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều "ông lớn" FDI cần được đưa vào "tầm ngắm" thanh tra để chống chuyển giá, né thuế.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên