08/06/2022 09:33 GMT+7

Thu từ dầu thô 5 tháng đã vượt kế hoạch cả năm

L.THANH
L.THANH

TTO - Theo Bộ Tài chính, số thu từ dầu thô 5 tháng đầu năm ước đạt 29.400 tỉ đồng, bằng 104% dự toán. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh khởi sắc khiến số thu từ các sắc thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… đều tăng 2 con số so với cùng kỳ.

Thu từ dầu thô 5 tháng đã vượt kế hoạch cả năm - Ảnh 1.

Khai thác dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Ảnh: PVN

Theo Bộ Tài chính, lũy kế 5 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 806.400 tỉ đồng, bằng 57% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó thu nội địa ước đạt gần 646.000 tỉ đồng, bằng 54,9% dự toán, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá về số thu nội địa, ông Cao Anh Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho rằng về tổng thể, thu ngân sách 5 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu thu tăng là do phát sinh một số khoản thu đột biến gần 15.000 tỉ đồng từ thu cổ tức của 2 ngân hàng. Thu từ dầu thô đạt khá chủ yếu nhờ giá dầu tăng cao và thu tiền sử dụng đất tăng.

Điểm sáng trong thu nội địa là các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ước đạt 54,8% dự toán. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều đạt 50,7%. Riêng thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 60,6% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt ngoài thu nội địa, số thu từ dầu thô 5 tháng ước đạt 29.400 tỉ đồng, bằng 104% dự toán. Tổng cục Thuế lý giải là do giá dầu thô từ đầu năm đến nay tăng cao, quanh mốc 95 USD/thùng.

Còn thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt 130.800 tỉ đồng, bằng 65,7% dự toán.

Bộ Tài chính cho hay số thu từ hầu hết các sắc thuế đều tăng trưởng 2 con số. Đơn cử thuế giá trị gia tăng ước đạt 49,8% dự toán, tăng hơn 12% so với cùng kỳ, mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách giảm thuế suất từ 10% xuống 8% theo nghị định số 15.

Thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 60,8% dự toán, thuế thu nhập cá nhân ước đạt 68,3% dự toán, tăng lần lượt 11% và 24,1% so với cùng kỳ...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, buộc nhiều nước phải điều chỉnh thắt chặt chính sách tiền tệ, việc thực thi chính sách phòng, chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc và xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã và đang khiến cho việc cung ứng các mặt hàng nhiên liệu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào khó khăn, giá cả tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh. 

Đây là một trong những lo ngại tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách những tháng tiếp theo.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm chi phí qua đó có nguồn thu bền vững, lâu dài, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng. Việc giảm thuế xăng sẽ giúp kiềm chế đà tăng của giá xăng cũng như giá các hàng hóa và dịch vụ khác. Hiện xăng đã leo lên trên 31.000 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.

"Các nước Thái Lan, Hàn Quốc… đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng từ cuối năm ngoái để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong nước. Việt Nam cũng nên xem xét giải pháp này nhằm kéo giá xăng xuống nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng trong nước" - ông Trịnh Quang Khanh, tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Đang tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế xăng dầu Thứ trưởng Bộ Tài chính: Đang tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế xăng dầu

TTO - Tỉ trọng thuế trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn. Trong bối cảnh giá tăng cao, bộ đang tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế xăng dầu.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên