14/07/2022 16:33 GMT+7

Thủ tướng: Biến đổi khí hậu là vấn đề khách quan, mang tính toàn cầu, toàn dân

TTXVN
TTXVN

TTO - Theo Thủ tướng, biến đổi khí hậu là vấn đề khách quan, toàn cầu, toàn dân, có tính chất lâu dài, chúng ta phải thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng: Biến đổi khí hậu là vấn đề khách quan, mang tính toàn cầu, toàn dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN

Sáng 14-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) - chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động thực hiện công việc được phân công. 

Các bộ, ngành và địa phương đã có một số kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải.

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030.

Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0".

Các bộ, cơ quan liên quan đã rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Nhờ đó, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã rất tích cực triển khai các nhiệm vụ, công việc được giao với khối lượng lớn.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề khách quan, toàn cầu, toàn dân, có tính chất lâu dài, chúng ta phải thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Mỗi quốc gia có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Theo Thủ tướng, để thực hiện các cam kết tại COP26, chúng ta xác định rõ thêm một số quan điểm. 

Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Thứ ba, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ tư, triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Thứ năm, tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối lớn về năng lượng.

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chủ động, tích cực triển khai các công việc được phân công.

Về các chiến lược, đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường sớm hoàn thiện, trình lãnh đạo Chính phủ ký ban hành đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7-2022; trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Tài nguyên - môi trường chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ rà soát, báo cáo Thủ tướng phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; kế hoạch hành động giảm phát thải khí methan đến năm 2030.

Thủ tướng thống nhất nội dung đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng; chú ý làm rõ nhu cầu cần hỗ trợ cụ thể của mỗi bộ, ngành, lĩnh vực để thực hiện mục tiêu Việt Nam cam kết tại COP26.

Người đứng đầu Chính phủ đồng ý về kế hoạch đàm phán và những vấn đề chính của quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý; theo đó, xác định chuyển đổi năng lượng là xu hướng toàn cầu, là cơ hội và cũng là thách thức đối với Việt Nam.

Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Ngoại giao khẩn trương dự thảo, đàm phán với đối tác, đảm bảo tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu hướng phát triển của nhân loại. 

Chuẩn bị kỹ các tài liệu, dữ liệu, thông tin, thể hiện rõ và bảo vệ chính kiến, tranh thủ mọi nguồn lực nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt mà Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung phát triển nền công nghiệp về chuyển đổi năng lượng, nghiên cứu công nghệ chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sản xuất các thiết bị trong nước… Đây là "một mũi tên trúng hai đích", khi vừa thực hiện được các cam kết quốc tế, vừa phát triển được năng lực, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp có thị trường rất lớn trong và ngoài nước này.

Theo Thủ tướng, phải kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam với xu thế phát triển của thời đại, của công nghệ… Cần quyết tâm cao hơn nữa, coi đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng mới, có một chiến lược cho việc này.

Cùng với đó, phải luôn bám sát diễn biến tình hình, kịp thời rà soát, điều chỉnh, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trên đây, tăng cường giám sát, kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương để có sản phẩm, kết quả cụ thể, đo đếm được trên cơ sở tính toán lợi ích tổng thể của từng ngành, giữa các ngành và của quốc gia, dân tộc, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng và tránh những hạn chế, bất cập trong các công việc trước đây đã làm, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ.

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về biến đổi khí hậu Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về biến đổi khí hậu

TTO - Trưởng Phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres để trao đổi về các vấn đề toàn cầu. Ông Guterres đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên