14/12/2023 12:35 GMT+7

Thủ tướng trả lời đại biểu Quốc hội TP.HCM việc còn nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Trong trả lời đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM), Thủ tướng đã chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại vẫn còn nhiều.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: GIA HÂN

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: GIA HÂN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nguyên nhân trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều

Theo đó, bà Tuyết nêu Quốc hội đã có nghị quyết giám sát về bảo vệ, chống xâm hại trẻ em. Trong đó đã đề nghị Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, tình hình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại vẫn còn nhiều.

Phải chăng các quy định pháp luật liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

Từ đó, bà kiến nghị Chính phủ cho biết giải pháp trong thời gian tới để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trẻ em là tương lai của đất nước, việc giáo dục, bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược lâu dài góp phần quan trọng nâng cao nguồn nhân lực.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ thực tế cho thấy vẫn còn các vụ vi phạm quyền trẻ em như bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, bóc lột sức lao động trẻ em...

Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng di cư tự do trong nước, di cư quốc tế, những người di cư ít có thời gian, điều kiện chăm sóc con cái; biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều gia đình, tình trạng tái nghèo, khó khăn về kinh tế.

Cùng với đó là suy thoái về đạo đức, lối sống, tác động tiêu cực từ các nội dung tình dục, bạo lực trên mạng, sự thiếu gắn bó, chủ quan, mất cảnh giác giữa các thành viên trong gia đình, những bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội dẫn đến hành vi xâm hại trẻ em.

Thủ tướng chỉ rõ hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, về phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả tích cực. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn.

Giải pháp ngăn bạo hành trẻ em

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai, hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương... trong lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em.

Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phân bổ ngân sách, bố trí hợp lý người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em, duy trì và phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý kịp thời tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Rà soát, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thực hiện quyền trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại trẻ em...

Tăng cường, phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án các cấp đưa ra truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em để nâng cao tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe nhằm bảo vệ trẻ em không bị bạo lực, xâm hại, hạn chế các hành vi vi phạm quyền trẻ em...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thờiThủ tướng Phạm Minh Chính: Phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời

Sáng 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên