28/04/2020 09:48 GMT+7

Thúc đẩy triển khai nhanh gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng

L.THANH
L.THANH

TTO - Chiều 27-4, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban trung ương MTTQ VN tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thúc đẩy triển khai nhanh gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên phối hợp Hội Chữ thập đỏ quận 6, TP.HCM trao tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết việc hỗ trợ cho các đối tượng là người có công, hộ nghèo, cận nghèo và người bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng thì thủ tục đơn giản. 

Với riêng nhóm người lao động mất việc làm, không cấp hỗ trợ cho tất cả người lao động ngừng việc và hoãn hợp đồng lao động mà chỉ chia sẻ với người lao động ở doanh nghiệp có khó khăn tài chính không có điều kiện trả lương cho người lao động.

Vẫn còn vướng mắc

Với các doanh nghiệp không có doanh thu, ngừng hoạt động, tính đến hết ngày 31-12-2019, doanh nghiệp hết các quỹ tài chính để chi trả cho người lao động, theo quy định người lao động được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, chi trả từng tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, nhưng tối đa 3 tháng.

Tại hội nghị, ông Ngô Văn Quý - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết có một số vướng mắc khi triển khai chương trình. 

Cụ thể, theo quy định, điều kiện được hưởng hỗ trợ cho người lao động bị mất việc tại doanh nghiệp không có doanh thu. Nhưng qua thực tế khảo sát, một số doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã thỏa thuận với lao động tạm hoãn nghỉ, không hưởng lương nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Doanh nghiệp vẫn có doanh thu nhưng không đủ điều kiện để trả lương cho người lao động. Do đó, Hà Nội kiến nghị nên hỗ trợ cho đối tượng lao động này.

Tương tự, ông Nguyễn Văn An - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng - kiến nghị các bộ xem xét những trường hợp do tác động của dịch COVID-19 phải nghỉ không lương từ tháng 2 có được hỗ trợ hay không. 

Theo quy định, để được nhận hỗ trợ, thời gian nghỉ việc phải từ tháng 4. Ngoài ra những lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1-4 đến 15-6 thì được hưởng hỗ trợ. 

Tuy nhiên thực tế có những doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch từ tháng 2, đầu tháng 3 nên đã chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Vậy những lao động này có được hưởng trợ cấp không?

Nhiều địa phương xin thêm kinh phí

Để có kinh phí hỗ trợ người lao động, nhiều địa phương đã xin Chính phủ rót kinh phí. Ông Bùi Đình Long - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho rằng với khoảng 700.000 người thuộc đối tượng hưởng chính sách trên, kinh phí dự kiến chi là 750 tỉ đồng. 

Theo quy định, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ Nghệ An 50% kinh phí, song 50% còn lại cũng là rất khó khăn đối với địa phương. Do đó Nghệ An kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm kinh phí ngoài quy định để tỉnh có đủ nguồn chi kịp thời cho các đối tượng được thụ hưởng.

Thúc đẩy triển khai nhanh gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng - Ảnh 2.

Về nguồn kinh phí, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính cho biết theo nghị quyết 42, những địa phương điều tiết trên 50% nguồn thu về ngân sách trung ương như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương... thì tự lo. 

Với những địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50% như Hải Phòng, Quảng Ninh..., ngân sách trung ương hỗ trợ 30%. Các tỉnh nghèo như miền núi, Tây Nguyên chi theo đúng chính sách chế độ rồi báo Bộ Tài chính để ngân sách trung ương hỗ trợ cho 70%. 

Còn các địa phương còn lại chưa tự cân đối ngân sách (trừ miền núi, Tây Nguyên) thì trung ương sẽ hỗ trợ 50% mức thực chi theo quy định của chính sách này.

Liên quan việc một số địa phương đề xuất bổ sung kinh phí, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết các địa phương thực hiện theo đúng nghị quyết 42 và quyết định 15. 

Theo đó, địa phương chủ động sử dụng cả nguồn dự phòng, nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi hỗ trợ theo quy định. Trường hợp sử dụng các nguồn lực mà vẫn không đảm bảo, địa phương báo cáo để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xử lý kịp thời.

* Ông Đào Ngọc Dung (bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):

Đừng để ai bị xử lý kỷ luật

Hôm 27-4, trước hội nghị này, Thủ tướng có công văn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc nghị quyết 42 và quyết định 15 về gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời.

Do đó, tôi nhắc lại đây là chương trình rất quan trọng, đừng để dê, gà đi lạc đường. Đừng để ai bị xử lý về đảng, về chính quyền và các hình thức kỷ luật. Bởi vì động đến đây là không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời.

Tôi mong kiểm tra giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực khi triển khai gói an sinh dành cho người nghèo này.

120-8511 5(read-only)

Bà Nguyễn Thị Huê, 84 tuổi (ngồi xe lăn) và bà Lê Thị Đào, 80 tuổi, ở quận Tân Phú cùng đi nhận tiền hỗ trợ - Ảnh: TỰ TRUNG

* TP.HCM: 30-4 sẽ hỗ trợ tận tay người dân khó khăn

Ngày 27-4, tại cuộc họp trực tuyến triển khai và giám sát các chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Lê Minh Tấn cho biết qua rà soát, TP.HCM có hơn 570.000 người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 1.300 tỉ đồng.

Theo ông Tấn, TP quyết tâm đến ngày 30-4 sẽ chi tiền hỗ trợ đến tận tay các nhóm đối tượng gặp khó khăn. Riêng với nhóm hộ kinh doanh cá thể, có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Nhóm hộ kinh doanh cá thể cùng với nhóm doanh nghiệp vay vốn trả lương cho lao động ngừng việc, TP.HCM phấn đấu đến ngày 10-5 sẽ chi hỗ trợ.

Trước đó ngày 27-3, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết chi hỗ trợ cho người mất việc ngừng việc, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và giáo viên mầm non, mẫu giáo ngoài công lập bị ảnh hưởng với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên theo ông Tấn, sau đó Sở LĐ-TB&XH đề xuất UBND TP.HCM nâng mức hỗ trợ lên 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Việc chi hỗ trợ sẽ diễn ra một lần. (THẢO LÊ)

* Ngày 28-4, người dân Thừa Thiên Huế nhận được tiền hỗ trợ

Ngày 27-4, ông Nguyễn Thanh Minh - phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy - cho biết từ ngày 28-4 các xã, phường ở thị xã Hương Thủy sẽ triển khai chi trả gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Ở giai đoạn 1, đơn vị ưu tiên chi trả cho nhóm 4 đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Tại buổi họp giao ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 ngày 27-4, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - nhấn mạnh cần sớm triển khai hỗ trợ cho 4 đối tượng đặc biệt vì đây là nhóm đối tượng đã có danh sách và hằng tháng tỉnh vẫn thực hiện chi trả chế độ nên việc thực hiện chi trả cho những đối tượng này phải được thực hiện sớm, giúp người dân vượt qua khó khăn. (PHƯỚC TUẦN)

* Cần Thơ: quận Thốt Nốt đi đầu

Ngày 27-4, bà Trần Thị Xuân Mai, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Cần Thơ, cho biết quận Thốt Nốt là địa phương đầu tiên của Cần Thơ thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 9.000 người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do dịch.

Ông Đỗ Hiền - phó Ban pháp chế HĐND quận Thốt Nốt - cho biết đã hoàn thành chi hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo và cận nghèo với 4.251 người, tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng. Quận sẽ tiếp tục chi cho nhóm người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội. Các nhóm hộ kinh doanh và người lao động đang cập nhật số liệu. (T.LŨY)

Thủ tướng ban hành quyết định về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng Thủ tướng ban hành quyết định về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng

TTO - Thủ tướng Chính phủ ngày 24-4 đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên