13/11/2018 14:00 GMT+7

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây - khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Ngày 15-11, chợ Bình Tây (Q.6) sẽ trở lại hoạt động. Việc nâng cấp, sửa chữa chợ Bình Tây được quan tâm bởi đây không chỉ là một di tích, mà còn là khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn - nơi mưu sinh của hơn 1.000 hộ kinh doanh.

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây - khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn - Ảnh 1.

Chợ Bình Tây mới

Những ngày này, bà con tiểu thương chợ Bình Tây đang hối hả chuyển dần hàng hóa từ các dãy chợ tạm sang đình chợ chính vừa hoàn thành nâng cấp sửa chữa.

Tại đình chợ Bình Tây mới được nâng cấp, sự rộn ràng cũng không kém phần, nhiều sạp hàng được tiểu thương sắp đặt tủ kệ, trang trí và sắp xếp hàng hóa...

Chợ Bình Tây - sẵn sàng chờ ngày trở lại

Giờ phút mong chờ

Trên lối đi vào cổng chính của chợ Bình Tây, hình ảnh xe kéo, xe đẩy và dân phu mang vác hàng hóa lũ lượt nối tiếp nhau chuyển hàng từ chợ cũ sang chợ mới.

Ở những dãy chợ tạm bằng tôn phía trước, xen lẫn hình ảnh hàng hóa và người mua kẻ bán đông đúc, chật chội, có rất nhiều chủ hàng đang đóng gói đồ đạc, tủ kệ để dời đi, ai cũng trong trạng thái tấp nập, hối hả. Đến chiều 12-11 đã có nhiều tiểu thương di dời toàn bộ sang đình mới.

Ông Sang - chủ một sạp hàng sành sứ, thủy tinh - cho hay đây là giờ phút mong chờ không chỉ của vợ chồng ông mà còn của hầu hết bà con tiểu thương. Bởi sạp ở chợ chính trước di dời rộng 2x3m, đường lại rộng, rất thoáng mát.

Ngược lại, ở chợ tạm vừa nóng, chỉ rộng 1,5x1,5m, đường đi lại chật, nhiều quầy hàng hóa lấn ra ngoài nên 2 người tránh nhau là chật, lại nguy hiểm nếu xảy ra chuyện gì.

"Chúng tôi chịu đựng nóng chật ở chợ tạm này đã 2 năm rồi, giờ tôi cũng như bà con ở đây ai cũng hớn hở dời vào chợ mới cả!" - ông Sang nói.

Tương tự, bà Bùi Thị Tuyết Mai, chủ sạp vải số 313 ở tầng 2, vừa hoàn thành việc dọn hàng sang chỗ mới; bà cho hay: "Ở bên kia (chợ tạm) chật chội, nóng lắm, giờ sang lại đây rồi, ở vị trí sạp cũ của mình, vừa rộng rãi, thoáng mát, thuận tiện cho việc mua bán nữa!".

Ông Nguyễn Thanh Phong, phụ trách bảo vệ chợ Bình Tây, cho hay chợ có hơn 1.400 sạp hàng, kế hoạch thông báo cho toàn thể tiểu thương là từ ngày 1 đến ngày 14-11, tiểu thương dời hàng qua sạp ở chợ mới, đến ngày 15-11 chợ chính thức hoạt động.

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây - khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn - Ảnh 3.

Một góc chợ Bình Tây sau khi sửa chữa - Ảnh: THÁI LỘC

Từng xuống cấp nghiêm trọng

Trong trí nhớ của bà con tiểu thương, trước khi dời sang chợ tạm để trùng tu, đình chợ bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nói như bà Bùi Thị Tuyết Mai: "Hồi chưa dời sang chợ tạm, đình ở đây xuống cấp khiếp lắm, ngói rớt xuống, tường nứt vỡ, trời mưa nhiều nơi thấm dột, rất nguy hiểm"... Do đó, nhiều bà con tiểu thương đồng thuận ủng hộ việc di dời sạp sang chợ tạm để chợ chính được sửa chữa, nâng cấp.

Theo ông Trương Kim Quân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM, trước khi thực hiện dự án "Nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây", toàn bộ phần mái của di tích đã bị hư hỏng, xuống cấp rất nặng. Ở một số nơi, để buôn bán được, tiểu thương phải dùng lưới ngăn ngói vỡ và lấy bạt nilông phủ trên sạp để chống dột.

Thật ra, trong quá trình nâng cấp, sửa chữa chợ Bình Tây, tiểu thương khu chợ này phản ảnh không ít vấn đề, nhất là việc bố trí lô sạp, sự chật chội và nóng bức ở chợ tạm... Song cho đến nay, ông Ngô Thành Luông - chủ tịch UBND quận 6, đơn vị chủ quản của ban quản lý chợ Bình Tây - cho biết đã có thể "thở phào".

Ông nói: "Việc trùng tu chợ Bình Tây là sự cố gắng hết sức của địa phương và của ban quản lý chợ.

Đây là công trình kiến trúc di tích có giá trị, tuổi đời gần cả trăm năm, xuống cấp nghiêm trọng; lại là công trình công cộng, gắn liền với hoạt động buôn bán của cả ngàn hộ dân, do đó đã có sự tính toán, bàn bạc và lộ trình thực hiện bài bản và cụ thể cả ở việc trùng tu, sửa chữa, bảo tồn, đặc biệt là công việc sắp xếp di dời".

Nâng cấp chợ sau 10 năm tích cóp

Phương án được mọi người ủng hộ là: sạp của tiểu thương ở vị trí nào, sau cải tạo sửa chữa đưa vào đúng chỗ đó. Việc tuyên truyền cũng được thực hiện kỹ lưỡng để tìm sự đồng thuận của tiểu thương.

Tất nhiên công tác di chuyển sạp sang chợ tạm, ông Luông thừa nhận "cũng có vấn đề chứ không phải không có, ví dụ vấn đề nóng bức chẳng hạn. Những vấn đề bà con phản ảnh có bộ phận tại chỗ tiếp thu ý kiến, những vấn đề gì cần khắc phục thì tìm cách khắc phục ngay.

Nhưng cũng có những chuyện phải xin ý kiến của Quận ủy, thậm chí đưa ra Ban thường vụ quận ủy, HĐND quận để có sự lãnh đạo chung. Nói chung những kiến nghị gì của bà con thì mình đều tập trung xử lý, bà con cũng cảm thấy an tâm".

Trong quá trình thực hiện, chính quyền và ban quản lý chợ nhiều lần tổ chức lấy ý kiến đại diện tiểu thương về phương án sạp mẫu, về một số mẫu thiết kế khác ở chợ. Hầu hết lộ trình thực hiện đều công khai, minh bạch; tiến độ thực hiện cũng được chợ thông báo hằng tuần, thậm chí hằng ngày...

Được biết, tổng mức đầu tư cho đợt trùng tu, sửa chữa, bảo tồn kiến trúc chợ Bình Tây là 104 tỉ đồng, kèm hơn 10 tỉ đồng đầu tư làm chợ tạm; toàn bộ nguồn vốn đều do tiểu thương đóng góp.

Về nguồn vốn này, theo diễn giải của ông Luông: "Số tiền nói trên tích cóp được từ tiền thuê bao sử dụng sạp của tiểu thương trong vòng 10 năm. Việc đầu tư này được quận tính toán ngay từ đầu nên mới làm được!".

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây - khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn - Ảnh 4.

Các tiểu thương trang trí quầy sạp tại chợ Bình Tây sau khi nâng cấp, sửa chữa - Ảnh: THÁI LỘC

Chợ Bình Tây xưa hoàn thành năm 1930

Chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn Mới, chợ Quách Đàm (57 Tháp Mười, P.2, Q.6), được UBND TP.HCM công nhận di tích kiến trúc và nghệ thuật năm 2017. Hồ sơ di tích ghi rõ: "Năm 1926, ông Quách Đàm (tức Thông Hiệp, một nhà tư sản thương nghiệp gốc Hoa ở Chợ Lớn) đã xin nhà nước cho xây dựng một khu chợ lớn, hiện đại, xứng tầm với sự phát triển của TP và tặng nó cho chính phủ.

Về phần mình, ông xin được xây cất hai dãy phố cạnh chợ để bán hoặc cho mướn và đúc một tượng đồng đặt ở cửa chính chợ. Để xây dựng chợ, ông Quách Đàm đã mua một khu đất sình lầy ở vùng Bình Tây thuê người bồi đắp.

Ngôi chợ khởi công năm 1927, khánh thành năm 1930, mang tên Bình Tây. Phố và nhà lồng chợ do nhà thầu danh tiếng - Công ty Tầu Cuốc (Công ty Xáng) Đông Dương xây cất. Có thể nói đây là ngôi chợ đồ sộ, quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam Kỳ lúc bấy giờ".

Năm 1992, chợ Bình Tây được nâng cấp, sửa chữa toàn diện. Đến năm 2006, chợ tiếp tục được xây dựng 2 dãy phía đường Trần Bình và Lê Tấn Kế bằng khung sắt, mái tôn. Đến tháng 11-2016, phần lớn sạp hàng của tiểu thương tiếp tục được dời ra chợ tạm, đến tháng 11-2017 thì khởi công dự án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây.

Chợ Bình Tây có thêm tầng hầm

ht_30 4(read-only)

Chiều 11-11, các tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) tất bật dọn hàng hóa từ chợ tạm cạnh đó để chuẩn bị buôn bán lại, sau khi ban quản lý thông báo việc sửa chữa đã hoàn thành - Ảnh: HỮU THUẬN

Ngày 15-11, chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) - chợ đầu mối bán sỉ lớn nhất cả nước - sẽ hoạt động trở lại sau hơn 10 tháng thi công.

Công trình sửa chữa nâng cấp chợ này thực hiện phục chế theo nguyên mẫu mái ngói được xây dựng đầu tiên vào năm 1928. Việc thay mới hệ thống rui với rui mè nguyên mẫu.

Các con rồng trên nóc chợ được đo kích thước và sửa chữa để phục hồi theo nguyên mẫu. Nền chợ bằng vật liệu đá mài màu trắng cũng được cán bộ của trung tâm bảo tồn xem xét về màu sắc.

Theo thiết kế, công trình mặt tiền chợ Bình Tây dài 89,2m, rộng 108,6m và cao 13,1m với nóc nhà gắn đồng hồ lớn là biểu tượng của chợ Bình Tây 90 năm qua.

Khu vực nhà lồng có tổng cộng 1.446 sạp, trong đó có 698 sạp tầng trệt và 748 sạp tầng lầu. Bên cạnh việc phục hồi nguyên trạng chợ, các cơ quan chức năng chấp thuận xây dựng thiết kế mới một hạng mục là xây dựng thêm tầng hầm có diện tích 172m2.

NGỌC ẨN

Tiểu thương tất bật chuẩn bị khi chợ Bình Tây hoạt động trở lại Tiểu thương tất bật chuẩn bị khi chợ Bình Tây hoạt động trở lại

TTO - Ngày 15-11 tới đây, chợ Bình Tây sẽ chính thức khai trương sau gần 2 năm tu sửa. Vài ngày nay, hàng ngàn hộ tiểu thương đang tất bật chuẩn bị đưa hàng hóa vào chợ, sẵn sàng cho việc buôn bán trong những ngày tới.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên