30/11/2013 11:23 GMT+7

Tiền ảo Bitcoin không liên quan đến Silk Road

THÚY QUỲNH
THÚY QUỲNH

TTO - Hai nhà nghiên cứu Israel đã phải rút lại lời tuyên bố do chính họ đưa ra cách đây ít ngày về sự tồn tại của mối liên quan giữa tiền tệ ảo Bitcoin và chợ trực tuyến bất hợp pháp Silk Road (Con đường tơ lụa).

Bitcoin: Tiền ảo đi vào đời sống thậtThế giới ngầm thách thức FBI với Silk Road 2.0

hKhiMSRi.jpgPhóng to
Ảnh: CNN
Trước đó, Dorit Ron và Adi Shamir, hai chuyên gia máy tính thuộc Viện khoa học Weizmann (Israel) đã nêu giả thuyết về khả năng Satoshi Nakamoto - nhân vật bí ẩn được cho là người phát minh ra Bitcoin - đã chuyển một khoản tiền lớn cho Dread Pirate Roberts, cha đẻ của chợ trực tuyến bất hợp pháp Silk Road (Con đường tơ lụa).

Tuy nhiên, nhân vật bị buộc tội chuyển tiền cho Dread Pirate Roberts hóa ra lại là Dustin Trammell, một người đam mê công nghệ sống tại... Austin, Texas (Mỹ). Trên thực tế, Dustin cho biết mình được Satoshi liên hệ vài lần qua thư điện tử, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Hai nhà nghiên cứu Israel sau đó thừa nhận đã sai lầm và nhắc lại điều họ từng tuyên bố chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết. Về phần mình, Dustin Trammel phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến Silk Road, cho biết ông chuyển phần lớn tiền Bitcoin về chính tài khoản của mình. Hãng thông tấn CNN nhận xét điều này không có gì lạ, vì một chủ nhân Bitcoin có thể sở hữu nhiều ví điện tử (digital wallet).

Trong một diễn biến có liên quan, nhà chức trách liên bang Mỹ gần đây đã bắt giữ Ross Ulbricht, người bị cáo buộc sáng lập và điều hành trang Silk Road và cũng đến từ... Austin, Texas.

McAfee cảnh báo tác hại của Bitcoin

Hãng bảo mật Mỹ McAfee vừa đưa ra lời cảnh báo về sự xuất hiện của dòng malware (phần mềm độc hại) mới, vốn đóng góp đến 30% các vụ lây nhiễm trên các thiết bị dùng hệ điều hành Android.

Báo cáo mới nhất từ McAfee Labs Threats cho thấy các tin tặc đã phát minh ra nhiều phương pháp để qua mặt cơ chế chứng thực (validation) chữ ký điện tử đối với những ứng dụng trên thiết bị dùng Android và cả Windows.

Bản báo cáo mới nhất từ McAfee cũng tiết lộ việc sử dụng tiền tệ ảo Bitcoin cho các giao dịch bất hợp pháp, chẳng hạn mua bán ma túy, vũ khí và các loại hàng hóa bị cấm khác trên những chợ trực tuyến của thế giới ngầm như Silk Road (Con đường tơ lụa).

Cũng theo McAfee, việc sử dụng tiền tệ ảo để mua bán hàng hóa bất hợp pháp và phục vụ hoạt động rửa tiền đã và đang phát triển theo chiều hướng và mức độ chưa từng có tiền lệ. Nhờ Bitcoin, những giao dịch này có thể được thực thi một cách ẩn danh, lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng tội phạm mạng, cho phép chúng thực hiện những giao dịch và phi vụ vốn sẽ bị minh bạch trước pháp luật nếu làm theo cách thông thường.

Bitcoin: tiền ảo nhiều lợi thế?

Mới đây, Bitcoin đã được cơ quan An ninh quốc gia (Homeland Security) và Ủy ban quan hệ chính phủ công nhận là "phương thức hợp pháp để trao đổi tiền tệ".

Theo báo USA Today, "Bitcoin là tiền mặt ảo của thế giới Internet, hoạt động thông qua giao dịch giữa người với người mà không cần bất kỳ ngân hàng hoặc cơ quan kiểm soát tiền tệ trung ương nào (chẳng hạn Cục dự trữ quốc gia Mỹ). Bitcoin có thể dùng để mua hàng như tiền bình thường. Bài viết trên USA Today còn nhận xét "Bitcoin có lợi thế là phí giao dịch thấp, không bị chênh lệch giá trị giữa các quốc gia và có tốc độ giao dịch gần như ngay tức thì".

Một số người dự đoán Bitcoin và các loại tiền tệ ảo khác có thể là giải pháp cho tương lai, giúp ngăn ngừa những rủi ro như lạm phát hoặc mất giá vốn đang đe dọa đến các loại tiền vật lý chúng ta đang sử dụng hiện tại. Tuy nhiên, một số người khác thì tin rằng Bitcoin cũng sở hữu nhiều nguy cơ như bị lợi dụng làm công cụ hỗ trợ tội phạm thực hiện các phi vụ mua bán bất hợp pháp, rửa tiền do đặc tính ẩn danh và không thể truy nguồn gốc của Bitcoin.

THÚY QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên