22/05/2020 11:00 GMT+7

Tiếng nước tôi: Chuyện 'sang tên sổ hồng' trong ngôn ngữ

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - "Sang tên sổ hồng" là cách nói bình dân về việc thay đổi người sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tiếng nước tôi: Chuyện sang tên sổ hồng trong ngôn ngữ - Ảnh 1.

Râu Xanh giao chìa khóa lâu đài cho vợ thứ tư - Minh họa năm 1862 của Gustave Doré

Hiện tượng danh từ riêng trở thành danh từ chung sau một thời gian dài sử dụng có thể ví von như "sang tên sổ hồng" trong ngôn ngữ.

1. Vũ môn là tên một con kênh do Đại Vũ (2298 - 2198 TCN) chỉ huy xây dựng vào thời Trung Quốc cổ đại. Vũ môn còn là tên một ghềnh sông trên dòng Trường Giang, đoạn chảy qua tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tương truyền vào mùa lũ, nhiều loài cá tụ tập về ghềnh này và con nào vượt được sẽ hóa rồng.

Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận suối Vũ Môn ở núi Vũ Môn, dãy Giăng Màn, huyện Hương Khê. Trên núi có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng. 

Tương truyền đến ngày 8-4 hằng năm, cá chép vượt được suối này thì hóa rồng. Ca dao Việt Nam cũng có câu: Mồng bốn cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn (Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam).

Theo thời gian, danh từ riêng Vũ môn (hoặc Vũ Môn) trở thành danh từ chung "vũ môn" để chỉ một kỳ thi và "vượt vũ môn" mang nghĩa thi đỗ. Truyện Phan Trần có câu "Vũ môn mừng đã đến tuần", ý nói ngày thi sắp đến.

2. Công ty Honda (Nhật Bản) thành lập năm 1948. Vào thập niên 1960, xe gắn máy Honda chính thức nhập khẩu vào miền Nam nước ta, mở đầu cho thời kỳ thống trị của các loại xe gắn máy thương hiệu Nhật.

Dần dần, "xe honda" trở thành danh từ chỉ chung các loại xe hai bánh gắn máy. Cách gọi này đi vào ngôn ngữ quần chúng những năm 1980 thông qua "lời nhắn nhủ" dí dỏm cho những ai đang đi tìm người yêu: "Một ngàn lời nói không bằng cái ống khói xe honda!". Trên đường phố ngày nay, ta vẫn nhìn thấy các bảng hiệu ghi "sửa xe honda" mặc dù ở đó có sửa các xe gắn máy hiệu khác.

3. Mạnh Thường Quân là hiệu của Điền Văn (? - 279 TCN) - một nhân vật lịch sử và văn học thời Chiến quốc. Về con người Mạnh Thường Quân, các tài liệu lịch sử và tác phẩm văn học viết không hoàn toàn giống nhau. 

Tuy nhiên, hai nguồn này đều cho thấy Mạnh Thường Quân là một chính khách giàu có, nuôi hàng nghìn thực khách trong nhà.

Bắt nguồn từ danh từ riêng Mạnh Thường Quân, danh từ chung "mạnh thường quân" được dùng trong tiếng Việt để chỉ người hay giúp đỡ người khác. Có thể thấy, tính cách hào phóng của Mạnh Thường Quân đã được giữ lại và dần dần tạo nên nghĩa hiện tại của danh từ chung tương ứng.

4. La Barbe-Bleue (Râu Xanh) là tên nhân vật trung tâm của truyện cổ tích cùng tên mà phiên bản nổi tiếng nhất được Charles Perrault (1628 - 1703) biên soạn và xuất bản tại Pháp năm 1697 trong tuyển tập Les contes de ma mère l’Oye (Truyện cổ tích của mẹ Oye).

Râu Xanh là một người đàn ông giàu có nhưng xấu xí với bộ râu màu xanh. Y đã ba lần kết hôn nhưng không ai biết những người vợ này hiện ra sao. Một cô gái trẻ đẹp sống cạnh lâu đài của Râu Xanh trở thành vợ thứ tư của y. 

Trong một lần Râu Xanh đi vắng, cô vợ thứ tư phát hiện căn phòng bí mật - nơi chồng cô giấu xác ba người vợ trước. Biết tội ác bị lộ, Râu Xanh chuẩn bị giết người vợ thứ tư nhưng hai người anh vợ đã đến kịp và kết liễu y.

Les contes de ma mère l’Oye được Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu năm 1916 với tên Truyện trẻ con, được Đắc Lộ thư xã tái bản có chỉnh sửa năm 1943 và được Đông A tái bản năm 2016. Tập truyện cũng được NXB Kim Đồng ra mắt năm 1974 và 1993 với bản dịch Chiếc hài cườm pha lê của Vũ Ngọc Bình (1925 - 2016).

Ngày nay, danh từ chung "yêu râu xanh" thường được dùng để chỉ người đàn ông có ý định hoặc có hành vi cưỡng hiếp phái nữ. Râu Xanh từ một nhân vật giàu có, xấu xí và hung ác dần dần trở thành danh từ chung "yêu râu xanh" với nghĩa thay đổi so với nhân vật văn học gốc.

Tiếng nước tôi: Để thấy hồn tôi trong mắt xanh Tiếng nước tôi: Để thấy hồn tôi trong mắt xanh

TTO - Khi gặp Thúy Kiều lần đầu, Từ Hải hỏi: "Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không?" (Truyện Kiều, câu 2181-2182).

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên