26/01/2010 08:39 GMT+7

Tìm cách nâng tầm đô thị Huế

(Theo quyết định 86 do Thủ tướng ban hành ngày 17-6-2009)
(Theo quyết định 86 do Thủ tướng ban hành ngày 17-6-2009)

TT - Ngày 25 -1, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo khoa học “Thừa Thiên - Huế với vai trò thành phố trực thuộc trung ương - cơ hội và thách thức”.

NEhC07YT.jpgPhóng to
Một góc thành phố Huế hiện nay - Ảnh: THÁI LỘC

Tham luận của KTS Ngô Trung Hải (viện trưởng Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng) đưa ra mô hình “đô thị đa tâm” với một đô thị hạt nhân và chùm đô thị vệ tinh là xu hướng mới; việc mở rộng thủ đô Hà Nội cũng dựa trên xu hướng đó, và đó cũng là mô hình mà TP Thừa Thiên - Huế hướng tới.

Người ủng hộ, người băn khoăn

KTS Lã Thị Kim Ngân (viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội), một trong những tác giả của đề án xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành TP trực thuộc trung ương, cho rằng Thừa Thiên - Huế với hạt nhân là TP Huế hiện nay, nằm trung điểm trong một mạng lưới các trục phát triển từ đông sang tây, từ nam đến bắc bởi những điểm có thể trở thành đô thị vệ tinh và hệ thống hạ tầng như cảng biển, sân bay quốc tế, cửa khẩu...

Ông Nguyễn Đình Toàn, thứ trưởng Bộ Xây dựng, tin rằng với những lợi thế và tiềm năng hiện có, nếu Thừa Thiên - Huế đặt ra một lộ trình xây dựng đề án và thực hiện trên thực tế thì trong vòng năm năm tới, cả tỉnh sẽ được công nhận thành TP trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, việc xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành TP trực thuộc trung ương cũng nhận được những lời phản biện.

GS Hoàng Đạo Kính nhận xét: “Thừa Thiên - Huế trở thành một đô thị tầm cỡ quốc gia thì dựa vào hai yếu tố nền tảng, đó là tiềm năng tài nguyên của bản thân, thiên nhiên - văn hóa và lịch sử, song cả hai thành phần cấu thành nền tảng này đều rất mong manh. Tôi lo rằng việc xây dựng cả tỉnh thành đô thị dễ biến Thừa Thiên - Huế trở thành một vùng đất dang dở với những ý tưởng không thành”.

Thừa Thiên - Huế năm 2020

Thành phố Thừa Thiên - Huế có diện tích hơn 5.000km2, dân số đến năm 2020 là hơn 1,3 triệu dân (hiện là 1,1 triệu), trong đó dân thành thị gần 950.000 người, chiếm 70% (hiện là 35%). Hạt nhân là thành phố Huế, đô thị vệ tinh là: thành phố mới Chân Mây - Lăng Cô, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Phong Điền và các thị trấn: Phú Đa, Bình Điền, Phong Thu, Thanh Hà, Vinh Thanh, Vinh Hưng, A Đớt, Hồng Vân... Nguồn vốn để xây dựng chủ yếu là nguồn nội lực, huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất, thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao...

Theo đề xuất của KTS Nguyễn Trọng Huấn thì việc đưa cả tỉnh trở thành TP là điều không nên: “Dựa vào rất nhiều yếu tố làm cơ sở, Thừa Thiên - Huế có thể không nên tồn tại dưới hình thức một TP trực thuộc trung ương mà chỉ nên chuyển thành một “đặc khu du lịch cấp quốc gia” với những thể chế hoạt động đặc thù, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đầu tư và phát triển!”.

KTS Ngô Trung Hải cũng có nỗi lo: “Sau Huế, tôi đang lo sẽ có nhiều tỉnh không hiểu được thực chất câu chuyện và các tỉnh cứ không nghiên cứu kỹ, không nắm vững quy luật, đề xuất cả tỉnh lên trung ương như Thừa Thiên - Huế, rồi có những quyết định vội vã, thành ra phát triển không đúng quy luật, rồi sau này trở về lại đúng mô hình cũ. Ở VN mô hình tách tỉnh, mở rộng các thứ làm lớn lắm không được, sau đó thì co lại”...

Nhiều việc phải làm

Sẽ có rất nhiều việc phải làm nếu xây dựng cả tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay thành TP trực thuộc trung ương. Bởi lẽ, nói như ông Nguyễn Bá Ân (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư), xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh này đang khá thấp, với công nghệ sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ suy thoái tài nguyên...

KTS Nguyễn Văn Quảng (Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn) cho rằng: “Nếu đổi tên một tỉnh thành TP thì rất dễ nhưng thể hiện được sự chuyển đổi có tính bản chất là rất khó!”.

KTS Lã Thị Kim Ngân đề xuất nên xác lập vùng lõi của tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành vùng nội thị, trong đó gìn giữ cả những yếu tố di sản lẫn thiên nhiên. Sau đó sẽ xây dựng các điểm mang tính vệ tinh xung quanh rồi kết nối lại với nhau và với khu trung tâm (mà hạt nhân là TP Huế).

“Vấn đề không phải là không xây dựng được (cả tỉnh thành TP) mà là xác định ngưỡng phát triển tối đa làm cơ sở để xây dựng. Huế là vậy, việc phát triển luôn chậm mà chắc, vững bền cho nên mới trở thành đô thị độc đáo...” - bà Ngân nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề án xây dựng TP Thừa Thiên - Huế trực thuộc trung ương sẽ xác định được mô hình TP Thừa Thiên - Huế. Trong đó sẽ có những bước đi, cách tổ chức thực hiện, quá trình và thời điểm thực hiện...

Theo dự kiến, đề án sẽ trình Chính phủ và Quốc hội thông qua trước năm 2015.

(Theo quyết định 86 do Thủ tướng ban hành ngày 17-6-2009)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên