Chừng ba năm nay, nghề ươm tơ dệt lụa thủ công xứ Quảng đã quay về ngay giữa lòng đô thị cổ Hội An.

Tơ lụa Việt Nam: Cây dâu, con tằm, khung cửi trở lại phố cổ Hội An - Ảnh 1.

Ở đó, hàng trăm gốc dâu đang xanh lá. Những nong tằm đầy lên. Tiếng kẽo kẹt của khung cửi cổ xưa vọng ra, những thảm lụa mang đậm bản sắc truyền thống hiện hình. 

Không gian ấy là làng lụa Hội An, mà người có công khôi phục nghề ươm tơ dệt lụa ở đó là ông Lê Thái Vũ, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, chủ nhân làng lụa này.

Năm 2014, ông Lê Thái Vũ khiến nhiều người dân phố cổ mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên. Sau khi tận dụng khoảnh đất phía sau làng giâm hàng trăm gốc dâu, người ta thấy ông Vũ nhập về các khung cửi cũ kỹ rồi tự tay phục chế.

"Thời điểm cây dâu cho lá xum xuê thì tôi bắt đầu nhập giống tằm, đồng thời tìm kiếm nghệ nhân có tay nghề cao quy tụ về làng lụa. Lúc đó, công cuộc phục dựng nghề trồng dâu nuôi tằm vốn bị mai một mới chính thức triển khai" - ông Vũ kể lại. 

Tơ lụa Việt Nam: Cây dâu, con tằm, khung cửi trở lại phố cổ Hội An - Ảnh 2.

Tại đây, con tằm được chăm sóc cẩn thận để ra kén. 20 nghệ nhân cùng nhau gỡ kén ươm tơ. 

"Sau khi nấu kén trong nước nóng, chúng tôi sẽ kéo môi tơ từ các kén khác nhau, chập lại thành sợi tơ thô và mang dệt tại chỗ bằng khung cửi.

Năng suất đạt khoảng 200m lụa mỗi ngày. Mức lương cho mỗi thợ ở đây từ 5-6 triệu đồng/tháng, cũng đủ để chúng tôi gắn bó với nghề" - một nghệ nhân làng lụa cho hay. 

Từ đó, mới có một gian phòng rộng chừng 50m2 nằm ngay tiền sảnh đón tiếp du khách của làng lụa bày những dải lụa "made in Hội An".

Lụa đũi thô của họ hút hồn khách du lịch bằng sự mộc mạc mà vẫn tinh tế. Một chiếc khăn choàng cổ được dệt hoàn toàn thủ công tại làng lụa có giá thấp nhất 300.000 đồng. 

"Nhiều đơn đặt hàng cho sản phẩm đũi thô được in hình các địa danh nổi tiếng của xứ Quảng có giá đến 3 triệu đồng mà vẫn bán chạy. Điều đó làm chúng tôi tin rằng nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống sẽ vực dậy và phát triển" - ông Vũ nói.

Tơ lụa Việt Nam: Cây dâu, con tằm, khung cửi trở lại phố cổ Hội An - Ảnh 3.

Nhiều năm trước, sản phẩm từ các làng nghề tơ lụa truyền thống gặp đầy khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Lụa Mã Châu cũng bế tắc đầu ra. 

Nhưng ba năm qua, với các festival tơ lụa được tổ chức, các làng nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của Việt Nam được khách quốc tế quan tâm nhiều hơn. 

"Sự kiện này đã tạo cơ hội giúp hàng chục làng nghề từ Bắc chí Nam tiếp cận ngành dệt lụa thế giới, từ đó mà ta biết được mình đang ở đâu và cần phải làm gì?" - ông Vũ nhấn mạnh.

Trong Festival tơ lụa Việt Nam - châu Á diễn ra tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên, Hội An chào đón gần 80 nghệ nhân đến từ các làng nghề dệt lụa truyền thống như Nha Xá, Vạn Phúc, Nam Cao... 

Những nghệ nhân từ miền núi cao Hà Giang, nghệ nhân Khmer ở An Giang, nghệ nhân dân tộc Thái của vùng phía tây tỉnh Nghệ An cũng góp mặt, góp sản phẩm. Họ tự tin đặt sản phẩm của mình cạnh những dòng sản phẩm của các nước sản xuất lụa nổi tiếng trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan...

Sau festival này, hàng chục nghệ nhân của các làng nghề dệt lụa Việt Nam được cử đi tham dự Hội thảo tơ lụa quốc tế (tổ chức tại Thái Lan) và Diễn đàn tơ lụa thế giới (Trung Quốc). 

Ở các cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm đó, hàng trăm nghệ nhân đã tìm thấy tiếng nói chung, mục tiêu chung là liên kết, hỗ trợ nhau vực dậy làng nghề.

Tơ lụa Việt Nam: Cây dâu, con tằm, khung cửi trở lại phố cổ Hội An - Ảnh 4.

Câu chuyện phục hưng của tơ lụa Bảo Lộc cũng được kể để truyền cảm hứng cho họ. 

Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu, nơi chỉ còn khoảng 2ha dâu, đã nhận sợi từ Bảo Lộc về để dệt đũi thô. 

"Trung bình chúng tôi nhập từ 2-3 tấn sợi tơ/năm và cho ra khoảng 100.000m lụa. Doanh thu ước tính trên 6 tỉ đồng/năm" - ông Trần Hữu Phương, chủ nhiệm Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu, nói. 

Cùng với làng lụa Hội An, sản phẩm của Bảo Lộc và Mã Châu rất được du khách ưa chuộng. Khách hàng sẵn sàng đặt mua số lượng lớn làm quà lưu niệm khi đến tham quan phố cổ hàng trăm năm tuổi này.

"Thời gian qua, sản phẩm lụa của Hội An và một số địa phương khác đã bắt đầu hiện diện ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Thái Lan... Chúng ta đã biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật in họa tiết trên lụa. Tôi dự kiến mở văn phòng trưng bày sản phẩm lụa Việt Nam ở Nhật Bản và Úc, khi ấy, các sản phẩm của những làng nghề dệt lụa trong nước sẽ có thêm cơ hội vào thị trường thế giới" - ông Vũ chia sẻ.

"Sự phát triển ổn định dài lâu của Hiệp hội Tơ lụa thế giới không thể thiếu sự hỗ trợ của những đơn vị thành viên. Festival tơ lụa diễn ra ngay tại phố cổ Hội An là một cơ hội để doanh nghiệp tơ lụa tìm hiểu và hợp tác lẫn nhau, từ đó tơ lụa Việt Nam sẽ có điều kiện hội nhập với những cường quốc tơ lụa thế giới" - Trích lời ông Li Jilin (Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới).


THANH BA - VIỆT HÙNG
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
15/01/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên