06/01/2021 11:19 GMT+7

Tòa đã tuyên, vẫn không nhận được tiền đền bù

ĐAN THUẦN
ĐAN THUẦN

TTO - Sau 8 năm tranh chấp tài sản với vợ cũ, đến khi thắng kiện thì người dân lại gặp khó khăn trong việc nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo phán quyết của tòa.

Tòa đã tuyên, vẫn không nhận được tiền đền bù - Ảnh 1.

Cầm bản án trên tay, ông Chung vẫn chưa thể nhận được tiền đền bù - Ảnh: Đ.T.

Ông Trần Kim Chung (71 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) trình bày phần nhà đất có diện tích 350,82m2 ở ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn có nguồn gốc sở hữu của mẹ ông - bà Trần Thị Bông (đã mất năm 2013). Năm 2018, UBND huyện Hóc Môn ban hành quyết định thu hồi 133,9m2 để làm nút giao thông An Sương và đền bù giải phóng mặt hơn 3,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên vì toàn bộ phần nhà đất này đang tranh chấp với bà Tôn Nữ Thị Tr. (vợ ông Chung, đã ly hôn từ năm 2004), nên số tiền đền bù được Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn (gọi tắt là Ban bồi thường) chuyển vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước.

Bị làm khó?

Sau nhiều cấp xét xử tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa ông Chung và bà Tr., bản án phúc thẩm ngày 23-9-2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM xác định: toàn bộ nhà đất có diện tích 350,8m2 nói trên là di sản của bà Trần Thị Bông - mẹ ông Chung. Ghi nhận sự tự nguyện của các đồng thừa kế (anh, chị, em của ông Chung) cho ông Chung được quyền sử dụng phần đất trên. Ông Chung được liên hệ với Ban bồi thường để nhận số tiền đền bù giải tỏa hơn 3,4 tỉ đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Chung hỗ trợ bà Tr. 1 tỉ đồng nếu bà Tr. tự nguyện thi hành án...

Gần 3 tháng sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Chung nhiều lần liên hệ Ban bồi thường để nhận tiền nhưng đều phải ra về trong thất vọng với lý do "đang điều chỉnh quyết định chi trả tiền bồi thường".

Sau đó, Ban bồi thường yêu cầu các anh chị em ruột của ông Chung phải bổ sung giấy ủy quyền cho ông. Lý giải cho yêu cầu này, Ban bồi thường cho rằng bản án tuyên ông Chung được nhận 3,4 tỉ đồng, trong khi đó phần đền bù của ông Chung được bổ sung thêm 212 triệu đồng (từ 3,4 tỉ lên 3,6 tỉ).

Với yêu cầu mới phát sinh này, ông Chung cho rằng số tiền 212 triệu đồng là số tiền bồi thường bổ sung cho phần nhà đất bị thu hồi, phần nhà đất này thuộc phần nhà đất đã được tòa xác định thuộc sở hữu của ông Chung. Hơn nữa, bản án cũng thể hiện rõ các anh em của ông Chung cam kết không tranh chấp tài sản chung với ông. Do đó việc yêu cầu anh em ông Chung bổ sung giấy ủy quyền là không cần thiết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chung cho rằng Ban bồi thường cố tình làm khó mình. "Tôi có đến 7 anh chị em. Trong đó có 2 chị ruột đã ngoài 80 tuổi sống bên Mỹ, 5 anh chị em còn lại cũng ở nhiều quận huyện khác nhau. Hơn nữa những người này đã cam kết với tòa là không tranh chấp với tôi. Tôi không hiểu vì sao Ban bồi thường không làm theo quyết định của tòa?", ông Chung bức xúc.

Ban bồi thường huyện lúng túng

Ngày 15-12-2020, Ban bồi thường có văn bản gửi Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề nghị xem xét, hướng dẫn thi hành bản án trên. Văn bản này thể hiện: Do hiện nay bà Tr. đã có đơn gửi UBND huyện Hóc Môn và Ban bồi thường yêu cầu tạm hoãn chi trả tiền đền bù cho ông Chung theo bản án với lý do bà đang đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm... Vì vậy Ban bồi thường đề nghị Cục Thi hành án tổ chức thi hành án hoặc hướng dẫn để thực hiện chi trả 1 tỉ đồng cho bà Tr. từ số tiền 3,4 tỉ đồng chi trả cho ông Chung.

Luật sư Đặng Đình Thịnh cho rằng: "Theo quy định của pháp luật thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Chỉ có chánh án TAND tối cao hoặc viện trưởng Viện KSND tối cao mới có quyền ra quyết định hoãn thi hành án, trong khi hiện nay đề nghị giám đốc thẩm của bà Tr. chỉ dừng lại ở việc gửi đơn. Vì vậy không có căn cứ gì để các bên liên quan không chấp hành bản án phúc thẩm". Ngoài ra, đề nghị của Ban bồi thường về việc hướng dẫn để thực hiện chi trả 1 tỉ đồng cho bà Tr. là rất vô lý và trái với bản án phúc thẩm.

"Bản án phúc thẩm tuyên ghi nhận sự tự nguyện của ông Chung hỗ trợ bà Tr. 1 tỉ đồng trong trường hợp bà Tr. tự nguyện thi hành án, có nghĩa là khi bà Tr. tự nguyện chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép và giao trả thửa đất cho ông Chung thì ông Chung mới hỗ trợ bà 1 tỉ", luật sư Thịnh nói.

Bản án có hiệu lực, buộc phải chấp hành

Theo luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), các bản án và quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật thì phải được các bên liên quan nghiêm chỉnh chấp hành. Đối với trường hợp của ông Chung, các cơ quan chức năng cần phải sớm chi trả tiền đền bù theo đúng quy định. Trường hợp bản án không được tự nguyện thi hành, ông Chung được quyền yêu cầu thi hành án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quyết định đền bù không thỏa đáng, phải làm sao? Quyết định đền bù không thỏa đáng, phải làm sao?

TTO - Diện tích đất nông thôn của tôi rất lớn, thế nhưng thông báo đền bù cho dự án xây sân bay Long Thành chỉ duyệt diện tích đất nông thôn tối đa 300m2, còn diện tích dư ra bị tính theo giá đất nông nghiệp 180.000 đồng/m2.

ĐAN THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên