30/04/2020 08:18 GMT+7

Tôi chứng kiến hòa bình

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - "Đến hôm nay tôi vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử ấy. Hôm đó, tôi đi trên đường phố Sài Gòn thân thuộc với bầu máu nóng của tuổi 19", ông Nguyễn Đình Đạt ôm chồng ảnh đen trắng được đóng khung cẩn thận ra lật giở.

Tôi chứng kiến hòa bình - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Đạt và những tấm ảnh lịch sử của mình - Ảnh: TỰ TRUNG

Đến ngày 30-4-1975, Nguyễn Đình Đạt, 19 tuổi, vẫn còn là công tử con nhà giàu, mái tóc bồng bềnh, máy ảnh trên cổ, ngày ngày lái xe jeep rong chơi giữa Sài Gòn. 

Cậu lận trong người một tấm thẻ "động viên tại chỗ", giấy hoãn quân dịch có giá trị đến ngày 31-5-1975 vì lý do gia cảnh: "anh trai đang tại ngũ, là con trai duy nhất còn ở nhà", trang bị cho mình khóa học nhiếp ảnh quân đội để nếu có phải chấp hành lệnh tổng động viên sẽ xin làm phóng viên chiến trường, cầm máy ảnh chứ không cầm súng.

Tôi chứng kiến hòa bình - Ảnh 3.

10h sáng 30-4-1975, quân giải phóng từ Hóc Môn tiến vào trung tâm Sài Gòn qua đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ĐẠT

Sài Gòn ngày 30-4-1975

Còn một tháng nữa đến thời hạn đăng lính, tin tức dội về cho Đạt biết chiến tranh sắp kết thúc. Những ngày cuối tháng 4, tin tức dồn dập, nghẹt thở từ khắp nơi dồn về Sài Gòn, Đạt cũng hồi hộp chờ đợi như bao nhiêu người khác, nhưng máu phiêu lưu của cậu trai 19 tuổi vẫn tự nhủ chính mình: cùng lắm thì cầm máy ảnh ra chiến trường.

Sáng 30-4, đứng trên bancông nhà mình ở đường Trương Minh Giảng nhìn xuống đường, Đạt chợt thấy hai binh sĩ mặc quân phục phi công đang nép vào hàng hiên, lột bỏ bộ áo. Máu phóng viên chiến trường nổi lên, Đạt chạy vào nhà lấy chiếc máy ảnh. Ra đến nơi, hai người lính đã bỏ đi, một hàng dài những lính tráng khác đang theo nhau đi bộ dọc phố.

Biết sự kiện lịch sử đang diễn ra trước mắt mình, Đạt chạy vào gọi người bạn thân. Cả hai loay hoay lấy tờ giấy trắng viết chữ "Phóng viên" thật to dán trước ngực, sau lưng, chuẩn bị máy ảnh, phim, rồi leo lên chiếc xe jeep phóng ra đường, bỏ lại lời ngăn cản của cha mẹ: "Đừng đi. Nguy hiểm lắm".

"Tuổi 19 đâu có biết sợ. Tôi cứ bấm xong một tấm ảnh là lại nhấn ga phóng xe đi", ông Đạt mỉm cười và chỉ vào tấm ảnh: "Đây là tấm đầu tiên: mấy binh sĩ dù đi bộ từ trại Hoàng Hoa Thám về phía quận 1. Súng ống, quân trang, quân dụng còn nguyên vẹn. Tấm thứ hai có thêm mấy người dân trên đường, họ thấy tôi chụp ảnh, ai nấy đều nhìn vào ống kính, mỗi người một biểu cảm. Tấm thứ ba: một chiếc xe chở các thanh niên ăn mặc như dân thường nhưng mang súng AK chạy qua, tôi biết đó là lực lượng biệt động thành. Tấm tiếp theo: một hàng bộ đội đi bộ vào. Họ im lặng, lạ lẫm, không cười nói. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người của Mặt trận giải phóng và nhận ra: họ cũng là người Việt y như mình, cũng đang tuổi đôi mươi y như mình...".

Ông tìm bức ảnh thứ 8: chiếc xe tải chở quân giải phóng, những thanh niên trẻ mặc bộ đồ xanh lá, nón tai bèo đứng ngồi trên thùng xe, vẫy tay chào, cười. "Tôi nghe họ cười, chào bằng giọng miền Nam. Bấm xong tấm này, tôi chợt thấy nhẹ người, hiểu rằng như vậy là chiến tranh chấm dứt thật rồi, mình không phải đi lính nữa, thoát chết rồi. Và nhìn những nụ cười của những người "phía bên kia", biết rằng sẽ không có cuộc tắm máu nào như lời đồn đại rộn khắp Sài Gòn cả tháng nay".

Tôi chứng kiến hòa bình - Ảnh 4.

Khoảng 11h ngày 30-4-1975, bộ đội tiến vào trung tâm Sài Gòn từ hướng miền Tây qua đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ĐẠT

Nhìn ngắm hòa bình

Hòa bình đến thật, đột ngột ngoài sự suy nghĩ của cậu thanh niên 19 tuổi. Đạt cùng với bạn mình tiếp tục mải miết phóng xe lên dinh Độc Lập, rồi ngược chiều trở ra xa lộ, chụp ảnh những chiếc xe chở quân tấp nập vào thành phố, những người Sài Gòn sau cơn căng thẳng đã vui mừng đổ ra đường chào đón ngày đầu tiên không còn tiếng súng.

Sau ngày hòa bình, thống nhất, cha mẹ, anh chị ông Đạt mỗi người đi kinh tế mới ở một nơi, riêng ông nhờ xin được việc làm nên ở lại Sài Gòn: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn. Chiến tranh kết thúc ngay trước khi tôi bị buộc đi lính. Mấy tháng sau tôi đã có được việc làm, chỉ là tài xế nhưng cũng phù hợp sở trường. Một năm sau, 1976, tôi lại may mắn được cử lái xe cho chuyến công tác xuyên Việt. Chính chuyến đi này mà tôi mới lần đầu biết Việt Nam rộng dài, xinh đẹp thế nào và đã bị tàn phá bởi chiến tranh ra sao".

Vừa lái xe, tài xế Đạt vừa chụp ảnh những nơi mình đi qua và mấy chục năm sau này, ông Đạt luôn tìm cách quay lại chốn xưa để chụp tiếp những tấm ảnh đối chứng sự thay đổi hòa bình.

"Với những gia đình như gia đình tôi, những năm ấy hẳn nhiên không có gì là dễ dàng. Và rồi tôi cũng đã vượt qua được khúc quanh ấy, vẫn sống được một cách trung thực chính là mình, hoàn tất 30 năm công tác trong nhiều vị trí ở ngành công thương, vẫn chụp ảnh, vẫn chơi xe jeep và lái offroad khắp các nẻo đường đất nước. Kể cả những thời điểm khó khăn nhất, phải bán hết cả bộ máy ảnh tráng phim để trang trải thì tôi và gia đình cũng chưa bao giờ có ý định rời bỏ Việt Nam".

Mãi 40 năm sau, Nguyễn Đình Đạt mới quyết định công bố bộ ảnh 30-4-1975 trên trang cá nhân. Những người Sài Gòn bồi hồi nhìn lại giờ khắc lịch sử trong góc nhìn khách quan của chính một thanh niên Sài Gòn ngày ấy. Ông Đạt bồi hồi vuốt lên mặt những tấm ảnh được chính ông tráng rọi cẩn thận: "Không biết những người lính trong ảnh này hôm nay ra sao. Họ trạc tuổi tôi, giá như được gặp lại, hàn huyên câu chuyện cuộc đời thì không gì quý bằng".

Trong kho ảnh của mình, ông còn lưu những tấm ảnh chụp các cô cậu tiểu tư sản Sài Gòn trên nông trường "tự túc lương thực". Xem lại, ông bật cười: "Sau những lầm than của thời cuộc thì cuối cùng Sài Gòn - TP.HCM vẫn cứ chính là nó, những gì thật sự là giá trị vẫn được giữ gìn và phát triển".

Tôi chứng kiến hòa bình - Ảnh 5.

15h ngày 30-4-1975, tại xa lộ Biên Hòa, khu vực Nhà máy ximăng Hà Tiên - Thủ Đức (ngay trạm thu phí xa lộ Hà Nội hiện nay) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ĐẠT

Những nụ cười và cánh tay vẫy

Những chiếc xe tăng đầu tiên diễu hành qua đường phố.

Những cánh cửa chính và cửa sổ bắt đầu chầm chậm mở, người dân nhìn một cách hiếu kỳ và sau vài phút, cả Sài Gòn tràn ra đường phố. Những cặp thanh niên nam nữ đèo nhau trên những chiếc môtô chạy theo đoàn xe bọc thép, chỉ đường cho họ. Họ hò hét, hối thúc những người còn lưỡng lự rời nhà ra phố.

Từ vỉa hè và bancông, chị em phụ nữ ngạc nhiên, thẫn thờ nhìn vào những cái đầu của chiến sĩ Việt cộng nhô lên trên tháp pháo xe tăng. Họ nhìn các cô mỉm cười và giơ tay vẫy. Nỗi căng thẳng, sợ hãi trong các cô tan biến.

Đoàn xe vận tải Molotova đang chiếc nọ nối chiếc kia kéo về trước dinh Độc Lập, các chiến sĩ quân giải phóng cúi xuống mỉm cười giữa các cành lá ngụy trang. Trên mũ cối của mỗi người có một mảnh giấy nhỏ ghi khẩu hiệu: "Ăn một nửa, làm việc gấp đôi để hoàn thành chiến dịch Hồ Chí Minh".

Một chiếc xe bọc thép dành cho dịp đặc biệt của Mỹ chạy qua. Biển hiệu Việt Nam Cộng hòa của xe đã được sơn đè lên bằng ngôi sao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Quảng trường giữa nhà thờ Đức Bà và dinh Độc Lập trở thành một bãi đỗ rộng lớn cho xe tăng, xe tải, các tiểu đoàn phòng không, súng máy phủ đầy cành cây và bụi đỏ. Hàng nghìn người hòa vào cùng các chiến sĩ. Giữa những âm thanh chói tai của những chiếc xe tăng xả khói xanh và bụi, tôi không thấy gì ngoài những nụ cười - những nụ cười và những cánh tay đang vẫy.

Giữa đám đông đó, tôi nhìn thấy một phụ nữ già đội chiếc nón nông dân ôm chầm lấy một cô gái trẻ. "Hòa bình! Hòa bình rồi!" - bà khóc.

Tôi chạy, tôi nhảy lên xe tăng, đi nhờ xe jeep và đi khắp thành phố.

(Trích Giải Phóng - nhà báo người Ý Tiziano Terzani)

Những địa điểm lịch sử của Sài Gòn 45 năm trước và bây giờ Những địa điểm lịch sử của Sài Gòn 45 năm trước và bây giờ

TTO - Cùng xem lại hình ảnh của Sài Gòn 45 năm trước, ngày thống nhất đất nước. Đúng vị trí đó, năm xưa là những giờ phút kết thúc cuộc chiến và nay là sự phát triển năng động, hiện đại của đô thị lớn nhất nước.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên