11/02/2019 06:31 GMT+7

‘Tôi dân Sài Gòn quê đâu mà về?’

TÔ VĂN LỘC
TÔ VĂN LỘC

TTO - Năm nào bạn bè tôi cũng hỏi: "Tết chừng nào về quê?". Nhà tôi ở Sài Gòn; ông bà cha mẹ đều sanh ra ở Sài Gòn thì lấy quê đâu mà về?


‘Tôi dân Sài Gòn quê đâu mà về?’ - Ảnh 1.

Tác giả và chiếc xe đạp hưởng tết quê ở Long Hải

Vậy đó nhưng năm nào tôi cũng về quê. Năm nay tôi chọn "quê" Long Hải và đạp xe đi để trải nghiệm tết dọc đường.

Đi cùng tôi là một người bạn quê ngoài Bắc, mới làm nhân viên văn phòng, tết này tiền bạc chưa dư giả để về quê.

Chúng tôi chọn xuất hành vào sáng sớm mùng một tết. Qua phà Cát Lái, các anh chị công nhân vẫn mải miết trực phà sáng nay. Anh Lâm, nhân viên phà nói: "Tết mình về thì ai đưa mọi người về".

Trước đó, chúng tôi sợ sáng mùng một phà không chạy nên phải lật đật tìm thông tin trên mạng xem khi nào phà mở cửa. Phà Cát Lái, năm 2018 chỉ đóng cửa đúng 4 tiếng do sự cố bão số 9, còn lại vẫn đảm bảo thông tuyến. Nghĩa là suốt một năm không ngừng nghỉ, kể cả Tết có kéo đến.

Tết của tổ phục vụ phà Cát Lái chứng kiến người người về quê, ngược xuôi chúc tết. Chắc sẽ có nhiều hình ảnh đẹp trên chuyến phà, nhiều nụ cười và sự háo hức của hành khách. Điều đó dẫu nhỏ nhưng sẽ bù đắp tinh thần và động viên cho công việc họ đang làm thêm ý nghĩa.

Con đường ngập lá vàng cao su ở Nhơn Trạch đang vào mùa thay lá, mùng một tết mấy anh chị bán nước vẫn bán dọc đường. Chúng tôi sợ không ai bán đồ nên thủ sẵn đồ ăn nước uống. Sự chu toàn ấy có vẻ như thừa thãi giữa mùa tết có phần đổi thay. Chúng tôi ghé quán ăn cô Thảo. Chiếc xe bày bán canh bún, bún riêu dưới gốc mai đang rụng cánh. Tết, dòng người vẫn ăn sáng ở ngoài, thậm chí còn đông hơn ngày thường.

Cô kêu: "Tết giờ không còn nề hà chuyện lễ nghĩa trước sau, giờ chơi tết, tận hưởng tết hoặc phục vụ tết cũng vui".

Chặng đường 130km xuống Long Hải được chúng tôi chia làm đôi cho hai ngày. Sẵn tiện tôi ghé thăm nhà anh của một người bạn, anh chị vẫn đi làm như ngày thường. Chị là chuyền trưởng của một công ty sợi Đài Loan. Tết chị đi làm lương gấp 3 nhưng lý do chính không phải là lương hay đơn hàng nhiều cần tăng ca.

Chị nói công ty mở để cho công nhân xa quê không về ở lại làm kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, công ty sợ công nhân về quê không quay trở lại làm việc nên mở cửa xuyên tết và có những đãi ngộ tốt.

Tối mùng một ở xóm công nhân vui vẻ hơn tôi nghĩ. Một dàn karaoke bày ra trước ngõ, hát dăm bảy bài nhạc, cắn năm ba thứ hạt chuyện trò. Tết vậy vẫn vui, mai vẫn đi làm. Tết, công việc như thể trôi đi nhẹ hơn, bớt mệt hơn.

Mùng hai tết, chúng tôi tới được Long Hải sau sáu tiếng đạp xe. Dòng người xuôi về hướng Vũng Tàu lễ Phật nhộn nhịp. Từng đoàn xe ghé vào các thiền viện, chùa chiền, mùi hương lan tỏa cả một không gian rộng lớn. Chúng tôi ghé ăn cơm chay ở tịnh xá Phước Hải. Chùa ở nơi nào cũng vậy, đều an yên, thanh tịnh.

Mùng ba chúng tôi đạp xe qua Vũng Tàu, và đó cũng là thời điểm du khách tới Vũng Tàu đông nhất. Dạo một vòng thành phố, ăn vài món hải sản, "tẩy trần" ở các nhà tắm công cộng, diện một bộ đồ thật tinh tươm chúng tôi gửi xe đạp lên xe Phương Trang về nhà.

Chiếc xe đạp quá khổ hơn so với hành lý thường ngày nhưng bác tài vẫn vui vẻ trợ giúp chúng tôi xếp vào cốp xe.

Du khách trật tự xếp hàng lên xe, chúng tôi trở về thành phố với những câu chuyện tươi đẹp của ba ngày tết lượm lặt dọc đường. Vậy là đâu phải dân Sài Gòn không có quê để ăn tết...

‘Tôi dân Sài Gòn quê đâu mà về?’ - Ảnh 2.

Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết

Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.

Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...

Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).

Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.

Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!

TÔ VĂN LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: về quê ăn tết