14/06/2023 07:58 GMT+7

TP.HCM cho thuê lòng đường, vỉa hè ra sao?

Sáng 13-6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội cho dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM.

Giữ ô tô có thu phí trên đường Lê Lai (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: C.TUẤN

Giữ ô tô có thu phí trên đường Lê Lai (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: C.TUẤN

Đại diện các quận, huyện, chuyên gia đưa ra ý kiến khác nhau xoay quanh mức thu phí, phương án thu, sử dụng nguồn thu thế nào cho hợp lý...

Sẽ thu từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng/m2

Trình bày tại hội nghị, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM nhận định hiện nay nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, hè phố của người dân rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Nhiều nơi không có kinh phí bảo trì.

Trước thực tế này, Sở GTVT TP.HCM xây dựng đề án đề xuất xác định mức thu phí cho thuê lòng đường, vỉa hè theo năm khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường đó để đề xuất mức thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường.

Cụ thể, khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm), mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh được đề xuất từ 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng. Còn mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe từ 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 2 gồm quận 2 cũ (trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, 7 (trừ khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh từ 20.000 - 30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, hè phố để trông giữ xe từ 70.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 3 (quận 8, 9, 12, quận Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, hè phố để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, hè phố để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.

Về vấn đề sử dụng số tiền cho thuê này, Sở GTVT đề nghị nộp 100% vào ngân sách TP.HCM chi phí cho việc thu phí được lập cấp theo dự toán được duyệt hằng năm và phục vụ duy tu, bảo trì lòng đường, vỉa hè.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM nêu ra nhiều trường hợp được miễn thu phí như tổ chức đám cưới, đám tang, trông giữ xe phục vụ sự kiện văn hóa, chính trị. 

Ngoài ra còn có các công trình tổ chức giao thông dưới lòng đường, trên hè phố, dịch vụ xe hai bánh công cộng (xe đạp, xe điện) do các tổ chức triển khai thực hiện phục vụ hành khách được cơ quan có thẩm quyền cho phép...

Sử dụng nguồn thu hợp lý

Trước đề xuất trên, đại diện quận 1, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè đều ủng hộ triển khai thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, đại diện các đơn vị này cho rằng Sở GTVT TP.HCM cần phối hợp Sở Tài chính TP.HCM tính toán lại mức phí thu do giá đất biến động liên tục theo thời gian.

Như vậy, việc tính mức phí căn cứ vào giá m2 đất đã chuẩn chưa? Câu chuyện phân cấp quản lý giữa sở ngành, quận huyện cũng đáng bàn. Nếu phân cấp không phù hợp dẫn đến chồng chéo quyền, nghĩa vụ càng rắc rối thêm.

Do đó, các địa phương đề xuất nên chọn ra đơn vị độc lập triển khai thu phí, cơ quan nhà nước đóng vai trò giám sát, đề xuất sử dụng nguồn thu. Để quá trình thực hiện hiệu quả, TP.HCM nên chọn nơi làm thí điểm rồi sau đó nhân rộng ra.

Bà Nguyễn Thị Minh Sáu (trưởng ban công tác mặt trận khu phố quận Bình Thạnh) cho biết đã tiến hành khảo sát nhanh 40 người dân đang kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Bà Sáu nhận xét tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM hiện tràn lan không quản lý được.

Nếu cho thuê phải quản lý rõ ràng, không để xảy ra chiếm dụng luôn vỉa hè, lối đi bộ, có chính sách ưu tiên cho người dân tại chỗ. Đặc biệt, Sở GTVT TP.HCM nên làm rõ thêm nguồn thu được dành bao nhiêu % duy tu, bao nhiêu cho đầu tư công nghệ, bao nhiêu bồi dưỡng cho đội ngũ thu phí.

"Theo tôi, nguồn phí thu được cần được lên kế hoạch hợp lý, minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân", bà Sáu nói.

Trao đổi tại hội nghị, bà Lê Thị Hằng (ủy viên Ủy ban MTTQ quận 4) nhấn mạnh rằng, Luật Giao thông đường bộ quy định rõ lòng đường, hè phố là không gian phục vụ công cộng. 

Do đó, TP.HCM khảo sát chỉ cho thuê đối với những tuyến đường, khu vực có diện tích bề mặt rộng, cho thuê theo khu vực cụ thể. Các đơn vị ưu tiên lối đi cho người dân, đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, bà Hằng nêu thực tế từ nhiều năm nay, lòng đường và vỉa hè trên địa bàn bị lấn chiếm, hình thành thói quen sử dụng để buôn bán, kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng nên khó quản lý. 

UBND các địa phương tổ chức ra quân dọn dẹp nhưng không hiệu quả, thất thu ngân sách. Chính vì vậy, việc tổ chức thu phí bài bản như thế này đáp ứng nhu cầu người dân, tăng thu ngân sách mà còn tăng tính quản trị, không để bát nháo ảnh hưởng tới hình ảnh thành phố.

Bà Hằng kiến nghị, đề án nên làm rõ thêm biện pháp chế tài cụ thể đối với trường hợp cố tình lấn chiếm làm nhếch nhác vỉa hè, lòng đường. 

Đồng thời, có ràng buộc để người dân không tự ý cho thuê lại làm rối loạn công tác quản lý. Suốt quá trình thu, sử dụng phí cần công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ.

Sở GTVT TP.HCM thống kê toàn TP.HCM có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716km và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,31km có thể cho sử dụng tạm để thu phí.

Tương ứng nguồn thu mang lại cho ngân sách TP.HCM khoảng 1.522 tỉ đồng/năm (số thu đối với lòng đường 550 tỉ đồng/năm và số thu đối với vỉa hè 972 tỉ đồng/năm).

Giao thông tĩnh còn thiếu

Luật sư Trương Thị Hòa (phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật UBMTTQ Việt Nam TP.HCM) cho biết giao thông tĩnh tại TP.HCM còn thiếu rất nhiều.

Theo quy hoạch, diện tích hệ thống bến bãi, giao thông tĩnh tại TP.HCM là 1.146ha nhưng hiện nay chỉ có khoảng 250ha (khoảng 22%), bãi đỗ xe các loại ở khu vực trung tâm chỉ đạt 18,30%.

Tính đến tháng 12-2022, thành phố đang quản lý gần 9 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó gần 8 triệu xe mô tô, gần 900.000 xe ô tô, chưa tính có trên 1 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM.

Do đó, hệ thống bến bãi hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu đậu của các phương tiện. Dó đó, dự thảo mà Sở GTVT TP.HCM đề xuất là rất cần thiết, gần như đã hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, dự thảo cần bổ sung tỉ lệ % phí cụ thể trích để lại cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí. Hiện trong dự thảo chỉ nêu "tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước".

Để xác định tỉ lệ để lại, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị đề án dự thảo thực hiện theo khoản 1 điều 5 nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23-8-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật phí và lệ phí.

Vĩa hè không còn lối đi cho người đi bộ (ảnh chụp tại quận 5, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vĩa hè không còn lối đi cho người đi bộ (ảnh chụp tại quận 5, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Ưu tiên dành lối cho người đi bộ

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - tiếp thu những góp ý của người dân, địa phương và chuyên gia. Trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM dựa trên những kiến nghị này để hoàn thiện quy định quản lý lòng đường, vỉa hè để làm rõ trong dự thảo.

Ông Lâm cho biết, trong quá trình xây dựng đề án này, đơn vị đã khảo sát lấy ý kiến người dân, chuyên gia... Ngoài ra tham khảo thêm kinh nghiệm từ các thành phố trong nước đã triển khai (Hà Nội, Đà Nẵng), nhiều nước trên thế giới đã thu phí. Mục tiêu lớn nhất đặt ra là tăng hiệu quả quản trị, quản lý ở TP.HCM.

Trước yêu cầu đảm bảo lối đi bộ cho người dân, ông Lâm khẳng định vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường.

Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông. Khi tổ chức cho thuê sẽ kẻ vạch, quy định khu vực tránh lấn chiếm, có chế tài nghiêm khắc.

"Về mức phí thu, sở đã nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nơi lẫn mức độ sẵn sàng chi trả của người dân thành phố. Mức phí và mức thu này hoàn toàn có căn cứ, cơ sở để trình HĐND ban hành toàn diện", ông Lâm chia sẻ.

TP.HCM đề xuất phí thuê lòng đường để giữ xe 50.000 - 350.000 đồng một thángTP.HCM đề xuất phí thuê lòng đường để giữ xe 50.000 - 350.000 đồng một tháng

Tùy theo các khu vực ở TP.HCM, mức thu phí thuê lòng đường và vỉa hè để giữ xe hơi, xe máy, xe đạp có giá 50.000 - 350.000 đồng một tháng/m².

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên