17/10/2023 14:24 GMT+7

TP.HCM: Cử tri kiến nghị nâng lương khởi điểm với bác sĩ mới ra trường

Lãnh đạo các bệnh viện phản ảnh hiện nay mức lương khởi điểm của y bác sĩ mới ra trường thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, y tế, lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị tăng mức lương khởi điểm cho các bác sĩ mới ra trường - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, y tế, lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị tăng mức lương khởi điểm cho các bác sĩ mới ra trường - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ngày 17-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Kiến nghị nâng mức lương khởi điểm bác sĩ mới ra trường

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết hội nghị trao đổi tình hình xây dựng vị trí việc làm, cơ chế tiền lương gắn với cơ chế tự chủ, đặc biệt, quan tâm đến đội ngũ giáo viên, bác sĩ đang công tác tại các đơn vị.

Ông Võ Đức Hiếu - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết nghị định 204 của Chính phủ quy định về mức lương khởi điểm đối với đội ngũ bác sĩ hiện nay được áp dụng bằng với chức danh chuyên môn có bằng đại học ở mức 1 hệ số 2,34.

Thế nhưng điều này là chưa phù hợp do tính chất đặc thù thời gian đào tạo 6 năm, sau khi ra trường các bác sĩ phải có thời gian học thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề sản, nhi...

Ngoài ra khi đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cần phải học lên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 phải đào tạo liên tục với kinh phí cao.

Theo ông Hiếu, nếu áp dụng mức lương như hiện tại bác sĩ mới ra trường khó đảm bảo được cuộc sống và các bệnh viện thiếu sự thu hút bác sĩ trẻ, do vậy kiến nghị nâng mức lương khởi điểm tăng cao hơn so với mức lương hiện tại.

Ông Vũ Trí Thanh - phó giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức - phát biểu một trong những vấn đề các bệnh viện đang quan tâm là quỹ bảo hiểm y tế.

Hiện các bệnh viện đa phần là tự chủ, phải có người bệnh mới có nguồn thu để chi, bệnh nhân đến bệnh viện nhiều chứng tỏ bệnh viện điều trị tốt, chất lượng tốt. Tuy nhiên, khi nhiều bệnh nhân đến, bệnh viện lo lắng quỹ không đủ chi.

"Hằng năm bệnh viện sẽ có quỹ bảo hiểm y tế tính bằng mức thu bảo hiểm những năm trước, nếu năm sau vì lý do nào đó vượt quỹ việc khám xảy ra rồi, chi phí về thuốc, xét nghiệm vật tư bệnh viện cũng đã chi nhưng khả năng khoản vượt quỹ này sẽ không được chi trả.

Điều này khiến bệnh viện không có nguồn chi trả lương, chi thưởng, mua sắm vật tư hóa chất…”, ông Thanh cho hay.

Cần cơ chế để có trang thiết bị, tạo "cú hích" cho bác sĩ

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu Quốc hội - thông tin thời gian qua vấn đề mua sắm thuốc đã được tháo gỡ rất nhiều, thế nhưng để căn cơ và toàn diện chưa được 100%.

Ngành y tế mong chờ năm 2024, khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực, nghị định, thông tư mới ra đời sẽ tháo gỡ được tương đối toàn diện cho việc mua sắm thiết bị.

“Hiện nay nguồn lực của Nhà nước không thể bao trùm hết tất cả hoạt động mua sắm trang thiết bị của ngành y tế.

Liên doanh, liên kết rất quan trọng nhưng cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để có trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh”, ông Thức cho hay.

Cũng theo ông Thức, việc xây dựng thành phố thành trung tâm y tế chuyên sâu hoàn toàn không phải “ngủ mê”.

Hiện tại các nước trong khu vực đã phát triển xạ trị proton trong điều trị ung thư, thế nhưng Việt Nam mới bắt đầu đặt vấn đề, thành phố muốn phát triển y tế chuyên sâu phải có trung tâm xạ trị proton.

“Khi tôi làm việc với các đối tác nước ngoài, họ nói rằng với trình độ chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ cần đi học 6 tháng là hoàn toàn tiếp cận được kỹ thuật xạ trị proton.

Đây là kỹ thuật hiện đại nhất trong điều trị ung thư hiện nay. Cần có cơ chế để có trang thiết bị y tế giúp các bác sĩ có “cú hích” để phát triển”, ông Thức cho hay.

Ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói theo thông tư liên tịch 26 về nâng lên trình độ cao đẳng đối với điều dưỡng, hộ sinh thì thành phố vẫn đang gặp khó khăn.

Điều dưỡng vốn dĩ đã thiếu, phải đi học nâng cao trình độ một số người đã lớn tuổi khó khăn đi học. Do đó TP đề xuất kéo dài lộ trình thêm vài năm, tốt nhất là đến năm 2030 để đảm bảo số lượng điều dưỡng phục vụ ngành y tế.

Giáo viên mầm non ốm đau, nằm viện không có người thay thế do việc tuyển dụng khó

Đó là thông tin được các cử tri ngành giáo dục nêu từ hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 17-10.

Giáo viên mới ra trường lương 5 triệu, tiền trọ đã hết 3 triệu. Ông Lê Văn Lực - hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức) - cho rằng thời gian qua đã có nhiều cải cách và ưu đãi được triển khai nhưng thực tế chính sách lương vẫn còn nhiều bất cập. Mức lương giáo viên mới ra trường công tác 5 năm đầu thu nhập chỉ từ 5 triệu đồng/tháng.

"Nếu giáo viên phải thuê trọ chi phí đã hết 3 triệu đồng/tháng, còn 2 triệu thì cực kỳ khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, đây là thực tế tại đơn vị. Trong khi người lao động khác như thợ hồ cũng được khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.

Việc tăng lương cơ bản lên 1,8 triệu là sự động viên tinh thần nhưng thực chất vẫn không theo kịp giá trị hàng hóa gia tăng mỗi ngày bên ngoài, dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc, các trường không tuyển đủ giáo viên", ông Lực nói.

Bác sĩ có trình độ tiến sĩ làm việc ở Đà Nẵng được hưởng 200 lần lương cơ sởBác sĩ có trình độ tiến sĩ làm việc ở Đà Nẵng được hưởng 200 lần lương cơ sở

Đà Nẵng vừa có chế độ thu hút bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập, với mức hưởng 200 lần mức lương cơ sở đối với tiến sĩ, 180 lần mức lương cơ sở đối với bác sĩ chuyên khoa cấp 2...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên