01/11/2023 20:24 GMT+7

TP.HCM đề xuất có thời gian 'đặc thù' sắp xếp nhân sự dôi dư

TP.HCM đề xuất ban hành nghị quyết, trong đó được 'đặc thù' về thời hạn sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức… cấp xã dôi dư, áp dụng trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính.

Công chức văn phòng UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) làm thủ tục hồ sơ cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Công chức văn phòng UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) làm thủ tục hồ sơ cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Đó là nội dung từ báo cáo kết quả triển khai đề án tổ chức chính quyền đô thị 9 tháng đầu năm 2023, theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI mà UBND TP.HCM vừa gửi HĐND TP.

Cụ thể, trong báo cáo, UBND TP đề xuất Thành ủy kiến nghị với trung ương một số nội dung như sau:

Kiến nghị trung ương nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cấp ủy TP trong TP. Hướng dẫn bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với cấp ủy cấp huyện và quy định cụ thể nội dung phân cấp, ủy quyền của Ban Thường vụ cấp ủy đối với cấp ủy cơ sở phù hợp với thực hiện chính quyền đô thị.

Kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho áp dụng có thời hạn trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, như: quy định cụ thể những nội dung liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp;

Trình tự, thủ tục đơn giản hơn trong việc đấu giá, xử lý tài sản, trụ sở làm việc dôi dư hay việc giữ nguyên số lượng cấp phó của một số cơ quan khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và thời hạn sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp.

Kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở TP thuộc TP trực thuộc trung ương, nhằm áp dụng vào thực tiễn tại TP Thủ Đức.

Ngoài ra, UBND TP còn kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ. 

Có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay.

Báo cáo về việc thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị trong 9 tháng đầu năm, UBND TP nhận định hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng hơn. 

Đến nay, đa số cán bộ dôi dư được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền đã tạo sự linh hoạt, chủ động trong triển khai nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. 

Nhìn chung, công tác thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị đã thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên theo UBND TP, bên cạnh mặt tích cực, vẫn tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như các văn bản pháp luật khác vẫn chưa được điều chỉnh một cách hệ thống, đồng bộ, chưa có quy định cụ thể để hỗ trợ cho việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị.

Số lượng công chức tại TP.HCM được phân bổ chưa phù hợp với vị trí việc làm, khối lượng công việc, quy mô dân số...

Chính quyền đô thị TP.HCM: Tương lai 10 - 20 năm tới sẽ ra sao?Chính quyền đô thị TP.HCM: Tương lai 10 - 20 năm tới sẽ ra sao?

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng rất cần thiết có khung pháp lý về tổ chức chính quyền đô thị tại hội thảo "Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM", do Đại học Luật TP.HCM tổ chức ngày 14-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên