26/10/2023 15:04 GMT+7

TP.HCM: Đề xuất ủy quyền UBND quận phê duyệt đề án liên doanh liên kết tài sản công

Cho rằng việc phê duyệt đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết đang trong hiện trạng ách tắc, có ý kiến đề xuất TP ủy quyền cho UBND quận thẩm định, phê duyệt.

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG 

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Sáng 26-10, HĐND TP.HCM có buổi giám sát việc thực hiện nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM đối với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông.

Phê duyệt đề án cho thuê liên doanh, liên kết đang “ách tắc”?

Nêu vấn đề tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM - đề xuất cần tham mưu việc thực hiện đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê (gọi tắt là cho thuê liên doanh liên kết) đưa vào kết luận 14 để bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm.

Bởi theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đề án này do chủ tịch UBND TP phê duyệt nhưng với khối lượng đề án rất lớn thì hiện trạng gần như "ách tắc". Nếu như đề án này không được thực hiện thì lãng phí rất lớn nguồn lực tài sản công và rất khó khăn cho các đơn vị trong quá trình vận hành ban đầu. Mặc dù vừa qua Bộ Tài chính cũng đã có cơ chế cho phép xây dựng bãi xe, căng tin trong trường học không cần xây dựng đề án, nhưng thực tế để trường học và bệnh viện đứng ra tổ chức bãi xe và căng tin là vấn đề không dễ.

“Hiện nay đề án xây dựng rất nhiều nhưng khi lên Sở Tài chính thẩm định tỉ lệ trả về rất cao vậy nguyên nhân từ đâu, có nên tham mưu một nghị quyết chuyên đề để quyết liệt tháo gỡ?”, ông Bình trăn trở.

Đại diện Sở Tài chính cho biết hiện sở nhận được 737 đề án cho thuê liên doanh liên kết của 546 đơn vị, trong đó có 555 đề án của quận huyện. Hiện có 3 đề án đã được TP phê duyệt, còn 734 đề án đã có ý kiến gửi về các đơn vị để hoàn chỉnh.

Khi nghị định 151 quy định chi tiết một số điều trong Luật Quản lý tài sản công được ban hành, không chỉ TP.HCM mà các địa phương đều vướng. Các đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khi khai thác nguồn thu, những nhiệm vụ phụ trợ cho công tác của đơn vị cũng không được thuận lợi. Để có pháp lý chặt chẽ áp dụng thì Bộ Tài chính cũng đang dự thảo sửa đổi nghị định 151.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch HĐND TP - yêu cầu Sở Tài chính tham mưu UBND TP cho ý kiến về việc ủy quyền cho UBND quận thẩm định, phê duyệt phương án cho thuê liên doanh liên kết do đơn vị quản lý. Phương án này được UBND quận 7 đề ra và đã có đề án trình Sở Nội vụ TP.

Vướng luật, kiến nghị thì được phản hồi “làm theo luật”

Nói về những vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết 131, bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho biết theo nghị quyết thì chính quyền địa phương ở quận tại TP.HCM là UBND quận, không còn HĐND và UBND quận quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách quận, phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trong đó chưa có quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP. Tuy nhiên Luật Đầu tư công 2019 lại có quy định thẩm quyền trên thuộc HĐND quận.

Do đó sở kiến nghị trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quận đã được UBND TP phê duyệt, UBND quận được quyết định chủ trương đầu tư (điều chỉnh), chủ tịch UBND quận quyết định đầu tư (điều chỉnh) đối với các dự án nhóm C do quận quản lý.

Về đề xuất này, ông Huỳnh Hồng Thanh - phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM - cho rằng cần phải cân nhắc bởi theo Luật Đầu tư công 2019: “Cấp quyết định chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương”. Nên nếu các dự án trước đây được HĐND TP phê duyệt giờ chuyển về cho HĐND quận điều chỉnh sẽ không đúng với Luật Đầu tư công và ngay cả trong nghị quyết 131, khoản 2, điều 5 cũng có nêu thực hiện quy định nhưng phải “theo Luật Đầu tư công”.

Ông Thanh đề xuất có thể điều chỉnh kiến nghị theo hướng HĐND ủy quyền cho chủ tịch UBND quyết định điều chỉnh dự án theo luật, không cần chuyển quyền về UBND quận.

Dù vậy, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay hiện nay TP đã phân cấp, phân quyền rõ ràng cho địa phương,  nếu cứ đẩy về thẩm quyền của chủ tịch UBND TP sẽ dễ quá tải việc. Sở cũng đã báo cáo nội dung trên ra Bộ Nội vụ để xem xét tìm ra giải pháp.

Theo Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, tại khoản 3, điều 10, nghị quyết 131 có nêu rằng nếu trường hợp có quy định khác nhau cùng một vấn đề giữa nghị quyết với luật được ban hành trước ngày nghị quyết có hiệu lực thì áp dụng theo nghị quyết, do đó ông yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát để tham mưu cho TP xác định việc nào khoản 3 này sẽ cho phép để thực hiện.


Tài sản công sử dụng không hết, muốn cho thuê TP.HCM phải lập đề ánTài sản công sử dụng không hết, muốn cho thuê TP.HCM phải lập đề án

Tài sản công được Nhà nước giao, đầu tư, xây dựng, mua sắm nhưng không sử dụng hết công suất có thể được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng phải lập đề án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên