05/07/2022 09:47 GMT+7

TP.HCM: Điều chỉnh quy hoạch để có sức sống hơn

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - TP.HCM đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung và xây dựng quy hoạch tỉnh (thành phố). Đây cũng là cơ hội để các quận huyện 'chuyển mình' và đề xuất hướng quy hoạch nhằm phát triển đúng tầm vóc.

TP.HCM: Điều chỉnh quy hoạch để có sức sống hơn - Ảnh 1.

Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuối tháng 9-2021, UBND TP.HCM chính thức công bố quyết định nhiệm vụ quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Quy hoạch sát nhu cầu địa phương

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM do Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký, TP.HCM dựa trên quyết định này để nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung toàn thành phố trong thời hạn 15 tháng. Song song đó, TP.HCM phải lập quy hoạch cấp tỉnh thành của TP.HCM và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2022.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, các địa phương phải rà soát, đánh giá lại nguồn lực tiềm năng của mình để đưa ra những đề xuất, kiến nghị về định hướng phát triển về không gian, kinh tế, văn hóa, xã hội... 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng Phòng quản lý quy hoạch chung TP.HCM, cho biết việc các quận huyện đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của mình và tự đề xuất các phương án phát triển không gian, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương sẽ giúp cho đơn vị tư vấn, tham mưu cho UBND TP.HCM lập đồ án quy hoạch chung, quy hoạch cấp tỉnh thành nắm bắt được những nội dung sát thực tế. 

Các lãnh đạo quận huyện cũng hiểu rõ hơn về thế mạnh, tiềm năng của địa phương mình, từ đó có biện pháp phù hợp để quản lý và phát triển.

Thực tế khi vấn đề quy hoạch và định hướng phát triển của từng quận huyện được đưa ra bàn thảo đã có nhiều đề xuất và định hướng cụ thể để các quận huyện "lột xác", đột phá trong phát triển kinh tế.

Nhà Bè, quận 7 "hướng ra biển"

Mới đây ông Nguyễn Văn Đua, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đề xuất chuyển đổi công năng Khu chế xuất Tân Thuận - là khu chế xuất đầu tiên của TP.HCM - để phát triển các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao để làm "hậu cần" cho trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). 

Theo ông Đua, việc chuyển đổi công năng này sẽ là "quả đấm" tạo sự đột phá mới, nâng tầm chất lượng dịch vụ của quận 7.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho rằng vị trí của huyện Nhà Bè có nhiều lợi thế về thiên nhiên và hạ tầng để bật dậy phát triển. Với vị trí địa lý thuận lợi, đất đai phong phú, hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ kết nối khắp các vùng, nguồn nhân lực dồi dào..., trong tương lai huyện Nhà Bè tập trung phát triển dịch vụ công nghiệp - cảng tại các cảng biển lớn của TP.HCM như Tân Cảng - Hiệp Phước, Sài Gòn - Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước... 

Phát triển dịch vụ logistics tại khu vực hạ lưu Hiệp Phước và xã Long Thới là khu vực đầu mối giao thông quan trọng từ đường bộ, đường sắt (tuyến metro số 4)... Ngoài ra, Nhà Bè hiện còn quỹ đất lớn, cư dân hiền hòa, lại là vùng đất chằng chịt kênh rạch lớn nhỏ nên khí hậu mát mẻ, có diện tích đất cây xanh lớn. Do đó đây chính là những lợi thế vì có môi trường thuận lợi để phát triển các khu nghỉ dưỡng, phát triển du lịch sinh thái...

Ngược lại với Nhà Bè, các chuyên gia lại đánh giá quận 7 đang thiếu không gian để phát triển. UBND quận 7 cho biết quận này cần khoảng 500ha đất để xây dựng hệ sinh thái mới phù hợp với định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ gắn với giáo dục, y tế, thể dục thể thao chất lượng cao của TP.HCM, của vùng và của khu vực vào năm 2025. 

Từ đó, quận này đề xuất chuyển đổi hàng loạt các cơ sở kinh tế như Khu chế xuất Tân Thuận, cụm công nghiệp Phú Mỹ và các cảng ven sông Sài Gòn... để phục vụ định hướng phát triển như trên.

Nhiều ý kiến cho rằng quận 7 và Nhà Bè (vốn dĩ là huyện Nhà Bè xưa) có nhiều cơ sở để kết nối, bổ sung và tạo động lực cho nhau để mỗi địa phương phát triển đúng tiềm năng và định hướng của mình. Một bên có nhiều quỹ đất và không gian rộng rãi, một bên có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nói như TS Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, là làm việc ở quận 7 và về Nhà Bè nghỉ dưỡng.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) khẳng định TP.HCM hướng ra biển là một xu thế tất yếu. Khu vực Nhà Bè có điều kiện vô cùng thuận lợi khi nằm trên các nhánh sông chính đổ ra biển, lại còn nhiều đất đai nên tương lai vùng đất này sẽ là động lực lớn cho kinh tế TP.HCM phát triển. Định hướng phát triển Nhà Bè dựa trên ưu thế các nhánh sông cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ven sông của TP.HCM hiện nay.

Nhìn Nhà Bè ở góc độ phát triển kinh tế ven sông, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cũng nhận định Nhà Bè sẽ là một trong hai động cơ để TP.HCM phát triển kinh tế ven sông. Nếu đô thị Nhà Bè hình thành trên cơ sở huyện Nhà Bè, quận 7 và toàn bộ khu đô thị mới Nam thành phố và cả huyện Bình Chánh thì TP.HCM sẽ có một thành phố tương đương với thành phố Thủ Đức cả về dân số và diện tích. 

"Hai đô thị này sẽ như hai động cơ để TP.HCM cất cánh trên đường băng là sông Sài Gòn, Soài Rạp, Nhà Bè, vượt Biển Đông ra thế giới", ông Dưỡng ví von.

TP.HCM: Điều chỉnh quy hoạch để có sức sống hơn - Ảnh 2.

Khu quy hoạch dự kiến trở thành phố chuyên doanh áo dài trên đường Pasteur, quận 3, TP.HCM - Ảnh: DƯƠNG NGỌC HÀ

Quận 3 muốn có sức sống hơn

Cuối năm 2020, quận 3 đã có hội thảo về phát triển đô thị của quận. Ông Trần Thanh Bình, phó chủ tịch UBND quận 3, cho biết từ những góp ý của các chuyên gia và nhà khoa học trong hội thảo, quận đã định ra hướng mới cho phát triển đô thị. UBND quận 3 đề xuất với UBND thành phố chủ trương điều chỉnh lại quy hoạch toàn quận, tổ chức và sắp xếp lại không gian đô thị để tạo thêm những dịch vụ, những điểm nhấn trong phát triển kinh tế...

Về định hướng điều chỉnh quy hoạch sắp tới, ông Bình cho biết quận 3 hiện có 10 đồ án quy hoạch 1/2.000 và 1 đồ án nằm trong khu 930ha trung tâm TP.HCM. Diện tích quận chỉ có 4,92km2 nên chỉ cần hai đồ án quy hoạch để thuận lợi cho việc quản lý đồng bộ, không manh mún. Đồng thời với việc này, quận sẽ xóa bỏ gần 20 khu quy hoạch đất hỗn hợp chiếm 58ha trên địa bàn để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Việc "xóa quy hoạch treo" đất hỗn hợp có thể sẽ thực hiện hai hướng: hoặc sẽ cụ thể hóa khu đất hỗn hợp thành những diện tích đất cụ thể, khu nào đất ở và khu nào đất xây dựng thương mại dịch vụ, hoặc sẽ chuyển hẳn thành đất ở để người dân được thực hiện các quyền lợi về nhà đất của mình. 

Những khu dân cư ven kênh Nhiêu Lộc hiện còn nhiều nhà diện tích nhỏ, nhà lụp xụp chưa bảo đảm điều kiện sống. Quận 3 thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu quy hoạch hai bên tuyến kênh Nhiêu Lộc đi qua 7 phường. Dải đất hai bên kênh Nhiêu Lộc quy mô 110ha sẽ được quy hoạch lại, bảo đảm điều kiện sống cho người dân đồng thời cải thiện cảnh quan môi trường.

Quận sẽ làm thiết kế đô thị hoàn chỉnh một số tuyến đường. Những căn nhà xây dựng trên các tuyến này sẽ được rút ngắn thời gian làm giấy phép xây dựng 15 xuống còn 10 ngày, đầu tiên sẽ thí điểm ở đường Nguyễn Thị Diệu. 

Để tiếp tục giữ vững thế mạnh kinh tế về thương mại dịch vụ, quận 3 làm phố đi bộ Hồ Con Rùa, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền và các tuyến phố chuyên doanh như đường Pasteur thành phố áo dài, đường Nguyễn Thiện Thuật thành phố nhạc cụ, đường Nguyễn Phúc Nguyên thành phố gốm sứ...

"Lâu nay quận 3 vốn ổn định với thành phần cư dân cơ hữu, không có nhiều biến động, vốn là một cơ thể hoàn chỉnh. Việc điều chỉnh lại quy hoạch giống như châm cứu cho cơ thể đó khỏe mạnh hơn, có sức sống hơn. Quận phải bóc bỏ lớp vỏ bọc an toàn để phát triển đúng tầm vóc, tiềm năng!", ông Bình chia sẻ.

Các quận huyện tìm hướng quy hoạch mới

Nha Be Huu Hanh 1(Read-Only)

Những khu phố được quy hoạch sạch đẹp ở thị trấn Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: HỮU HẠNH

Nhiều quận huyện tại TP.HCM đã chủ động tổ chức hội thảo để lắng nghe các góp ý về quy hoạch từ các chuyên gia để từ đó có những đề xuất, góp phần xây dựng quy hoạch chung của thành phố.

Từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều quận huyện tại TP.HCM đã tổ chức các hội thảo khoa học để tìm hướng phát triển cho địa phương và đóng góp cho quy hoạch chung của thành phố. Tháng 12-2020, quận 3 phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM) tổ chức hội thảo "Quận 3 - tiềm năng phát triển đô thị".

Tại huyện Bình Chánh, tháng 11-2021 UBND huyện Bình Chánh phối hợp với Sở Quy hoạch - kiến trúc tổ chức hội thảo "Tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040".

Tháng 12-2021, quận Tân Bình phối hợp cùng Sở Quy hoạch - kiến trúc tổ chức hội thảo "Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế - áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình".

Tháng 2-2022, UBND huyện Củ Chi phối hợp với Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Tiềm năng, định hướng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi".

Cuối tháng 6 -2022, Quận ủy quận 7 phối hợp với Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045" và UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP.HCM".

* TS Phạm Trần Hải (chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Giải phóng nguồn lực từ đất đai để phát triển

Để có nguồn lực xây dựng hạ tầng, Nhà Bè cần tận dụng lợi thế từ quỹ đất hiện có. Thứ nhất, Nhà Bè cần áp dụng cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng". Nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và nhận lại quỹ đất sạch được tạo ra từ đường giao thông này. Hoặc Nhà nước mở rộng thu hồi đất hai bên các tuyến giao thông mới mở để bán đấu giá đất sạch.

Thứ hai, đô thị Nhà Bè có thể áp dụng cơ chế hoán đổi đất, cho phép người sử dụng đất góp phần đất mình vào dự án để nhận lại phần đất có diện tích nhỏ hơn nhưng có giá trị cao hơn nhờ có hạ tầng đầy đủ. Đó là cách sắp xếp lại đất đai hiện hữu thông qua việc chuyển đổi phân chia lại đất đai để dành không gian cho phát triển, xây dựng hạ tầng mà Nhà nước không phải bỏ nhiều tiền và người dân thì được ở trong những khu vực đầy đủ hạ tầng, tiện nghi.

Bên cạnh đó, đô thị Nhà Bè có thể áp dụng cơ chế chuyển quyền phát triển không gian. Điều này có nghĩa là những nơi không có điều kiện phát triển tầng cao theo quy hoạch, Nhà nước có thể bán quyền phát triển cho chủ đầu tư các dự án, khu vực muốn xây dựng cao tầng vượt khỏi quy hoạch ban đầu.

* KTS Võ Kim Cương (nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM):

Hạn chế tối đa quy hoạch "treo"

Bản quy hoạch tốt là phải hài hòa các lợi ích, trong đó có lợi ích của chính quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích giữa các quận huyện với nhau... Khi các quận huyện tự nghiên cứu về tiềm năng, lợi thế và đề đạt yêu cầu của mình lên cấp trên như vậy sẽ giúp cho đồ án quy hoạch sát thực tế, gần dân hơn, hạn chế được tình trạng quy hoạch "treo".

Tôi mong các quận huyện không chỉ nghe ý kiến từ các chuyên gia mà còn nghe thêm ý kiến từ người dân và doanh nghiệp vì đây mới là những người hưởng thụ hoặc chịu thiệt nhiều nhất từ quy hoạch. Việc lắng nghe ý kiến từ cơ sở để điều chỉnh quy hoạch là thuận theo quy luật cung - cầu của thị trường, chứ không phải chỉ làm những bản vẽ xanh - đỏ theo ý chí của cấp trên.

Sau khi nghe ý kiến, nguyện vọng của các địa phương thì TP.HCM cần có một "nhạc trưởng" để dung hòa lợi ích giữa các địa phương, phục vụ cho định hướng phát triển và lợi ích chung của toàn TP.HCM trong khi lập quy hoạch. Như vậy, quy hoạch sẽ bảo đảm được tiêu chí phân công, phân nhiệm thực hiện nhiệm vụ chung lại vừa sát thực tế, dễ thực thi.

TP.HCM thúc đẩy TP.HCM thúc đẩy 'quy hoạch hai chiều'

TTO - Các quận huyện chủ động rà soát quy hoạch, phát triển dựa trên tiềm năng thực tế địa phương để đóng góp đồ án quy hoạch chung và quy hoạch tích hợp của TP. Đây là chiều quy hoạch thứ 2, ngược lại cách phân bổ từ trên xuống theo truyền thống.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên