30/05/2019 14:31 GMT+7

TP.HCM: Kênh rạch bị lấp, hồ điều tiết nằm trên giấy

Q.KHẢI - L.PHAN
Q.KHẢI - L.PHAN

TTO - Đại biểu Trương Lâm Danh - trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM, đã nêu thực trạng này tại buổi giám sát của HĐND TP với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và Ban quản lý dự án các công trình giao thông sáng 30-5.

Đại diện các sở ngành trao đổi với HĐND trong cuộc họp sáng 30-5 - Video: THANH HIẾU

Theo đại biểu Danh, quá trình đi giám sát chống ngập thực tế ở một số địa phương có tình trạng lấp kênh rạch để làm dự án, cống hộp. Theo quy định, lấp rạch thì phải bù lại bằng hồ điều tiết gấp 1,2-1,4 lần. Nhưng khi dự án đã xong rồi thì không thấy hồ điều tiết đâu.

"Hỏi chủ đầu tư dự án thì nói là nhà nước chỉ làm hồ điều tiết ở đâu sẽ làm ở đó. Việc lấp rạch là có thật nhưng việc bù lại bằng hồ điều tiết chỉ trên giấy", đại biểu Danh đặt vấn đề.

Thậm chí đại biểu Danh còn cho rằng có những khu vực là hồ tự nhiên làm chức năng điều tiết nước tốt nhưng để cho san lấp, phát triển hạ tầng rồi sau đó lại quyết định đào lên làm hồ điều tiết.

TP.HCM: Kênh rạch bị lấp, hồ điều tiết nằm trên giấy - Ảnh 2.

Một đoạn rạch Ông Đội, dưới chân cầu Kênh Tẻ (P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) đã bị lấp bởi... rác - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Hòa Bình - giám đốc Sở Xây dựng - nói: "Xin đại biểu tha chuyện lấp rạch là nguyên nhân gây ngập, gây úng. Bởi có những rạch phải lấp đi vì rạch cùng, nằm sâu bên trong. Ví dụ như dự án Riviera Point ở quận 7 trước đây có khoảng 1.000m2 lọt vô dự án mà không kết nối thoát nước. Cơ quan chức năng cho lấp với nhiệm vụ phải bù lại diện tích lấp 1,2".

Tuy vậy, ông Bình cho biết sắp tới sẽ cùng các sở ban ngành rà soát vấn đề này và đề xuất trước khi lấp rạch phải có ý kiến chính thức của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vì liên quan đến vấn đề thủy lợi chứ không chỉ thoát nước.

Ông Danh cho biết ông đồng ý đối với rạch cùng có thể lấp và bù bằng hồ điều tiết, đồng thời có thể khai thác quỹ đất này.

"Tuy nhiên thực tế hiện nay có những con rạch không phải là rạch cùng cũng được đề xuất lấp, còn hồ điều tiết thì trên giấy, như vậy có đúng không? Đây là vấn đề có tính hai mặt, các đại biểu quá trình đi giám sát thấy được nên cần phải làm rõ...", ông Danh đặt vấn đề.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm là giải quyết ngập nước, kẹt xe quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (đoạn từ ngã ba Bờ Ngựa đến cầu Bình Điền). Khu vực này đường đang rộng thì bị thắt cổ chai, thêm vào đó do ảnh hưởng của triều cường nên mỗi khi mưa thường xảy ra kẹt xe, ngập nước kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến - phó Ban đô thị HĐND - cho rằng đây là vấn đề đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa giải quyết được, đây là một trong ba tuyến chính kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khu vực này thường đứng đầu về tình hình TNGT của TP.HCM nên việc nhanh chóng mở rộng đường, giải quyết ngập là rất cấp thiết.

Trả lời về chất vấn trên, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị - cho biết phía đơn vị trong lúc chờ đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sá và hệ thống thoát nước đã bố trí tạm máy bơm để giảm ngập cho khu vực này. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm giúp giảm thời gian, mức độ ngập chứ không giải quyết triệt để được.

Còn ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông - cho biết khu vực này trước đây có kế hoạch nâng cấp theo hình thức BT, BOT nhưng sau đó thấy không phù hợp với thực tế nên dừng lại.

Hiện nay Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang đề xuất đầu tư, mở rộng bằng nguồn vốn ngân sách. Nếu được phê duyệt sẽ thi công và hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025.

"Chúng tôi mong các sở ngành và lãnh đạo huyện Bình Chánh hỗ trợ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để dự án có tiến độ thuận lợi, sớm hoàn thành", ông Phúc nói.

TP.HCM: Kênh rạch bị lấp, hồ điều tiết nằm trên giấy - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy - chủ tịch HĐND TP.HCM, trao đổi tại cuộc họp - Ảnh: QUANG KHẢI

Kết luận, bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - đề nghị các sở ngành có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương để các dự án chống ngập sớm hoàn thành, giải quyết ngập nước, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Về tiến độ, hiệu quả các dự án, HĐND sẽ giám sát chặt chẽ.

Đề xuất TP.HCM xây 5 hồ điều tiết chống ngập trị giá 475 tỉ Đề xuất TP.HCM xây 5 hồ điều tiết chống ngập trị giá 475 tỉ

TTO - Với tổng số vốn đầu tư hơn 475 tỉ đồng, đơn vị chống ngập TP.HCM đề xuất sử dụng những vị trí công cộng như công viên, dải phân cách làm hồ điều tiết.

Q.KHẢI - L.PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên