30/06/2022 09:59 GMT+7

TP.HCM thúc đẩy 'quy hoạch hai chiều'

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Các quận huyện chủ động rà soát quy hoạch, phát triển dựa trên tiềm năng thực tế địa phương để đóng góp đồ án quy hoạch chung và quy hoạch tích hợp của TP. Đây là chiều quy hoạch thứ 2, ngược lại cách phân bổ từ trên xuống theo truyền thống.

TP.HCM thúc đẩy quy hoạch hai chiều - Ảnh 1.

Hội thảo về chiến lược phát triển quận 7 đặt vấn đề thay đổi chức năng của Khu chế xuất Tân Thuận để có thêm không gian phát triển cho quận - Ảnh: TỰ TRUNG

Từ năm 2021 đến nay, nhiều quận huyện tại TP.HCM chủ động phối hợp cùng với các đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề liên quan đến định hướng phát triển của địa phương. 

Việc này nhằm giúp địa phương vừa nhìn ra được tiềm năng, thế mạnh vừa đóng góp cho UBND TP trong việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch TP sắp tới.

Đánh giá tiềm lực riêng

Cuối năm 2020, UBND quận 3 tổ chức hội thảo "Quận 3 - Tiềm năng phát triển đô thị", nhằm tìm kiếm ý tưởng quy hoạch và sắp xếp lại không gian đô thị để phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh. 

Với đặc điểm là một khu dân cư lâu đời, hạ tầng đầy đủ, thuận tiện ngay trung tâm TP.HCM nhưng quận này chưa phát triển xứng tầm, nhiều khu vực vẫn còn nhà cửa lụp xụp, điều kiện sống của người dân chưa bảo đảm... 

Từ gợi ý tại hội thảo, quận 3 tiến hành sắp xếp lại không gian, điều chỉnh quy hoạch khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc, chú trọng cung cấp dịch vụ cao cấp...

Tiếp đó, UBND huyện Bình Chánh cũng có hội thảo "Tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040". Sau đó, UBND huyện Bình Chánh lên kế hoạch tổ chức cuộc thi thiết kế ý tưởng quy hoạch huyện Bình Chánh. 

Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết, trên cơ sở các ý tưởng quy hoạch được tuyển chọn, UBND huyện Bình Chánh có cơ sở khoa học và thực tiễn để đóng góp ý tưởng cho quy hoạch tích hợp TP.HCM và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM; Bình Chánh mong phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giữa miền Tây Nam Bộ và TP.HCM.

Quận Tân Bình cũng cùng các quận Phú Nhuận, Gò Vấp lấy ý tưởng xây dựng cụm đô thị sân bay để tìm hướng phát triển kinh tế dựa vào lợi thế kề cận Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Huyện Củ Chi tìm kiếm đánh giá và góp ý của các chuyên gia qua hội thảo "Định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi". 

Quận 7 cũng tổ chức hội thảo khoa học "Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040"... Hôm nay (30-6), huyện Nhà Bè cũng tổ chức hội thảo "Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP"...

Ông Nguyễn Anh Tuấn - trưởng Phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM - cho biết các hội thảo chuyên đề, hội thảo khoa học ở các địa phương về định hướng phát triển, tầm nhìn, triển vọng... sẽ giúp các địa phương nhìn ra được lợi thế, phân tích lợi thế trong bối cảnh chung để quản lý, định hướng phát triển tốt hơn trong tương lai. 

Qua đó, các địa phương cũng có ý kiến đóng góp cho UBND TP về thế mạnh, tiềm lực và đề xuất định hướng phát triển của địa phương để xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và đồ án quy hoạch tích hợp TP.HCM đang xây dựng.

Đổi mới làm quy hoạch

Một cán bộ Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng cách các quận, huyện tự nghiên cứu về tiềm năng, lợi thế và đề đạt yêu cầu của mình lên cấp trên như vậy sẽ giúp cho đồ án quy hoạch sát thực tế, gần dân hơn, hạn chế được tình trạng thực tế một nơi quy hoạch một nẻo rồi thành quy hoạch "treo". 

Bản quy hoạch tốt là phải hài hòa các lợi ích, trong đó có lợi ích của chính quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp, lợi ích giữa các quận huyện với nhau... 

Cách các quận huyện tự đề đạt yêu cầu, nguyện vọng, định hướng phát triển địa phương mình như vậy chính là đưa ra yêu cầu về lợi ích của mình với cấp trên. Những người làm quy hoạch rất nên lắng nghe những ý kiến từ các địa phương này.

KTS Võ Kim Cương, nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho rằng cách làm quy hoạch hai chiều này phù hợp với định hướng kinh tế thị trường. Chính quyền phải biết rõ địa phương mình có tiềm năng, lợi thế - tức nguồn lực - là gì và mong muốn phát triển ra sao nên việc đề đạt, mong muốn, định hướng phát triển của địa phương mình sẽ bám sát nhu cầu thực tế.

Lâu nay trong khoa học quy hoạch có nguyên tắc về quy hoạch hai chiều: từ dưới lên và từ trên xuống. 

Từ trên xuống, với vai trò của cấp trên, là nắm được quy luật, định hướng phát triển chung, bảo đảm hài hòa lợi ích chung để có định hướng thống nhất trong toàn TP, tránh trường hợp "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa các địa phương. 

Còn chiều từ dưới lên là những điều kiện thực tế, nguồn lực cụ thể từ tài lực, nhân lực, vật lực. 

"Theo tôi, đây là một cách làm quy hoạch theo quy luật cung - cầu của thị trường, xuất phát từ nhu cầu cụ thể của thực tế, nguyện vọng và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp ở các địa phương chứ không phải chỉ là kế hoạch, ý chí áp đặt từ trên xuống", KTS Võ Kim Cương nhận định.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng người làm quy hoạch chung TP.HCM phải là nhạc trưởng để dung hòa lợi ích giữa các địa phương vì lợi ích chung, tất nhiên không thể làm hài lòng tất cả các địa phương. Nhưng bên bị thiệt hại phải được bồi thường, bên nhận lợi thế phải thực hiện nghĩa vụ.

Ví dụ như TP quy hoạch bãi rác tại huyện nào đó thì người dân xung quanh phải được bảo vệ, được bồi thường để có thể di dời đến nơi xa để tránh mùi hôi, tránh ô nhiễm. Còn những quận huyện được đầu tư phát triển công nghệ cao, hạ tầng tốt thì phải có trách nhiệm nộp ngân sách cao hơn.

Quy hoạch đô thị TP.HCM cần giải quyết các vấn đề dân sinh Quy hoạch đô thị TP.HCM cần giải quyết các vấn đề dân sinh

Việc quy hoạch đô thị hợp lý sẽ giúp TP.HCM phát triển bền vững, giảm gánh nặng đầu tư và khắc phục các vấn đề dân sinh đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên