16/04/2019 10:07 GMT+7

Tranh cãi quanh chuyện làm tuyến đường bêtông dọc bãi biển Đà Nẵng

HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG
HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG

TTO - Trong khi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng muốn tuyến đường dọc bãi biển chạy qua các resort được triển khai sớm thì nhiều ý kiến khác từ các chuyên gia, quan chức lẫn doanh nhân lại tỏ ra lo ngại về tính khả thi của nó.

Tranh cãi quanh chuyện làm tuyến đường bêtông dọc bãi biển Đà Nẵng - Ảnh 1.

Bãi biển ở các khu du lịch, resort Ngũ Hành Sơn sắp tới sẽ bị con đường bêtông cắt ngang qua gây phiền hà du khách, du lịch. Ảnh: V.HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện quản lý một resort (xin không nêu tên) cho rằng đây là "con đường kỳ dị". Nó xuất phát từ ý chí của lãnh đạo và sẽ gây ra hệ lụy cho các khu du lịch.

Đường ven biển cho dân (?!)

Tranh cãi quanh chuyện làm tuyến đường bêtông dọc bãi biển Đà Nẵng - Ảnh 2.

Dự kiến con đường (màu đen) sẽ được khởi công vào tháng 7-2019

Ngày 25-3, thực hiện ý kiến của Thành ủy Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, đã ký ban hành văn bản về đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư tuyến đường trên bãi biển phía Đông các khu du lịch qua quận Ngũ Hành Sơn.

Theo đó, ông Dũng giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị kiểm tra, rà soát các công trình trong phạm vi quy hoạch dự án, đề xuất xử lý cụ thể đối với từng công trình hạng mục không phù hợp.

Cũng tại công văn này, ông Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công tuyến đường đi bộ ven biển (đoạn từ phía nam bãi tắm Sao Biển đến lối xuống biển giữa Khu du lịch Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana) trong tháng 7, để đến sang năm đưa vào sử dụng.

Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, tuyến đường trên bãi biển dài khoảng 500m, rộng 3m bằng kết cấu tấm đan bêtông cốt thép đúc sẵn, phủ tấm nhựa giả gỗ với vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng hiện đang trình TP chờ duyệt.

Các vị trí cầu bắc qua kênh nước làm bằng bêtông cốt thép, móng cọc, lan can inox... Cầu đi bộ qua tuyến kênh thoát nước mưa giữa khách sạn Furama và Ariyana đảm bảo phù hợp với cảnh quan khu vực.

Tranh cãi quanh chuyện làm tuyến đường bêtông dọc bãi biển Đà Nẵng - Ảnh 3.

Bãi biển công cộng và ở các khu du lịch Đà Nẵng rất đẹp dành cho người đi bộ, tắm biển. Ảnh: V.Hùng

Nói về lý do thực hiện con đường đi bộ, xe đạp trên bãi biển này, tại tiếp xúc cử tri quận Ngũ Hành Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết: "Chúng ta cùng với doanh nghiệp thực hiện Luật biển, bãi biển là của cộng đồng. Sẽ lấy hết tất cả các bãi biển đó phục vụ cộng đồng. Chúng ta cố gắng đầu tư một con đường từ ranh giới giữa đất giao cho doanh nghiệp (các khu resort - PV) và bãi biển để làm sao có một con đường đi dọc bãi biển là đường đi bộ, đi xe đạp".

Tại thời điểm đó ông Nghĩa giao Sở Xây dựng cùng Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch, thiết kế tuyến đường trên bãi biển này với bề rộng từ 3-5m mục đích phục vụ người dân.

Liệu có khả thi?

Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, nói ông không đồng tình việc xây dựng con đường trên bãi biển chạy qua các khu du lịch này dành cho người đi bộ, đi xe đạp.

Theo ông Vinh, nếu làm con đường này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động các khu nghỉ mát 5 sao ở đây. "Con đường đi bộ trên bãi biển thế này tác dụng gì, vì nếu anh muốn đi xe đạp thì đã có con đường nhựa ven biển Võ Nguyên Giáp, có làn dành cho xe đạp. Còn đi bộ thì vẫn đi dưới bãi biển bình thường chứ cớ gì phải xây đường.

Con đường trên bãi biển này sẽ ảnh hưởng sự riêng tư du khách đang nghỉ dưỡng, thư giãn ở các khu du lịch. Về an ninh trật tự và bảo đảm an toàn tải sản của du khách sẽ không ổn, ảnh hưởng nhiều" - ông Vinh bức xúc nói.

Ông Vinh nói thêm: "Tôi nghĩ rằng con đường trên bãi biển này sẽ tốn kém tiền của cho nhà nước lẫn doanh nghiệp. Bởi đã tốn tiền đầu tư thì phải bỏ kinh phí ra bảo trì, chưa kể đến mùa bão lũ, sóng biển đánh vào thì con đường liệu có an toàn.

Mặt khác, phải tổ chức lực lượng chức năng để quản lý, bảo vệ con đường lẫn sự xâm nhập bất hợp pháp vào các khu du lịch, hướng dẫn mọi người, làm vệ sinh công cộng, cắt cử người chặn xe máy vào, tụ tập nhậu nhẹt gây mất trật tự và xả rác bừa bãi…để hình ảnh không đẹp không xảy ra."

Theo ông Vinh, con đường trên bãi biển này chưa có tiền lệ ở Việt Nam lẫn các bãi biển du lịch trên thế giới. Như ở bãi biển Bali (Indonexia), Phuket, Pattaya (Thái Lan) họ cũng không làm con đường này.

Tranh cãi quanh chuyện làm tuyến đường bêtông dọc bãi biển Đà Nẵng - Ảnh 4.

Một bảo vệ (phải ảnh) canh gác một nhóm du khách vui chơi, thư gian ở một khu du lịch - Ảnh: V.Hùng

Trong khi đó kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, nguyên chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng, cho biết: "Bãi biển Đà Nẵng khu vực này từng được xếp hạng là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, bãi cát mịn, trắng và thoai thoải, rặng dừa rất đẹp, giờ làm con đường bêtông vắt ngang bãi biển đó thì như một vết chém trên cát.

Con đường này sẽ phá vỡ cảnh quan bãi biển Đà Nẵng, mất mỹ quan đô thị và tốn kém, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của TP. Cái người dân Đà Nẵng lẫn du khách cần là nhiều thêm những bãi biển công cộng, những lối xuống biển, đầu tư các thiết bị tập thể dục, thể thao trên bãi biển để mọi người cùng thụ hưởng" - KTS Huy nói.

Quan chức lo ngại

Cuối năm 2018, ông Lê Minh Trung, phó bí thư Đảng đoàn, phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã ký văn bản gởi Thường trực Thành ủy nêu ý kiến về tuyến đường trên bãi biển này.

Tại văn bản này, ông Trung đề nghị xem xét việc tiếp cận ý tưởng con đường ven biển này là dự án phát triển kinh tế, du lịch, chứ không dừng lại chỉ là một tuyến đường di dạo.

Theo ông Trung hiện tình hình xâm thực biển Đà Nẵng diễn biến khá phức tạp, hình dạng vùng bờ thay đổi theo tháng, mùa trong năm. Do đó, việc dự kiến hình thành tuyến đi dạo dọc bãi cát ven theo mặt nước biển là rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, tác động của tuyến đường đi dạo đến hoạt động của các khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng là băn khoăn của các doanh nghiệp mà thành phố cần có quan tâm thỏa đáng nhằm đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích của cộng đồng và doanh nghiệp.

HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên