21/07/2023 18:07 GMT+7

Tranh kính dân gian dựng bàn thờ gia tiên, trưng bày kiếng xe hủ tiếu

Trưa 21-7, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc Triển lãm tranh kính dân gian Việt Nam. Đây là triển lãm tranh kính hiếm hoi do đặc trưng của thể loại này khó vẽ, bảo quản lẫn vận chuyển.

Du khách chụp hình chung với tác phẩm tranh kính thờ cửu huyền thất tổ thường thấy phía sau bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình - Ảnh: THÁI THÁI 

Du khách chụp hình chung với tác phẩm tranh kính thờ cửu huyền thất tổ thường thấy phía sau bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình - Ảnh: THÁI THÁI

Tranh kính dân gian là một trong 30 dòng tranh dân gian của Việt Nam, bao gồm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống... Các tác phẩm phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo từng vùng miền.

Triển lãm tranh kính dân gian Việt Nam được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, quy tụ hơn 70 bức/bộ tranh kính (miền Nam gọi là kiếng) sáng tác từ năm 1940 với nhiều đề tài như thờ cúng, trấn trạch, trang trí... của 8 nhà sưu tầm. 

Tranh kính dân gian thủ công ngày càng hiếm 

Xét theo sự phân loại khu vực địa lý, triển lãm chỉ trưng bày tranh kính dân gian Huế và tranh kính dân gian Nam Bộ. Thiếu đi tranh kính dân gian Hà Nội bởi điều kiện vận chuyển không đảm bảo.

Họa tiết trên kiếng xe hủ tiếu được phục dựng lại theo mẫu những năm 1960 - Ảnh: THÁI THÁI

Họa tiết trên kiếng xe hủ tiếu được phục dựng lại theo mẫu những năm 1960 - Ảnh: THÁI THÁI

Sự kiện gây chú ý khi dựng hẳn các bàn thờ gia tiên, phía sau là các bức tranh kính dân gian thờ cửu huyền thất tổ, mang lại cảm giác thân thuộc cho khách tham quan. Hầu hết tác phẩm tại triển lãm đều sử dụng kỹ thuật sơn lạnh, vẽ ngược (không vẽ ở mặt phải).

Bức tranh Quan Công, được sáng tác năm 1950, do nhà sưu tập Nguyễn Đức Huy và Trần Xuân Duy mang tới triển lãm - Ảnh: THÁI THÁI

Bức tranh Quan Công, được sáng tác năm 1950, do nhà sưu tập Nguyễn Đức Huy và Trần Xuân Duy mang tới triển lãm - Ảnh: THÁI THÁI

Theo nghệ nhân Trần Văn Nhanh (65 tuổi), tranh kính dân gian làm bằng tay hiện nay rất hiếm, số lượng người theo nghề không còn nhiều. 

Lý do không chỉ nằm ở thị hiếu của khách hàng, mà còn vì tranh kính dân gian không bền do chất liệu dễ vỡ, kỹ thuật vẽ, điều kiện thời tiết nóng ẩm. 

Để tạo nên tác phẩm tranh kính đòi hỏi nhiều công đoạn và sự tỉ mỉ cao. Trước hết cần tạo mẫu tranh - bản nét trên giấy, đây là công đoạn quan trọng nhất, bức tranh có hồn hay không phụ thuộc vào giai đoạn này. 

Sau đó đặt kính trên giấy, đồ theo từng nét trên mặt kính, công đoạn tiếp theo là tô màu. Tùy ý muốn của tác giả, tranh sẽ được dán xà cừ hoặc rắc nhũ bạc. Cuối cùng là phơi tranh. 

Đem bộ tranh có tuổi đời hơn 53 năm đang treo trong nhà đến triển lãm, anh Nguyễn Duy Linh (24 tuổi, Vĩnh Long) cho biết cảm thấy vui và tự hào khi dòng tranh gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ được trưng bày, giới thiệu đến với mọi người. 

Anh Nguyễn Duy Linh bên tác phẩm Tứ đổ tường (tài - phiến - tửu - sắc) được gia đình anh đặt thợ vẽ riêng từ lúc mới xây nhà năm 1970 - Ảnh: THÁI THÁI 

Anh Nguyễn Duy Linh bên tác phẩm Tứ đổ tường (tài - phiến - tửu - sắc) được gia đình anh đặt thợ vẽ riêng từ lúc mới xây nhà năm 1970 - Ảnh: THÁI THÁI

Thông qua triển lãm, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa hy vọng đưa tranh kính về đúng giá trị của nó trong sự phát triển của văn hóa dân tộc, tiếp cận được nhiều công ty, doanh nghiệp trong việc ứng dụng họa tiết tranh dân gian vào đời sống hiện đại.

Bên cạnh đó, trao đi tình yêu nghệ thuật đến với thế hệ trẻ, để họ có thể trở thành nghệ nhân hoặc nhà sưu tầm trong tương lai giúp tranh kính dân gian có sức sống bền bỉ hơn.

Nhớ tranh kiếng Tân Huê 

Có mặt tại buổi khai mạc, nghệ nhân Lương Chí Bằng - "hậu duệ" của tiệm kiếng Tân Huê nổi tiếng vùng Sài Gòn - Chợ Lớn một thời - cũng trưng bày các tác phẩm tiêu biểu trong sự hãnh diện.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Bằng cho biết công việc làm tranh kiếng là "cha truyền con nối", ông theo nghề từ năm 13 tuổi. Khi đó, đối với những bức tranh lớn, ông phải bắc ghế cho cao để vẽ. 

Nghệ nhân Lương Chí Bằng được nhiều người gọi là người vẽ tranh kiếng trên xe mì nổi tiếng nhất - Ảnh: THÁI THÁI

Nghệ nhân Lương Chí Bằng được nhiều người gọi là người vẽ tranh kiếng trên xe mì nổi tiếng nhất - Ảnh: THÁI THÁI

Khi nhận được thiệp mời của ban tổ chức, ông đồng ý ngay bởi đây là dịp hiếm hoi tổ chức triển lãm tranh kiếng. 

Đối với nghề làm tranh, ông Bằng cho rằng người nghệ nhân cần phải tâm huyết, mỗi tác phẩm cần phải hoàn mỹ, đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Trong thời kỳ đỉnh cao, 95% tranh kiếng ở các xe hủ tiếu đều do cửa tiệm nhà ông làm ra.

"Lúc trước ba tôi cũng kiên trì tạo ra những khuôn, mẫu, thiết kế ra Quan Công, Thủy Hử... Tuy nhiên, thu nhập không tương xứng, dù mình rất cố gắng để làm ra tác phẩm. Kinh tế so với các ngành nghề khác không bằng nên gia đình cũng không thể theo nghề" - ông Bằng nói về lý do không thể nối nghiệp cha ở hiện tại. 

Sau khai mạc, Triển lãm tranh kính dân gian Việt Nam sẽ mở cửa cho khách tham quan đến hết ngày 26-7-2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, quận 1, TP.HCM). 

 Cảm hứng từ tranh kính dân gian

Đặng Thanh Ngân trong trang phục dân tộc Kính Kính tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2023 - Ảnh: Facebook Đặng Thanh Ngân

Đặng Thanh Ngân trong trang phục dân tộc Kính Kính tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2023 - Ảnh: Facebook Đặng Thanh Ngân

Bên cạnh hình thức trưng bày tại triển lãm, tranh kính còn trở thành nguồn cảm hứng thiết kế trang phục trong thời gian gần đây.

Đó là trường hợp của Đặng Thanh Ngân - á hậu 4 cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2023 (Miss Supranational), cô đã tự hào quảng bá văn hóa Nam Bộ đến bạn bè quốc tế qua bộ trang phục Kính Kính, lấy cảm hứng từ tranh kính dân gian.

Trang phục do nhà thiết kế Khoa Lỗ sáng tạo, xuất hiện tại vòng thi trang phục dân tộc.

Nhà thiết kế cho rằng tranh kính dân gian là dòng tranh bình dị, mộc mạc.

Vì vậy, anh muốn thông qua trang phục để nói lên tình yêu đối với nét đẹp văn hóa của người Nam Bộ.

Sau màn thể hiện tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2023, Đặng Thanh Ngân nhận về phản ứng tích cực của nhiều khán giả.

Nhiều người nhận xét thiết kế khá cồng kềnh nhưng rất bắt mắt, ý nghĩa, đậm sắc màu văn hóa dân gian Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đối với bạn bè quốc tế.

Họa sĩ vẽ tranh ngược kính xác lập kỷ lục Việt Nam lần thứ 4Họa sĩ vẽ tranh ngược kính xác lập kỷ lục Việt Nam lần thứ 4

Được biết đến với tài năng vẽ tranh ngược kính bằng 10 đầu ngón tay, đến nay họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục 4 lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên