23/09/2022 16:18 GMT+7

Tranh luận gay gắt về thời hạn sử dụng chung cư

Bài, ảnh: BẢO NGỌC
Bài, ảnh: BẢO NGỌC

TTO - Ngày 23-9, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tranh luận gay gắt về thời hạn sử dụng chung cư - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng cần xem lại quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Lo ngại ảnh hưởng tới thị trường, tâm lý người mua nhà, các doanh nghiệp bất động sản đề xuất giữ nguyên quy định sử dụng chung cư vô thời hạn, trong khi cơ quan quản lý, hiệp hội lại kiên quyết bảo vệ phương án sử dụng chung cư có thời hạn.

Doanh nghiệp lo không bán được chung cư

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đạo Đức, phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO, nói việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tại thời điểm hiện nay chưa phù hợp với tâm lý chung người mua nhà, sẽ có biến động thị trường, vô hình trung khuyến khích tâm lý mua đất ở, ảnh hưởng lớn tới chính sách phát triển nhà ở chung cư.

Ở góc độ thị trường, việc xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư sẽ gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi bán nhà chung cư. Theo đó, ông Đức đề xuất thực hiện theo phương án 2 trong dự thảo luật là quy định sở hữu chung cư gắn với quyền sử dụng đất lâu dài, không quy định thời hạn sử dụng.

Đại diện Tập đoàn Sunshine cũng đề xuất không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư vì quy định thời hạn sử dụng chung cư người dân sẽ chuyển hướng sang mua đất ở lâu dài.

Bày tỏ không ủng hộ quy định thời hạn sở hữu chung cư, đại diện Tập đoàn Sungroup cho hay theo quy định của Luật đất đai khi lập quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất đều thể hiện rõ chỉ tiêu đất ở, dân số. Nhà đầu tư được giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá cũng xác định đó là đất ở lâu dài, vì vậy tài sản trên đất cũng phải lâu dài.

Tranh luận gay gắt về thời hạn sử dụng chung cư - Ảnh 2.

TP Hà Nội phải di dân khỏi chung cư cũ số 51 Huỳnh Thúc Kháng vì tòa nhà có nguy cơ đổ sập

Quy định thời hạn sử dụng, không quy định thời hạn sở hữu

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, khẳng định việc xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư là hợp lý vì công trình không tồn tại vĩnh viễn. Vấn đề đặt ra là thời hạn sử dụng đất chung cư chưa rõ ràng, nếu phân định chung cư có thời hạn thì cần quy định rõ công trình cấp nào, tuổi thọ bao nhiêu.

Còn theo ông Nguyễn Quang Tuyến, phó chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội, khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu. Dự thảo Luật nhà ở quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là không đúng, chỉ nên quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Ông Tuyến cho rằng từ góc độ nghiên cứu thị trường thì quy định sử dụng nhà chung cư có thời hạn là có lý, quan điểm cho sử dụng nhà chung cư vĩnh viễn không hợp lý. Từ góc độ quản lý nhiều nước cũng quy định sử dụng nhà chung cư có thời hạn vì mọi công trình đều có khấu hao nhất định, hết thời hạn thì phải đập đi xây lại để bảo đảm an toàn.

Nhưng ông Tuyến đề nghị khi áp dụng quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư cần quy định rõ không hồi tố với tất cả những khách hàng mua chung cư trước khi Luật nhà ở có hiệu lực. Những người mua chung cư trước khi luật có hiệu lực sẽ vẫn giữ nguyên thời hạn sử dụng lâu dài.

Ông Đinh Dũng Sỹ, vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, cho rằng hình như đang có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm thời hạn sử dụng nhà chung cư với thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Quyền sở hữu nhà ở phải được xử lý theo pháp luật về dân sự, không nên quy định thời hạn sở hữu chung cư trong Luật nhà ở, chỉ nên quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư. Ví dụ người Pháp xây biệt thự tại Việt Nam cách đây cả trăm năm họ vẫn lưu giữ hồ sơ và gần đây họ gửi thông báo cho phía Việt Nam về việc công trình biệt thự hết thời hạn sử dụng. Vì thế, theo ông Sỹ, việc sửa luật lần này phải quy định rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong Luật nhà ở.

"Người dân mua chung cư có quyền sở hữu, quyền này không phải bất biến, nó phải được giải quyết theo pháp luật dân sự. Và căn cứ để chấm dứt quyền sở hữu nhà ở là khi tài sản không còn hoặc bị tiêu hủy. Theo tôi, Luật nhà ở chỉ cần quy định khi hết thời hạn sử dụng thì quyền của chủ sở hữu nhà chung cư có quyền gì như quyền được tái định cư ở đó hay chỗ khác, mối quan hệ cư dân với Nhà nước, chủ đầu tư dự án thế nào", ông Sỹ cho biết thêm.

Nhấn mạnh cần thiết phải quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, ông Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói ngay cả những công trình như Phủ chủ tịch, Nhà hát lớn, trụ sở Ban Đối ngoại Trung ương khi hết thời hạn sử dụng phía Pháp cũng gửi thư cho các cơ quan trong nước thông báo hết hạn sử dụng, nếu muốn tiếp tục sử dụng phải kiểm định lại chất lượng, tiến hành gia cố công trình.

'Nghiêng về phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn', Bộ Xây dựng nói gì?

TTO - Sở hữu nhà chung cư 50 năm, 70 năm, hay 100 năm sẽ phụ thuộc vào cấp công trình, gắn với thời hạn sử dụng công trình được phê duyệt trong hồ sơ thiết kế.

Bài, ảnh: BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên