08/01/2024 14:43 GMT+7

Tranh quý từng treo điện Cần Chánh vẽ thuyền sen dừng lại giữa hồ ở vườn Cơ Hạ

Hai bức tranh quý đang treo ở khoa lịch sử Trường đại học Khoa học Huế được xác định là tranh vẽ cảnh trong vườn Cơ Hạ, một ngự uyển nổi tiếng nằm ở góc đông bắc bên trong Đại nội Huế.

Bức tranh quý

Bức tranh quý "Trì lưu liên phảng" từng treo trong điện Cần Chánh được xác định vẽ vườn Cơ Hạ - Ảnh: NHẬT LINH

Ngày 8-1, TS Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho Tuổi Trẻ Online biết hai bức tranh quý từng treo trong điện Cần Chánh hiện nằm trong Trường đại học Khoa học Huế là tranh vẽ vườn Cơ Hạ.

Tranh quý vẽ "thuyền sen dừng lại giữa hồ"

Theo ông Hải, cách đây hơn 20 năm, khi thống kê các loại hình tranh gương cung đình ở cố đô Huế, ông đã có cơ may đến xem là chụp lại bức tranh gương quý trưng bày tại khoa lịch sử Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế).

Ông Hải cho biết hai bức tranh gương này thuộc dòng tranh minh họa thơ ngự chế của vua Thiệu Trị (1841-1847).

Hai bức tranh này được xác định là vẽ cảnh trong vườn Cơ Hạ, một ngự uyển nổi tiếng nằm ở góc đông bắc bên trong Hoàng thành.

Ngự uyển này được vua Thiệu Trị nâng cấp tôn tạo và thường xuyên lui tới đề vịnh thơ.

5 khu vườn ngự uyển bên trong Hoàng thành (Ngự viên, Thiệu Phương, Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh), Cơ Hạ là khu vườn rộng nhất (hơn 4,5 mẫu, tức khoảng 2,3ha) với một hệ thống công trình kiến trúc phong phú bao gồm điện, đình, lầu, tạ, các, hồi lang, sông đào, hồ, ao, non bộ…

"Trong loạt thơ ngự chế đề vịnh về vườn Cơ Hạ của các hoàng đế triều Nguyễn, chùm thơ vịnh 14 cảnh vườn Cơ Hạ (Cơ Hạ viên thập tứ cảnh) là tiêu biểu và nổi bật hơn cả. Lang tập quần phươngTrì lưu liên phảng là 2 trong số 14 cảnh thuộc chùm thơ này", ông Hải nhận định.

Ông Hải cũng cho biết thêm bài thơ viết trên bức tranh "Trì lưu liên phảng" có nghĩa là "Thuyền sen dừng lại giữa hồ".

Bài thơ vịnh cảnh "thuyền sen dừng lại giữa hồ" ở vườn Cơ Hạ trong Hoàng cung của vua Thiệu Trị khắc trên bức tranh gương - Ảnh: NHẬT LINH

Bài thơ vịnh cảnh "thuyền sen dừng lại giữa hồ" ở vườn Cơ Hạ trong Hoàng cung của vua Thiệu Trị khắc trên bức tranh gương - Ảnh: NHẬT LINH

Bài thơ trên được dịch nghĩa lại như sau:

Hồ Minh Giám, ánh sáng trong vắt, thực có thể buông thuyền trôi. Khua chèo quế từ từ di chuyển trên hồ phẳng lặng, dòng nước trong dẫn dắt dần dần, qua Vũ Giang, xuyên Đào Nguyên, tiếp đến hồ Kim Thủy, bỗng nhiên bát ngát, hoa sen từng cành tươi sáng, lá sen rang giữu ngăn đường khiến thuyền không tiến lên được, người khác phải gạt đẩy không ngừng mới có thể vượt qua.

Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Tranh quý cần về lại vị trí của chúng

Ông Phan Thanh Hải cũng cho biết theo thống kê cá nhân, tại Huế còn giữ được hơn 80 bức tranh gương cung đình thuộc nhiều thể loại: tranh minh họa thơ ngự chế đề vịnh cảnh đẹp kinh đô và về điển tích cổ, tranh vẽ tĩnh vật…

Bức tranh gương có tên

Bức tranh gương có tên "Thanh trì hương luyện" đang được treo ở cung Diên Thọ (trong Hoàng cung Huế) cũng được xác định từng treo ở điện Cần Chánh - Ảnh: NGUYỄN T.A PHONG

Trong đó đại đa số những bức tranh quý này được lưu giữ, trưng bày tại quần thể di tích cố đô Huế như điện Long An (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), cung Diên Thọ, điện Sùng Ân (lăng vua Minh Mạng), điện Biểu Đức (lăng vua Thiệu Trị), điện Hòa Khiêm, Lương Khiêm (lăng vua Tự Đức), điện Ngưng Hy (lăng vua Đồng Khánh)…

Theo khảo sát và phân tích từ hình ảnh tư liệu, trước khi điện Cần Chánh bị thiêu hủy vào tháng 2-1947 do chiến tranh, trong ngôi điện này có treo một số bức tranh gương và tất cả các bức tranh này đều là loại tranh gương cung đình cao cấp minh họa các bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị.

Trong đó có các bức Tịnh hồ hạ hứng, Oanh đê xuân sắc (vịnh cảnh hồ Tịnh Tâm), Trì lưu liên phảng và có thể có cả bức Lang tập quần phương vịnh cảnh vườn Cơ Hạ.

Điều đáng tiếc là 2 bức tranh vịnh cảnh hồ Tịnh Tâm nay đã không còn, vì vậy những bức tranh gương còn lại càng trở nên quý giá.

"Trong tương lai gần, sau khi điện Cần Chánh được trùng tu phục hồi, nhất thiết cần đưa các bức tranh gương này quay trở lại vị trí nguyên thủy của chúng.

Đó cũng là yêu cầu chính đáng và phù hợp của công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của Huế", ông Hải nói.

Một lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết vẫn đang cố gắng đàm phán để đưa hai bức tranh quý từ Trường đại học Khoa học Huế về Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để bảo quản, gìn giữ.
Tranh quý điện Cần Chánh cần về đúng chỗTranh quý điện Cần Chánh cần về đúng chỗ

Về vụ tranh quý từng treo ở điện Cần Chánh được phát hiện trong trường đại học nhưng không đủ điều kiện bảo vệ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng bảo vật cần được về lại đúng chỗ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên