18/12/2013 17:52 GMT+7

Tránh xáo trộn khi áp dụng Luật đất đai sửa đổi

D.N.HÀ - C.QUỐC
D.N.HÀ - C.QUỐC

TTO - Đó là đề nghị của ông Lê Viết Hưng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai tại buổi lấy ý kiến các tỉnh thành phía Nam về các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai (sửa đổi) được Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 18-12.

YEu466OM.jpgPhóng to
Ảnh minh họa

Luật đất đai 2013: Những việc cần làm tiếp Đảm bảo quyền lợi các bên khi thu hồi đất

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Hưng nói trước đây khi góp ý dự thảo nghị định 181 (năm 2004) hướng dẫn Luật Đất đai 2003, ông đã “đấu” quan điểm quy định “đối với đất không có giấy tờ hợp lệ, không phù hợp quy hoạch thì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và đã được tiếp thu theo hướng đất người dân ở ổn định trước khi có quy hoạch thì vẫn được cấp chủ quyền. Thế nhưng nghị định 84 (năm 2007) đã hủy bỏ quy định này, từ đó cho thấy có sự không nhất quán trong quá trình soạn thảo.

“Cái nào chấp nhận được, phù hợp thì nên giữ, không nên làm xáo trộn, thay đổi”, ông Hưng kiến nghị.

Một trong những nguyên tắc của việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo luật đất đai mới là căn cứ vào thời hạn sử dụng đất còn lại. Góp ý thi hành quy định này, ông Hưng đề nghị nghiên cứu kỹ vì theo ông Hưng thì: “trừ đi thời gian đã sử dụng đất là hết sức phức tạp vì nhiều trường hợp người dân đã sử dụng đất cả trăm năm nay hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không phải đất do nhà nước giao. Nếu đất của người dân sử dụng cả trăm năm nay nhưng khi được cấp chủ quyền lại bị ghi vào thời hạn sử dụng, rồi khi bồi thường thì lấy đó là căn cứ để tính tiền bồi thường thì không ổn”.

Về điểm mới của Luật đất đai (sửa đổi) là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến nhân dân, ông Nguyễn Văn Sử - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ đề nghị phải giải thích, làm rõ trong nghị định hướng dẫn bởi đây là việc làm dân chủ, công khai, minh bạch nhưng trường hợp người dân không đồng thuận cao thì phải làm thế nào, có thực hiện không?

Cũng theo ông Sử, theo Luật đất đai sửa đổi thì việc giao đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất nhưng hiện những địa phương chưa lập kế hoạch sử dụng đất thì phải làm thế nào cũng cần được làm rõ.

Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến góp ý về giá đất. Theo ông Phan Trung Hiền (phó trưởng Khoa Luật Đại học Cần Thơ), Luật đất đai sửa đổi quy định giá đất khi bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến nhưng giá “phổ biến” như thế nào thì rất khó xác định vì khi chuyển nhượng, người dân thường không khai thật giá chuyển nhượng mà chỉ khai theo giá quy định của Nhà nước.

Ông Hiền cho rằng phải xem lại việc tính thuế thế nào để đảm bảo người dân có. Ông Lê Viết Hưng cũng góp ý việc xây dựng bảng giá đất năm năm một lần như quy định của Luật đất đai sửa đổi “nghe qua tưởng mới nhưng bản chất như cũ”.

Ông Hưng dẫn chứng: “Trước đây công bố hằng năm nhưng thực tế chỉ điều chỉnh 5 – 10% chứ không điều chỉnh toàn bộ. Nay quy định năm năm xây dựng bảng giá đất một lần nhưng chỗ nào có biến động thì điều chỉnh thì bản chất như nhau thôi. Cần có trao đổi kỹ để đưa ra phương án khắc phục bất cập bảng giá đất hiện nay”, theo ông Hưng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu các địa phương gửi văn bản góp ý các nghị định hướng dận thi hành Luật Đất đai 2013 cho Bộ trước tết Nguyên đán để cơ quan này tổng hợp, điều chỉnh và sớm tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan chức năng sau tết.

D.N.HÀ - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên