10/11/2022 17:49 GMT+7

Triều cường gây thiệt hại hàng trăm héc ta lúa, rau màu ở miền Tây

CHÍ QUỐC - LÊ DÂN
CHÍ QUỐC - LÊ DÂN

TTO - Những đợt triều cường vừa qua không chỉ gây ngập đường ở các đô thị mà còn gây thiệt hại hàng trăm héc ta sản xuất lúa, rau màu của người dân ở miền Tây.

Triều cường gây thiệt hại hàng trăm héc ta lúa, rau màu ở miền Tây - Ảnh 1.

Nhiều diện tích mía ở Hậu Giang bị ngập khi nước triều dâng cao gây thiệt hại nặng - Ảnh: H.P.

Tại Hậu Giang, theo ngành nông nghiệp tỉnh này, triều cường gây ngập úng 88ha lúa thu đông, trong đó có 58ha bị thiệt hại 50%. Trong khi đó có 8.556ha cây ăn trái bị ngập úng và hiện ghi nhận hơn 70ha có tỉ lệ thiệt hại từ 30 - 70%. Ngoài ra, tại địa phương còn có hơn 1.000ha mía, 302ha rau màu bị ngập úng do đợt triều cường vừa qua.

Ngày 10-11, ông Trần Chí Hùng - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - cho biết đang thống kê thiệt hại để kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ người dân.

Riêng vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, do triều cường còn cao nên nông dân không thể gieo sạ đợt 1 từ ngày 27-10 đến 2-11 như lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Do đó cơ quan chuyên môn và người dân cần chuẩn bị chu đáo để tập trung xuống giống vào đợt 2 từ ngày 26-11 đến 2-12 nhằm né hạn, mặn.

Tại tỉnh Bạc Liêu, triều cường cũng đã "tấn công" nhiều diện tích hoa màu các xã vùng ven của thành phố Bạc Liêu như Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông. Nước triều ngập nhiều vùng sản xuất khiến hoa màu bị ngã đổ hoặc chìm trong nước.

Bà Dương Thị Cẩm Nhung (xã Vĩnh Trạch Đông) cho biết hơn 1 công (1.000m2) đất trồng hành, ngò rí, cải xanh của gia đình nếu không bị ngập úng do triều cường thì cũng bán được khoảng 20 triệu đồng, hiện tại nước ngập khiến như mất trắng.

Triều cường gây thiệt hại hàng trăm héc ta lúa, rau màu ở miền Tây - Ảnh 2.

Một khu vực trồng rau màu ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) bị ngập trong nước triều - Ảnh: NGUYÊN LÂM

Theo báo cáo nhanh của Phòng kinh tế TP Bạc Liêu, diện tích rau màu thiệt hại do triều cường hiện khoảng 200ha, trong đó có hai xã bị thiệt hại nặng nhất là Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành.

Những diện tích rau màu bị thiệt hại lại sắp đến kỳ thu hoạch. Để khắc phục tình trạng ngập úng, ngành chức năng đã bố trí đặt trạm bơm ở các xã nhằm tháo úng kịp thời, khôi phục lại các vùng màu, các điểm ngập cục bộ.

Tuy nhiên, do mưa lớn liên tục và kéo dài trong nhiều ngày, lượng nước lớn cộng với mực nước trên các sông dâng cao nên việc thoát nước gặp nhiều khó khăn. Diện tích rau màu của người dân vẫn bị ngập nặng và thiệt hại diện rộng.

Cảnh báo đợt triều cường mới

Ngap 1

Đường Mậu Thân (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ngập trong đợt triều cường đầu tháng 11 và chuẩn bị đón đợt triều cường mới - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu cho biết từ ngày 7 đến 12-11 trên Biển Đông sẽ xuất hiện kỳ triều cường mới (kỳ triều rằm tháng mười âm lịch). Dự báo đỉnh triều cao nhất tại trạm Gành Hào trong đợt triều này có thể vượt báo động 3 (2,20m) khoảng 0,15cm, xuất hiện vào ngày 9 đến 10-11.

Đợt triều này có cường độ mạnh, kết hợp với gió mùa Đông Bắc có cường độ trung bình đến mạnh nên khả năng sẽ gây ngập ở một số vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển... và đặc biệt sạt lở một số điểm xung yếu, vùng ngoài đê bao gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, giao thông và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ cũng cho biết mực nước cao nhất đo được tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu sáng 10-11 là 1,93m, dự kiến tối nay đạt mức 1,95m. Mực nước đỉnh triều khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày từ 9 đến 11-11 và mực nước cao nhất của đợt triều này có khả năng đạt mức 2,15 đến 2,20m.

Đây cũng là đợt triều cường có đỉnh triều lên cao vượt mức báo động 3, cần đề phòng trong thời gian triều lên cao kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng cho các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của thành phố.

Cần Thơ ngập nặng: Đồ án quy hoạch phát triển đô thị phải tính yếu tố cốt nền Cần Thơ ngập nặng: Đồ án quy hoạch phát triển đô thị phải tính yếu tố cốt nền

TTO - Từ thực tế ngập nặng ở Cần Thơ trong 2 đợt triều cường vừa qua, nhiều ý kiến đã đề xuất giải pháp “sống chung với ngập” trong thời gian tới.

CHÍ QUỐC - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên