14/11/2023 13:12 GMT+7

Triều Tiên đòi giải tán G7

Triều Tiên chỉ trích nhóm các nước G7 gây xung đột vì lợi ích của chính họ. Trước đó G7 lên án Bình Nhưỡng về các vụ thử tên lửa và chuyển giao vũ khí cho Nga.

Ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 8-11-2023 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 8-11-2023 - Ảnh: REUTERS

Ngày 14-11, ông Jo Chol Su, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã lên án tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 trong cuộc họp ngày 8-11 ở Tokyo, Nhật Bản. 

G7 là nhóm quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, gồm: Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada. Tuyên bố chung của G7 kêu gọi ngừng bắn trong xung đột Israel - Hamas, tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời lên án các vụ thử tên lửa và chuyển giao vũ khí cho Nga của Triều Tiên.

Theo G7, bất chấp những lời kêu gọi liên tiếp của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục các hành động leo thang thông qua số lần phóng tên lửa đạn đạo. Hành động này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế.

"G7, vốn đã gây ra và xúi giục các cuộc khủng hoảng quốc tế gần đây, lại nhiều lời chỉ trích các quốc gia có chủ quyền độc lập - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 14-11 dẫn lời ông Jo Chol Su nói - G7 là mối nguy hiểm chính trong quá trình phá hủy hòa bình và an ninh toàn cầu, là trở ngại chính cho việc thiết lập trật tự quốc tế công bằng".

Theo vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Triều Tiên, G7 không thể đại diện cho cộng đồng quốc tế, chỉ bảo vệ lợi ích của một số quốc gia. Ông Jo cũng chỉ ra Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chết người cho Ukraine để "cố tình phá hủy hòa bình và ổn định" ở châu Âu.

Ông Jo cũng cáo buộc Washington "thông đồng và xúi giục" các cuộc tấn công quân sự vào Gaza, trong khi "che chắn cho vụ thảm sát dân thường của Israel".

"G7 đã mất đi lý do biện minh cho sự tồn tại của mình. G7, tàn dư của Chiến tranh Lạnh, cần phải giải tán ngay lập tức. Đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới xoa dịu cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay và khôi phục hòa bình toàn cầu".

Trong khi trước đó, Mỹ và Hàn Quốc rất lo ngại về mối quan hệ Nga - Triều Tiên đang phát triển theo hướng nồng ấm hơn, trong đó có tăng cường hợp tác quân sự.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bình Nhưỡng, ngày 19-10-2023 - Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bình Nhưỡng, ngày 19-10-2023 - Ảnh: REUTERS

Mỹ và các nước đồng minh cho rằng Triều Tiên chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự cho Nga nhằm được sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine. Ngoài ra, Triều Tiên được cho là cung cấp khí tài quân sự cho Nga để đổi lấy sự hỗ trợ kỹ thuật cho các tiến bộ quân sự của nước này.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc khẳng định từ tháng 8 đến nay, Bình Nhưỡng đã gửi sang Nga 10 lô vũ khí. Qua những lô hàng này, Triều Tiên đã cung cấp hơn 1 triệu viên đạn pháo cho Matxcơva, đáp ứng nhu cầu cho hai tháng pháo kích của quân đội Nga.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn cử cố vấn quân sự sang Nga để hướng dẫn cách sử dụng số vũ khí trên.

Mỹ, Hàn lo Triều Tiên hợp tác với Nga, gửi vũ khí cho HamasMỹ, Hàn lo Triều Tiên hợp tác với Nga, gửi vũ khí cho Hamas

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi quan hệ hợp tác giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng là 'đường hai chiều', đề cập đến việc vận chuyển vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên. Vũ khí từ Triều Tiên cũng được cho là xuất hiện tại Dải Gaza.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: triều tiên G7 Nga