12/10/2022 21:01 GMT+7

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ chúc mừng Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel J. Kritenbrink, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, chúc mừng việc Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền, đồng thời bày tỏ hy vọng hai nước sẽ phối hợp về vấn đề này trong thời gian tới.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ chúc mừng Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền - Ảnh 1.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kritenbrink (giữa) và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Knapper (thứ hai từ trái sang) trong cuộc họp báo chiều 12-10 - Ảnh: SƠN NGUYỄN

Ông Kritenbrink hiện là trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ông có chuyến công tác ở Việt Nam và Lào từ ngày 9 đến ngày 14-10.

Trong cuộc họp báo được tổ chức tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, cựu đại sứ bày tỏ vui mừng khi được trở lại Việt Nam. Ông cũng bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2023, thời điểm đánh dấu 10 năm thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.

Khi được hỏi về sự kiện Việt Nam đắc cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong phiên bỏ phiếu tối 11-10, nhà ngoại giao Mỹ đã gửi lời chúc mừng.

"Chúng tôi xin gửi lời chúc mừng đến Việt Nam vì đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền. Mỹ hy vọng với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam có thể phối hợp với Mỹ trong việc thúc đẩy nhân quyền", ông Kritenbrink bày tỏ.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng tiết lộ trong chuyến công tác lần này, ông và các quan chức Việt Nam đã có những cuộc thảo luận "thẳng thắn" và "tôn trọng lẫn nhau" về nhân quyền. Hai nước dự kiến tổ chức đối thoại về vấn đề này trong tháng 11-2022.

Có mặt tại cuộc họp báo, Đại sứ Mỹ đương nhiệm tại Việt Nam Marc E. Knapper chia sẻ những cảm nhận của ông về sự thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam vào thời điểm hiện tại so với cách đây gần 20 năm, thời điểm lần đầu ông đến Việt Nam công tác.

Theo ông Knapper, có thể thấy rõ những biến chuyển tích cực ở Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, chống biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng. 

Chẳng hạn cách đây 15 năm, khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực y tế, cụ thể là phòng chống HIV/AIDS, tình hình tại Việt Nam vẫn còn phức tạp và Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á tham gia vào chương trình PEPFAR của Mỹ. 

Từ khởi đầu ấy, sau 15 năm, hợp tác y tế đã trở thành một trong các trụ cột hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.


Sự thay đổi giữa ngày ấy và bây giờ rất rõ ràng, như ban ngày với ban đêm vậy”

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. KNAPPER chia sẻ về những thay đổi tích cực mà Chính phủ Việt Nam đã tạo ra để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

"Các vị có thể thấy sau ngần ấy thời gian, những cam kết của Việt Nam không chỉ đến từ Chính phủ trung ương mà còn ở cấp địa phương. Các nỗ lực của Việt Nam giờ đây không chỉ tập trung vào HIV/AIDS mà còn là nhiều căn bệnh khác, gần đây là đại dịch COVID-19", Đại sứ Knapper nêu câu chuyện và nhắc lại việc Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, thiết bị y tế cho nhân dân Mỹ vào thời điểm khó khăn vì dịch COVID-19 năm 2020.

"Mỹ cũng tự hào vì đã cung cấp hơn 40 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam. Lý do để chúng tôi có thể làm được điều đó là vì Mỹ tin tưởng Việt Nam, tin tưởng chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho người dân được thực hiện một cách có tổ chức và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam", ông nói thêm.

Trong chống biến đổi khí hậu, vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và sinh kế của hàng triệu người, ông Knapper chỉ ra việc Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại sứ Mỹ chia sẻ ông đã đến nhiều vùng được dự báo chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung. Ở những nơi đó, ông nhìn thấy chính quyền địa phương đã thực hiện các bước đi nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh kế và cuộc sống của người dân.

Sự thay đổi về cơ sở hạ tầng có lẽ là điều để lại ấn tượng nhiều với ông Knapper. 

Ông chia sẻ cách đây 15 năm, khi lần đầu thăm Hạ Long, ông đã phải mất bốn tiếng rưỡi để đi từ Hà Nội trên một tuyến đường hai làn gồ ghề.

"Nhưng bây giờ tôi chỉ mất hai tiếng để tới Hạ Long trên một con đường cao tốc sáu làn. Sự thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, với việc nhiều sân bay và tuyến đường được nâng cấp, mở rộng đến các vùng xa xôi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch. Điều đó hoàn toàn có lợi cho nhân dân, cho sinh kế của họ", đại sứ Mỹ chốt vấn đề.

carl thayer-viet nam

Giáo sư Carl Thayer - Ảnh: CSIS

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bao gồm 193 thành viên, trong đó 145 nước đã ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ ba năm. Kết quả này phản ánh việc Việt Nam đã tập trung vào quyền con người một cách toàn diện, từ ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng như COVID-19, đến xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.

Việt Nam cũng được ủng hộ vì lập trường chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương của một số cường quốc đối với các thành viên khác. Việt Nam chỉ ủng hộ các biện pháp trừng phạt đã được Hội đồng Bảo an thông qua như quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam luôn lưu ý các hành động dẫn đến sự phân cực hơn nữa của cộng đồng quốc tế, đó là việc đứng về phe này chống lại phe khác. Trên trọng trách mới, Hà Nội sẽ tiếp tục theo đuổi sự hòa hợp và đối thoại giữa các thành viên Liên Hiệp Quốc có sự khác biệt về quyền con người.

Giáo sư CARL THAYER (Đại học New South Wales, Úc)

DUY LINH ghi

Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền: Sự công nhận vị thế của Việt Nam Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền: Sự công nhận vị thế của Việt Nam

TTO - Khó khăn đối với Việt Nam khi ứng cử Hội đồng Nhân quyền là "rất nhiều", theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang. Các thách thức không chỉ đến từ số lượng ứng viên châu Á đông, mà còn ở thời điểm Việt Nam ứng cử và điều kiện tiếp xúc, vận động bị hạn chế.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên