12/06/2022 11:08 GMT+7

Trợ vốn giúp người nghèo: Những món tiền nhỏ đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - 31 năm ra đời, khách hàng của Tổ chức tài chính vi mô CEP là hàng trăm ngàn công nhân, người lao động - những người khó khăn nhất trong cộng đồng mà tài sản thế chấp của họ không có gì ngoài sức lao động, với những việc "lấy công làm lời".

Trợ vốn giúp người nghèo: Những món tiền nhỏ đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Trần Thị Hồng Hoa với niềm vui được nhận xe máy mới, nhận khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn từ Quỹ CEP - Ảnh: VŨ THỦY

Vay CEP để có vài triệu đóng học phí cho con, để học nghề; lo chữa bệnh hoặc sửa nhà... Nhờ những khoản vay chỉ 10-15 triệu, nhiều thì 30-50 triệu, CEP đã giúp rất nhiều lao động nghèo không phải đi vay nặng lãi rồi "đeo gông" trả nợ.

Việc CEP tạo điều kiện để khách hàng biết đến hoạt động, tinh giản thủ tục, hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ sẽ góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi.

Ông Hoàng Văn Thành

Vừa cho vay vừa tặng tiền trả nợ

Ngày cuối tuần, vợ chồng chị Trần Thị Hồng Hoa (45 tuổi), công nhân may tại huyện Nhà Bè, được xe của CEP đón đến một chương trình ở TP Thủ Đức (TP.HCM). Họ trở về trên chiếc xe máy mới - một món quà của CEP để chị Hoa tiếp tục đến xưởng may hằng ngày cùng với sổ tiết kiệm 40 triệu đồng giúp chị chữa bệnh và khoản tiền 18 triệu đồng để trả nợ vay nặng lãi.

Gia đình chị Hoa là một trong những khách hàng khó khăn nhất được chương trình "Chuyến xe CEP chia sẻ yêu thương - Cùng công nhân và người lao động vượt khó do COVID-19" hỗ trợ.

"Vay 10 triệu thì CEP cho trả nợ trong 40 tuần, mỗi tuần đóng 300.000 đồng gồm cả tiền vốn, lãi và tiết kiệm. Nhưng mấy năm nay khó dữ dằn, 4 tháng dịch bệnh không có thu nhập. Tôi lại bị giãn tĩnh mạch chân. Đủ ăn đã khó, lấy đâu tiền trả nợ. Tiền nhà mấy tháng nay được chủ trọ cho khất", chị Hoa rơm rớm nước mắt kể.

Hỏi hoàn cảnh mới biết con trai duy nhất của chị bị chậm phát triển, đau ốm triền miên. Chị làm công nhân may, còn chồng là thợ hồ. Để đi làm, chị phải thuê người chăm sóc con với chi phí 2 triệu đồng/tháng.

Trước đây, gia đình chị đã vay vốn của CEP 3 lần, lần đầu 10 triệu, lần sau đó 15 triệu, lần gần đây nhất là 10 triệu lo cho con nhỏ đang trị bệnh. Lương công nhân còm cõi, thu nhập thợ hồ bấp bênh nhưng trước khi dịch bệnh xảy ra, nhờ công việc đều đều, hai vợ chồng liệu cơm gắp mắm nên đều trả nợ đúng hạn.

Hai năm dịch bệnh thì đứt gánh, hai vợ chồng không có cách nào để tiếp tục trả khoản vay gần nhất. Chiếc xe máy cũ, phương tiện duy nhất của gia đình, lại hư lên hư xuống. "Tôi mất ăn mất ngủ vì lo nghĩ, không biết xoay xở ra sao.

Giờ được CEP tặng xe, tặng tiền trả nợ, vợ chồng tôi mừng lắm", chị Hoa tâm sự. Gia đình chị Hoa chỉ là một trong hàng trăm ngàn công nhân, lao động đã vay CEP vào những lúc bức bách nhất mà không thể chạy vạy vay mượn được từ ai.

Chị Ngô Thị Mỹ Hằng (47 tuổi, quê Tiền Giang) đã vay CEP 5-6 năm nay. "Nhà có hai đứa con đang đi học. Mỗi lần vào năm học mới lại vay 10, 15 triệu để lo đóng học phí, mua sách vở...", chị kể.

Khoản vay CEP chị đang trả nợ gần đây là 10 triệu, trả nợ 1,2 triệu mỗi tháng. "Trong 1,2 triệu đó thì có khoản tiết kiệm nhỏ 100.000 đồng/tháng, tính ra ngày hơn 10.000 đồng. Ít ỏi vậy thôi nhưng nếu tích cóp lâu đến lúc cần rút ra mới thấy nó quý. Đợt dịch vừa rồi rút khoản tiết kiệm ra được mấy triệu mới có tiền ăn uống", chị nhớ lại.

Thời điểm dịch bệnh kéo dài, rất nhiều người lao động nghèo đã bám trụ nhờ khoản tiết kiệm này. Đợt cao điểm giãn cách xã hội từ tháng 6 đến tháng 10-2021, có tới 198.966 khách hàng đã sử dụng khoản tiền tiết kiệm với tổng số tiền rút tại CEP là 1.069 tỉ đồng.

Điều đáng nói là số tiền lên tới cả ngàn tỉ đồng này được tích lũy từ những khoản chắt chiu rất nhỏ 10.000 đồng, 20.000 đồng hằng tuần, hằng tháng mà người lao động nghèo đã tiết kiệm tại CEP trong nhiều năm qua.

Khách hàng là "người nghèo nhất trong cộng đồng"

Ông Hoàng Văn Thành - chủ tịch hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP - cho biết trong 30 năm qua khách hàng của CEP vẫn tập trung vào những người lao động nghèo nhất trong cộng đồng, công nhân,

công đoàn viên các khu công nghiệp, các nghiệp đoàn tự do như xe ôm, rác dân lập, làm móng, uốn tóc..., là "những người khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng thông thường của các ngân hàng do không có tài sản đảm bảo".

"CEP cho vay hoàn toàn tín chấp (không đòi hỏi tài sản thế chấp), thiết kế linh hoạt phù hợp với dòng thu nhập của từng khách hàng: từ mức vay, thời hạn vay cho đến cách góp.

Ví dụ khách hàng là người lao động tự do có dòng thu nhập hằng ngày, tuần phù hợp với cách hoàn trả hằng tuần thì trả hằng tuần; công nhân, đoàn viên công đoàn thì trả hằng tháng theo kỳ lương và thời gian giải ngân cũng lựa chọn ngày trùng với kỳ lương để họ thuận lợi trong việc trả nợ...", ông Thành giải thích.

Theo ông Thành, để góp phần hạn chế tín dụng đen, CEP đẩy mạnh "tín dụng tận ngõ, tận tay, tận nơi làm việc", lập điểm giao dịch ở các khu chế xuất, khu công nghiệp để người lao động dễ tiếp cận.

"Đặc trưng của tín dụng đen hay cho vay nặng lãi là rất dễ tiếp cận, mọi lúc mọi nơi. Do đó, dù biết lãi suất rất cao, nhưng vì tình thế bức thiết, nhiều người vẫn vay. Đồng thời họ cũng biết "nặng lãi" nhưng do không tính được cụ thể là bao nhiêu, khi vướng vào rồi mới vất vả.

Việc CEP tạo điều kiện để khách hàng biết đến hoạt động, tinh giản thủ tục, hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ sẽ góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi", ông Thành cho biết.

Ngoài hoạt động cho vay, tiết kiệm, CEP đã thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ thực phẩm, tài chính khẩn cấp, trang thiết bị, bảo hiểm y tế, chương trình học bổng CEP và mái nhà CEP đến những khách hàng khó khăn nhất.

Năm 2021, năm thứ 30 của CEP cũng là năm vô cùng khó khăn của người lao động: dịch bệnh, mất mát người thân, nỗi lo về việc làm, nguồn thu nhập, tiền tích lũy, nhiều gia đình trở nên kiệt quệ sau thời gian dài giãn cách xã hội.

Do đó, CEP đã nỗ lực tìm mọi cách để giúp đỡ khách hàng: hỗ trợ khoản vay khẩn cấp, kéo dài thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, chi tiết kiệm tận tay, tận nơi ở khi người lao động có nhu cầu...

"Nhiều khách hàng đã đến thời hạn trả nợ nhưng do dịch bệnh, họ mất việc làm nên CEP cũng đã giãn nợ cho người lao động. Cơ sở để gia hạn thời gian trả nợ phụ thuộc vào yếu tố lúc nào họ có việc làm, thu nhập.

Nhưng đó chỉ là dự kiến của người lao động, thực tế thì có các trường hợp đã hết thời gian gia hạn trả nợ nhưng vẫn chưa đủ khả năng hoàn trả thì CEP vẫn tiếp tục tìm giải pháp để hỗ trợ họ", ông Thành chia sẻ thêm.

Ra đời từ năm 1991 với tên gọi "Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm" (Quỹ trợ vốn CEP) trực thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM, nguồn vốn ban đầu của CEP chỉ là 460 triệu đồng.

Sau khi chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô (9-2017) với tên gọi mới là Tổ chức tài chính vi mô CEP, hiện CEP đang phục vụ trên 368.000 khách hàng công nhân lao động với tổng dư nợ cho vay khoảng 5.000 tỉ đồng.

​Trợ vốn cho 60 hộ nông dân nghèo ​Trợ vốn cho 60 hộ nông dân nghèo

TT - Sáng 14-5, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Greenfeed VN trao vốn cho 60 hộ nông dân nghèo ở hai huyện Tiên Lữ (xã Thụy Lôi, Trung Dũng, Dị Chế) và Ân Thi (Đào Dương, Nguyễn Trãi) có con học giỏi trong chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên