08/06/2017 09:11 GMT+7

Trồng rau nhà kính ở Trường Sa

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Một chàng trai thủ đô đã tình nguyện nộp đơn xin ra Trường Sa với mong muốn giúp quân và dân trên đảo có thêm nhiều rau xanh mỗi ngày.

*** Error ***
Thượng úy Trần Quốc Hiệp (hàng đầu, thứ ba từ trái) giao lưu văn nghệ cùng chiến sĩ và nghệ sĩ trẻ trên đảo Sơn Ca - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Đặt chân lên đảo Sơn Ca, đoàn công tác Trung ương Đoàn bất ngờ khi trong nhóm các cán bộ, sĩ quan ra cầu tàu đón đoàn có thượng úy hải quân Trần Quốc Hiệp.

Trai Hà Nội mê Trường Sa

Sáu năm trước (tháng 4-2011), trong chuyến hành trình thứ ba “Tuổi Trẻ vì biển đảo quê hương”, Hiệp khi đó là sinh viên năm 3 Học viện Hậu cần đã được tuyển chọn vào đoàn tham gia hành trình với ý tưởng trồng rau xanh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Bây giờ, dẫn chúng tôi vào đảo, Hiệp chủ động giới thiệu anh đã có gần hai năm công tác liên tục trên đảo Sinh Tồn và Sơn Ca, phụ trách công tác hậu cần.

Nhớ lại câu chuyện những năm về trước, anh tâm sự: “Quê tôi ở Mê Linh, bên bờ bắc cầu Thăng Long (Hà Nội). Từ xưa đến nay, ngoài trồng lúa thì chỉ chuyên trồng rau xanh, hoa tươi để cung cấp cho nội thành Hà Nội. Tôi thi vào Học viện Hậu cần cũng là vì ước mơ được học thêm về chăn nuôi, trồng trọt để cùng với kiến thức, những trải nghiệm trồng trọt ở quê nhà sẽ giúp được cái gì đó cho những người lính công tác ở điều kiện thời tiết khó khăn. Khi biết Trung ương Đoàn tuyển chọn thành viên cho hành trình, tôi đã ứng tuyển với ý tưởng này”.

Hiệp cho hay trong chuyến hành trình đó có thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng (nay đã nghỉ hưu) và TS Ngô Quang Vinh ở Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cả hai đều quan tâm đến chuyện cải thiện rau xanh trên đảo.

Một năm sau, khi tốt nghiệp loại giỏi với hàm trung úy, anh viết đơn xin được về công tác tại Quân chủng Hải quân để nuôi ước mơ được trở lại Trường Sa. Sau thời gian công tác tại Cục Kỹ thuật hải quân, tháng 5-2015 thượng úy Trần Quốc Hiệp được điều ra đảo Sinh Tồn và cuối năm 2016 được điều động đến đảo Sơn Ca.

Không còn lo thiếu rau xanh

Hiệp cho biết để có rau ăn, các chiến sĩ phải tận dụng quỹ đất hiếm hoi trên đảo để trồng, và những người đi đảo giờ không còn ngạc nhiên trước những vườn rau treo ở các đảo chìm. “10m2 đất trong bờ không là gì, nhưng với lính đảo có được 1m2 đất trống là quý lắm, tận dụng trồng rau, cây xanh ngay” - Hiệp nói.

“Rất may mắn khi tôi ra đảo công tác cũng là lúc dự án trồng rau trong nhà kính của TS Ngô Quang Vinh được triển khai áp dụng ở một số đảo. Và tôi được điều về công tác ở đảo Sinh Tồn, Sơn Ca cũng là hai đảo có triển khai dự án này. Chúng tôi đã cùng phối hợp triển khai. Khi dự án nhà kính với quy trình xử lý đất, chăm sóc rau khoa học chưa hoàn thành thì giờ đây cả hai đảo này đều cơ bản đáp ứng được nhu cầu về rau...” - Hiệp say sưa nói

Hiệp cho biết thêm tại mỗi đảo anh đã tham khảo kinh nghiệm của những anh em ở đảo lâu, rồi vận dụng những gì đã học được ở trường hậu cần để cho ra “công thức” làm đất, trồng rau thích hợp với điều kiện nơi đây.

Hiệp tập trung vào nghiên cứu làm đất cho rau trên đảo và cách chọn lựa giống. Sau khi gieo hạt, ươm mầm, anh sẽ loại bỏ những cây yếu, xấu và chỉ để lại những cây tốt, trồng với khoảng cách hợp lý. Rau được tưới đều mỗi ngày để rửa mặn, nước tưới được tận dụng từ nước giải và nước sinh hoạt hằng ngày. Với phương thức này, tại mỗi đảo anh công tác đã dần chủ động được chuyện rau xanh.

Hiệp và cán bộ chiến sĩ càng vui hơn khi từ ngày 1-4 vừa qua, dự án trồng rau xanh nhà kính được triển khai tại đảo Sơn Ca. Hai khu nhà kính (khoảng 100m2/khu) được cán bộ kỹ thuật của Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam dựng lên và bàn giao cho đơn vị.

Thạc sĩ Phan Đức Duy Nhã, cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, đánh giá nhà kính không chỉ che chắn cho rau lúc nắng, lúc gió, mà khi vào mùa mưa, lượng nước mưa từ mái sẽ được dẫn xuống bể chứa phục vụ sinh hoạt cũng như tưới tiêu.

Bể nước ngầm dưới vườn rau

Đại tá Bùi Đình Dương, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146 hải quân, cho biết từ chỗ thiếu rau xanh trầm trọng thì nay gần như tất cả các đảo đã tự chủ, đảm bảo cơ bản nhu cầu về rau xanh.

Theo đại tá Dương cũng như thượng úy Trần Quốc Hiệp, ước mơ của các anh là làm các bể chứa nước ngầm dưới các vườn rau. Mỗi vườn rau khoảng 100m2 thì bên dưới cần có bể nước rộng tương tự, đào sâu khoảng 2m, sau đó đổ bêtông, chống thấm, chống ngấm nước.

Đất trồng rau sẽ được đổ lên bề mặt bể (thay vì trải bạt, nilông trước khi trồng rau). Nguồn nước này sẽ chỉ để tưới rau, và bể có nước cũng là cách chống mất nước của đất trồng rau phía trên. “Để làm một bể nước với bề mặt 100m2, sâu 1,5-2m chi phí khoảng 200 triệu đồng/bể, quá lớn với nguồn kinh phí của đơn vị” - đại tá Dương nói.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên