01/08/2012 10:02 GMT+7

Trong thời gian tạm giam có được đóng BHXH?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Tôi làm việc tại một cơ quan nhà nước. Vì lý do khách quan, tôi bị khởi tố và tạm giam để điều tra. Trong thời gian trên tôi được hưởng 50% tiền lương.

Xin hỏi: trong thời gian bị tạm giam (chưa được xét xử) thì có được đóng BHXH, BHYT không? Nếu có thì đóng theo mức nào? Vì tôi chỉ hưởng 50% mức lương của tôi, trong khi BHXH đòi thu đúng 100%, vậy 50% còn lại ai chịu trách nhiệm đóng cho tôi?

(Nguyễn Ngọc Thơ)

- Theo Điều 44 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, ngày 22-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Điều 93 Luật BHXH như sau:

1. Các trường hợp được tạm dừng đóng:

a) Gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh;

b) Gặp khó khăn do thiên tai, mất mùa.

2. Điều kiện:

a) Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được tạm dừng đóng khi có một trong các điều kiện sau:

- Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;

- Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

b) Thời gian tạm dừng đóng theo tháng và không quá 12 tháng.

4. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định và được giải quyết hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện.

Theo Điều 44 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định về chế độ, chính sách đối với công chức đang trong thời gian tạm giữ, tạm giam và tạm đình chỉ công tác như sau:

1. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

2. Trường hợp công chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.

3. Trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.

Điều 14 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: bị phạt tù mà không được hưởng án treo.

Vậy căn cứ theo các quy định trên, trong thời gian bạn bị tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thì bạn vẫn được tham gia đóng BHXH, BHYT. Chỉ trong trường hợp bạn bị tòa án xét xử tuyên bản án đã có hiệu lực pháp luật áp dụng hình phạt đối với bạn là phạt tù mà không cho bạn được hưởng án treo thì bạn mới bị dừng đóng BHXH, BHYT.

Trong thời gian bạn bị tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, bạn chỉ được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Do đó trong thời gian này mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT cho bạn được tính trên cơ sở 50% của mức lương theo ngạch, bậc mà bạn hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Còn trường hợp bạn được kết luận là oan, sai thì bạn được truy lĩnh 50% tiền lương còn lại trong thời gian bạn bị tạm giam; và truy nộp BHXH của phần 50% tiền lương còn lại bạn được truy lĩnh.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên