15/05/2024 09:13 GMT+7

Trung Quốc tìm 'mẹ tình nguyện' cho trẻ em nông thôn

THANH BÌNH
và 1 tác giả khác

Cha mẹ phải tha hương kiếm sống, những đứa trẻ ở nông thôn Trung Quốc thiếu thốn tình thương và đối mặt nhiều vấn đề...

Tranh vẽ gia đình của những đứa trẻ bị “bỏ lại phía sau” ở làng Nam Quan, TP Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: CFP

Tranh vẽ gia đình của những đứa trẻ bị “bỏ lại phía sau” ở làng Nam Quan, TP Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: CFP

Trong những thập niên qua, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến hàng trăm triệu người dân vùng nông thôn tìm đến các thành phố lớn kiếm việc làm, để lại con cái cho ông bà và người thân chăm sóc.

Lan tỏa yêu thương đến trẻ nông thôn

Hồi tháng 3, vụ việc một cậu bé 13 tuổi tại ngôi làng ở ngoại ô TP Hàm Đan, miền bắc Trung Quốc, bị bắt nạt và sát hại dã man - nghi do 3 đứa trẻ khác giết - đã gây tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông về tội phạm vị thành niên và cảnh ngộ của những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ. Các em nhỏ này có thể đối mặt với nhiều khó khăn trong học tập, các vấn đề tâm lý, nguy cơ không an toàn… Thực tế này gây nhiều lo ngại.

Năm nay Hội liên hiệp phụ nữ toàn quốc Trung Quốc đã phát động chiến dịch chăm sóc kéo dài 3 năm, trong đó tuyển các nữ tình nguyện viên trên toàn quốc để làm những bà mẹ tình nguyện chăm sóc cho các em nhỏ này. Số lượng các bà mẹ như vậy đang tăng lên.

Tân Hoa xã chia sẻ câu chuyện về một bà mẹ tình nguyện tên là Li Dan. Từng có một tuổi thơ tương tự, chị Li đăng ký tham gia ngay khi biết thông báo tuyển tình nguyện viên và được kết nối với Chenchen, một bé gái học lớp 4 bị gửi lại ở quê.

Lần đầu gặp Chenchen (đã đổi tên), chị Li thấy như những ký ức thời thơ ấu ùa về. "Đôi mắt cô bé toát lên vẻ e dè, khác hẳn với các bạn cùng trang lứa. Em trông giống tôi 20 năm trước" - nữ công chức 29 tuổi nhớ lại.

Chenchen (9 tuổi) lớn lên cùng ông bà ở huyện Kim Tháp, TP Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. Cha mẹ em ly hôn nhiều năm trước, em ở cùng cha nhưng quanh năm cha phải đi làm xa ở nhiều thành phố khác nhau.

Cuộc gặp đầu tiên giữa chị Li và bé Chenchen cách đây hai tháng đã không suôn sẻ lắm. Chị mang đồ ăn vặt và cặp sách mới tới làm quà, nhưng Chenchen không chịu nói chuyện. "Cô bé chỉ ngồi đó suốt buổi chiều. Em rất trầm lặng và nhạy cảm", chị Li kể.

Khi ấy lòng chị thắt lại vì hiểu rằng với những em nhỏ lớn lên trong các gia đình không trọn vẹn như thế, để làm các em tin tưởng và giao tiếp với người lạ không phải chuyện đơn giản.

Kể từ đó, chị thường xuyên đến nhà Chenchen, mang quần áo và sách mới cho em, giúp em làm bài tập về nhà và đưa em đi chơi công viên.

Sau nhiều tuần, những nỗ lực của chị cũng được đền đáp. Chenchen đã thoải mái chia sẻ với "bà mẹ tình nguyện" những chuyện ở trường và niềm đam mê khiêu vũ của em. "Tôi rất vui khi thấy sự thay đổi của con bé. Điều đó giống như đang giúp chữa lành cho phiên bản hồi nhỏ của tôi", chị chia sẻ.

Cuộc đua marathon

Theo Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cam Túc, tổng số bà mẹ tình nguyện đăng ký ở tỉnh này đến nay đã lên tới hơn 42.000 người, chăm sóc cho hơn 46.700 em. Các chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý, tư vấn tâm lý, giáo dục đặc biệt... cũng đã tham gia đội ngũ này.

Bà Li Wei Rong (53 tuổi) - với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn tâm lý trẻ em ở TP Lan Châu, tỉnh Cam Túc - đang cung cấp các lớp đào tạo miễn phí và hỗ trợ tâm lý cho các em. "Việc sử dụng chuyên môn của mình để giúp đỡ thêm nhiều đứa trẻ là điều làm tôi mãn nguyện nhất" - bà tự hào nói.

Những khóa đào tạo thường xuyên do chính quyền địa phương các cấp tổ chức đã giúp các bà mẹ tình nguyện tích lũy kinh nghiệm và phát triển kỹ năng. Như trường hợp chị Chen Wenxia, một giáo viên trung học ở thành phố Vũ Uy, đã được đào tạo đặc biệt và tham gia các khóa tâm lý trẻ em.

Giờ đây chị có thể giao tiếp tốt hơn với "con trai" Xiao Wei (đã đổi tên) của mình, một cậu bé 9 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. "Sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ bị gửi lại phía sau là một cuộc đua marathon, đòi hỏi sự chăm sóc chính xác, chuyên nghiệp và sự tham gia của toàn xã hội" - chị Chen nói.

Đài CNN dẫn số liệu điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc vào năm 2020 cho biết cứ khoảng 5 trẻ ở Trung Quốc thì có 1 em - tương đương gần 67 triệu trẻ em dưới 17 tuổi - bị cha mẹ gửi lại quê nhà. Nhiều nghiên cứu và khảo sát đã chỉ ra những em này dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn như trầm cảm, lo âu và dễ bị bắt nạt.

Bà Li Weirong nói: "Tôi hy vọng chúng tôi có thể giúp các em tìm thấy thêm yêu thương và tình yêu thương đó sẽ là thứ đồng hành suốt đời, nuôi dưỡng các em".

Lo cho sức khỏe tâm thần học sinh

Ngày 14-5, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo họ đang phát động chiến dịch nhằm giải quyết các vấn đề như giao bài tập về nhà quá nhiều và bắt nạt trong trường học. Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường sức khỏe tâm thần của học sinh, theo Hãng tin Reuters.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết họ đang thực hiện việc giáo dục sức khỏe tâm thần cho giáo viên và học sinh, đặc biệt tập trung vào những trẻ phải xa cha mẹ ở nông thôn.

Trung Quốc: Vòng xoáy giảm lương và giảm phátTrung Quốc: Vòng xoáy giảm lương và giảm phát

TTCT - Vài năm qua, xã hội Trung Quốc chứng kiến nhiều cột mốc lịch sử kể từ khi quốc gia này thực hiện cải cách mở cửa vào năm 1978. Tuy nhiên, không phải cột mốc nào cũng là thành tựu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên