14/05/2024 11:51 GMT+7

Trưởng khoa bị tố vì làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường

Trưởng khoa của một trường đại học đồng thời làm giám đốc phát triển tập đoàn, đại diện pháp luật chi nhánh công ty tư nhân nên bị giảng viên tố vi phạm quy định của pháp luật.

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương TP.HCM - Ảnh: HUIT

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương TP.HCM - Ảnh: HUIT

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương TP.HCM, đang bị nhiều giảng viên của trường tố việc ông là giám đốc doanh nghiệp tư nhân.

Trưởng khoa làm giám đốc có thu nhập 2 nơi

Theo phản ánh của các giảng viên, ông Lê Nguyễn Đoan Duy dù đang là trưởng khoa nhưng nhiều năm nay ông làm kinh tế bên ngoài trường.

"Ông Duy là đại diện pháp luật Công ty cổ phần hóa chất Á Châu - chi nhánh Đồng Nai, giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn nguyên liệu Á Châu (AIG). 

Hiện ông Duy đang có thu nhập, bảng lương 2 nơi. Do quá bận rộn với công việc kinh doanh bên ngoài nên trưởng khoa Duy không còn nhiều thời gian cho việc lãnh đạo khoa, giảng dạy ở trường.

Theo các quy định của pháp luật hiện nay (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Viên chức về quyền của viên chức) về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian và quyết định 15/QĐ-TW năm 2006, thì ông Duy đang vi phạm.

Chúng tôi đã nhiều lần tố cáo vi phạm của ông Duy đến lãnh đạo nhà trường nhưng vẫn không ai xử lý", một số giảng viên cho biết.

Bên cạnh đó, một số giảng viên khác cũng phản ánh do ông Duy hiện đang sở hữu một lượng lớn cổ phiếu của công ty nên "người ở trường mà tâm hồn ngoài doanh nghiệp". 

Điều này dẫn đến việc ông Duy không nghiêm túc trong giảng dạy (nghỉ dạy, ra ngoài nghe điện thoại)…

"Làm thêm ngoài doanh nghiệp để hỗ trợ cho chuyên môn giảng dạy"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Nguyễn Đoan Duy cho hay ông bắt đầu công tác tại Trường đại học Công Thương TP.HCM từ ngày 21-7-2020 theo chính sách thu hút cán bộ của nhà trường (chuyển công tác từ Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM).

"Hợp đồng của tôi có thời hạn 5 năm, sẽ kết thúc vào 30-6-2025. Hiện tại những công việc tại trường cũng như tại doanh nghiệp cũng là theo đúng những yêu cầu và cam kết của tôi với trường. 

Từ tháng 7-2020 đến nay, tôi luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị giảng viên và quản lý khoa", ông Duy khẳng định.

Đồng thời, ông Duy xác nhận có hợp tác với một tập đoàn ngoài trường trong vai trò giám đốc công nghệ/giám đốc phát triển và là đại diện pháp luật của chi nhánh Đồng Nai thuộc công ty hóa chất từ tháng 12-2020.

Ông Duy cho rằng: "Đây là công việc có liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn ngành công nghệ thực phẩm, hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc này hỗ trợ cho chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên được đào tạo và tiếp xúc với thực tế tại doanh nghiệp".

Cũng theo ông Duy, Trường đại học Công Thương TP.HCM là trường tự chủ về tài chính và đào tạo sinh viên theo định hướng ứng dụng, vì vậy luôn có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp.

Đặc biệt trường là đơn vị giáo dục đầu tiên thực hiện học kỳ doanh nghiệp, trong đó sinh viên thực hiện đề tài tốt nghiệp trực tiếp tại doanh nghiệp dưới sự hướng dẫn của cán bộ doanh nghiệp, được gọi là giảng viên doanh nghiệp và các cán bộ này cũng sẽ tham gia vào hội đồng chấm tốt nghiệp.

"Vì vậy nhà trường luôn khuyến khích cán bộ làm việc cùng doanh nghiệp để hiểu rõ nhu cầu thực tế nhằm đáp ứng được tốt hơn những kỳ vọng của doanh nghiệp đối với sinh viên.

Đây là một hướng mở để khuyến khích thầy cô không chỉ dừng lại ở các kiến thức hàn lâm, sách vở mà cần phải có thực tế. 

Hiện tại ở trường cũng có rất nhiều thầy cô làm việc cùng doanh nghiệp, thậm chí mở doanh nghiệp riêng để ứng dụng những đề tài nghiên cứu vào sản xuất thực tế", ông Duy cho hay.

"Giảng viên phải giỏi, phải giàu thì đi dạy nói sinh viên mới nghe"

Liên quan đến sự việc trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM - cho hay khi nhận được đơn tố cáo, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu ông Lê Nguyễn Đoan Duy giải trình và sau đó đã có các cuộc làm việc để làm rõ.

Với việc ông Duy là trưởng khoa đồng thời làm giám đốc, đại diện pháp luật của doanh nghiệp ngoài trường là trái với quy định của pháp luật, nên không được làm giám đốc doanh nghiệp bên ngoài. 

Nhưng công ty ông Duy đứng tên đại diện pháp luật không có hoạt động. Và công ty ông Duy làm giám đốc này không liên quan hay "sân sau" gì của trường.

Sau khi lãnh đạo nhà trường và Đảng ủy cấp trên làm việc về vấn đề này, ông Duy đã chuyển đổi người đứng đầu chi nhánh công ty cho người khác. Ông Hoàn cũng đánh giá trưởng khoa Duy là người có chuyên môn tốt. Khoa công nghệ thực phẩm hoạt động rất tốt và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Thực sự tôi rất thích giảng viên, cán bộ khoa học, thậm chí cán bộ quản lý của trường có doanh nghiệp bên ngoài. Giảng viên đại học phải năng động, phải giỏi, phải giàu thì đi dạy nói sinh viên mới nghe. Đặc biệt các giảng viên khối công nghệ kỹ thuật mà không biết gì về quản lý nhà máy, không gần gũi với doanh nghiệp thì không thể dạy tốt được.

Trong cuộc họp đầu năm 2024, tôi đến gặp gỡ khoa và nói rõ quan điểm của trường là khuyến khích cán bộ giảng viên gắn kết hoạt động chuyên môn với doanh nghiệp nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy", ông Hoàn nói.

Giảng viên làm máy sấy đa năng, tiết kiệm điện bán ra cả nướcGiảng viên làm máy sấy đa năng, tiết kiệm điện bán ra cả nước

Từ đề tài đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ThS Phan Văn Hiệp, giảng viên khoa kỹ thuật - công nghệ Trường đại học Văn Hiến, đã sáng chế thành công máy sấy đa năng xài năng lượng mặt trời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên