29/06/2011 06:48 GMT+7

Từ ngày 1-7, dân được kiện thẳng ra tòa hành chính

LAN ANH - LÊ KIÊN - T.H.
LAN ANH - LÊ KIÊN - T.H.

TT - Ngoài quy định trên, “chỉ thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho những cơ sở lớn”, “cơ quan truyền thông có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng”, “dân được kiện thẳng ra tòa hành chính”... là những quy định liên quan sát sườn đến đời sống dân sinh sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7.

tbZ6uiUe.jpgPhóng to

Ngâm măng trong điều kiện mất vệ sinh tại một cơ sở trên quốc lộ 1A gần ngã tư An Sương, Q.12, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Có đến tám luật có hiệu lực từ 1-7 là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật an toàn thực phẩm, Luật thi hành án hình sự, Luật thanh tra, Luật tố tụng hành chính, Luật khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, Luật sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm.

Theo Luật tố tụng hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết mà không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.

Như vậy, khi nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính..., người dân có hai quyền chọn lựa: hoặc khiếu nại đến người có thẩm quyền hoặc khởi kiện ngay ra tòa chứ không còn bị buộc phải khiếu nại trước như quy định cũ.

Chỉ cấp chứng nhận vệ sinh thực phẩm cho cơ sở lớn

Cơ quan truyền thông có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng

Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba (như báo, đài) thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp. Bên thứ ba có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời bên thứ ba phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), so với quy định hiện hành, Luật an toàn vệ sinh thực phẩm có bốn điểm mới quan trọng.

Trong đó, thay vì tất cả 500.000 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải được thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới được kinh doanh, luật mới quy định chỉ thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho những cơ sở lớn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa (chiếm 85%) thì thực hiện theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và được cơ quan chức năng hậu kiểm.

Một điểm khác nữa là luật phân công rạch ròi giữa ba bộ quản lý thực phẩm: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chín ngành hàng, Bộ Công thương năm ngành hàng, Bộ Y tế năm ngành hàng và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc phân công phân nhiệm rõ ràng, các bộ chịu trách nhiệm quản lý từ khâu sản xuất - lưu thông sẽ tránh giẫm chân nhau trong công tác quản lý.

Luật cũng đã quy định quy trình truy xuất nguồn gốc trong trường hợp phát hiện thực phẩm bẩn, khi đó quy trình sẽ tổng hợp ngay được số lượng thực phẩm gây độc, số lượng đã lưu thông và ngăn chặn ở đâu, tránh tình trạng hoang mang không biết “địch ở đâu mà đánh” như trước kia.

Một điểm mới khác là mức phạt. Trước đây phạt theo hành vi, doanh nghiệp vốn hàng triệu đôla có thể bị phạt mức tương tự như cửa hàng bán bún nhỏ lẻ, với luật mới mức phạt sẽ kết hợp hành vi và số hàng hóa vi phạm, mức phạt hành chính cao nhất là 100 triệu đồng/hành vi, nâng cao tính răn đe của việc xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo luật này, nhãn mác nước uống đóng chai nếu ghi “thời hạn sử dụng tốt nhất trước ngày” trên bao bì thì đến hết ngày sử dụng ghi trên nhãn mác, sản phẩm sẽ không được bày bán trên thị trường nhưng lực lượng thanh tra không nhất thiết phải hủy sản phẩm. Những sản phẩm ghi “hạn sử dụng đến hết ngày” thì đến hạn nhất thiết không được sử dụng nữa.

Xây dựng nhà tử hình ở các cơ sở giam, tạm giam

Trung tướng Cao Ngọc Oánh - tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - cho biết Luật thi hành án hình sự có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là các quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; thân nhân người chấp hành án được phép nhận lại tử thi (trừ những trường hợp đặc biệt gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an ninh quốc gia); quản lý thống nhất các hình phạt ngoài tù, tái hòa nhập cộng đồng...

Theo ông Oánh, đến nay các địa phương đã triển khai thành lập phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc công an cấp huyện. Đề án tử hình bằng tiêm thuốc độc cũng đã được chuẩn bị. Theo đó, các nhà tử hình sẽ được xây dựng ở các cơ sở giam, tạm giam của công an các tỉnh. Ông Oánh cho rằng chi phí cho việc này không phải là vấn đề lớn vì số lượng thi hành án tử hình không nhiều (khoảng 100 trường hợp mỗi năm). Cái đạt được là ý nghĩa xã hội rất lớn vì đây là hình thức giảm bớt đau đớn về thể xác cho người bị tử hình, đồng thời giảm bớt sự căng thẳng tâm lý cho những người thực thi.

* TP.HCM sẽ điều chỉnh mức thu phí cầu, đường cửa ngõ TP gồm các trạm thu phí xa lộ Hà Nội, đường Kinh Dương Vương và trạm thu phí cầu Bình Triệu 2. Theo đó, xe lam, xe công nông, máy kéo có mức thu 4.000 đồng/lượt, 120.000 đồng/tháng, 300.000 đồng/quý. Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức thu 10.000 đồng/lượt, 300.000 đồng/tháng, 800.000 đồng/quý. Xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức thu 15.000 đồng/lượt, 450.000 đồng/tháng, 1.200.000 đồng/quý... (quyết định 38 và 39 của UBND TP.HCM).

* Người điều khiển xe quá khổ nếu không có bằng lái hạng FC hay điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng. Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (nếu có quy định phải có những thiết bị đó) hoặc lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe sẽ bị phạt từ 300.000-500.000 đồng. Chở hàng vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường nhưng không có giấy phép lưu hành hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong giấy phép lưu hành sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng (nghị định 33 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 34/2010/NĐ-CP).

* Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể tổ chức triển khai bảo hiểm hưu trí theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm. Công dân Việt Nam, bất kể là công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang hay người làm công ăn lương tại các loại hình doanh nghiệp khác nhau và nông dân, nếu có điều kiện về tài chính, có thể mua bảo hiểm hưu trí cho mình ở bất cứ mức nào và có thể mua ở nhiều đơn vị khác nhau để được hưởng nhiều quyền lợi khi không còn tuổi lao động. Theo luật cũ, bảo hiểm hưu trí chủ yếu dành cho cán bộ công chức nhà nước, các đối tượng làm công ăn lương có đóng bảo hiểm xã hội.

* Luật khoáng sản quy định cụ thể về tiêu chí xác định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; bổ sung quy định về khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ làm cơ sở xác định thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Luật bổ sung quy định về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản chủ yếu thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (ở khu vực đã thăm dò cũng như ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản). Trường hợp cấp phép không thông qua đấu giá thì phải xác định rõ khu vực hoạt động khoáng sản và phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Thời hạn tối đa cho một giấy phép thăm dò khoáng sản cũng đã điều chỉnh từ bốn năm lên tám năm để phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với thăm dò khoáng sản kim loại.

* Bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% sẽ phải bán ngoại tệ cho ngân hàng. Nguồn ngoại tệ phải bán gồm ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn và không kỳ hạn gửi tại tổ chức tín dụng thời điểm từ ngày 1-7, ngoại tệ thu được từ nguồn thu ngoại tệ hợp pháp (trừ các nguồn thu từ giao dịch vốn) của doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1-7. Ước tính mỗi năm nguồn ngoại tệ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán cho ngân hàng khoảng 6-8 tỉ USD (thông tư 13/2011/TT-NHNN).

* Hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu như sản xuất tại quốc gia được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa theo quy định của Việt Nam. Bao gói hoặc chứa đựng trong các phương tiện phù hợp; ghi nhãn, bao gồm các thông tin: tên hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; mã số (nếu có) và các thông tin khác (bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ tiếng Việt) theo quy định; kiểm tra và chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định. Đối với hàng hóa nhập khẩu có chứa thành phần biến đổi gen, hoặc được chiếu xạ, hoặc được sản xuất theo công nghệ mới, ngoài những điều kiện trên còn phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp theo quy định (thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT).

* Nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ phải có giấy ủy quyền. Quy định này nhằm hạn chế nhập khẩu ôtô chính thức. Theo đó, ôtô dưới chín chỗ chưa qua sử dụng bắt buộc phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hãng sản xuất, hãng sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu hàng hóa không trực tiếp ủy quyền thì doanh nghiệp cần có giấy ủy quyền của thương nhân nước ngoài có quyền phân phối mặt hàng đó tại Việt Nam.

Hiện ở Việt Nam đã có một số doanh nghiệp trở thành nhà phân phối các dòng ôtô đã ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài có quyền nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Hầu hết các hãng ôtô nước ngoài không chấp nhận có nhà phân phối thứ hai tại một thị trường nên các doanh nghiệp buộc phải tìm đến các hãng ôtô chưa có đại diện chính thức tại Việt Nam theo hình thức phân phối hoặc sản xuất (thông tư 20/2011-TT/BCT của Bộ Công thương).

LAN ANH - LÊ KIÊN - T.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên