08/03/2018 10:06 GMT+7

Tự ý sửa biên bản để xử phạt, thanh tra giao thông có phạm luật?

BÀ LÊ THỊ THANH THÙY, (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, người đại diện theo ủy quyền
của chủ xe) - GIA MINH ghi
BÀ LÊ THỊ THANH THÙY, (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, người đại diện theo ủy quyền
của chủ xe) - GIA MINH ghi

TTO - “Tài xế của chúng tôi bị lập biên bản lỗi vi phạm do xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường, tuy nhiên cơ quan chức năng sau đó lại tự sửa biên bản, ghi thêm nội dung khiến tài xế và chủ xe phải chịu mức phạt cao hơn”.

Tự ý sửa biên bản để xử phạt, thanh tra giao thông có phạm luật? - Ảnh 1.

Bà Thùy đang trình bày về những bất thường liên quan tới việc biên bản vi phạm bị sửa

Ngày 9-10-2017, tài xế N.N.T. lái xe tải đi vào đường Xuân Thới Sơn (H.Hóc Môn, TP.HCM) thì bị tổ công tác số 2, đội thanh tra giao thông số 7, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP lập biên bản về hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường từ 100% tới 150%. 

Chủ xe là Công ty NQ cũng bị lập biên bản vi phạm khi giao phương tiện cho người làm công điều khiển bị vi phạm lỗi nêu trên.

Theo tài xế, sau khi bị lập biên bản và tạm giữ giấy tờ xe, tài xế đã đi khỏi hiện trường thì tổ công tác liên lạc, hẹn tài xế gặp mặt ở khu vực ngã tư An Sương để "sửa lại lỗi cho nhẹ hơn". 

Tin lời, tài xế mang biên bản đến gặp tổ công tác tại điểm hẹn thì tổ công tác cầm biên bản, vào xe chuyên dùng sửa một số nội dung rồi trả lại tài xế.

Lúc này tài xế mới ngỡ ngàng khi thấy nội dung chỉnh sửa vi phạm từ 100% tới 150% bị nâng lên thành trên 150%, điều khoản vi phạm bị sửa đổi từ mục, khoản này qua mục, khoản khác với mức phạt cao hơn nhiều (từ 7-8 triệu đồng thành 14-16 triệu đồng với tài xế, từ 18-20 triệu đồng lên thành 56-64 triệu đồng với chủ xe).

Đáng nói hơn nữa là khi chúng tôi tới làm việc, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP lại đưa ra một biên bản vi phạm hành chính trong đó có thêm một người làm chứng với đầy đủ thông tin, chữ ký mà biên bản giao cho tài xế của chúng tôi không có.

Không đồng tình với cách làm này, tôi làm đơn khiếu nại đến thanh tra Sở Giao thông vận tải TP. Ngày 28-11-2017, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP mời tôi tới làm việc. 

Họ có ghi nhận biên bản không ghi ngày, tháng, năm lập biên bản, có chỉnh sửa phần điều khoản vi phạm, sửa chữa tỉ lệ phần trăm lỗi vi phạm và đặc biệt là biên bản của cơ quan chức năng và biên bản bàn giao cho người vi phạm khác nhau về nội dung... 

Bên cạnh đó, tôi cũng trình bày chủ xe theo giấy chứng nhận đăng ký là cá nhân, nhưng biên bản vi phạm lại xác định là doanh nghiệp, điều đó khiến mức phạt tăng lên gấp đôi.

Sau đó, phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP có văn bản trả lời khiếu nại của tôi, với nội dung là sau khi lập biên bản, phát hiện tính toán sai tỉ lệ vi phạm nên tổ công tác mượn lại biên bản, sửa cho đúng. 

Do tổ công tác kê lót biên bản không đúng nên có phần ghi không in xuống biên bản bên dưới giao cho người vi phạm, nên không thể hiện ngày tháng, không có tên, chữ ký của người làm chứng và hai thành viên khác của tổ công tác như nội dung biên bản lưu tại sở.

"Thanh tra Sở Giao thông vận tải nhận thấy đây là sai sót trong quá trình tác nghiệp của tổ công tác, sẽ tổ chức kiểm điểm cá nhân và tổ chức theo quy định. Tuy nhiên, sai sót trên không làm thay đổi hành vi vi phạm trong thực tế, không thuộc những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định", văn bản này cũng khẳng định.

Quả thực, tôi không hiểu nổi một biên bản vi phạm của cơ quan chức năng lập mà lại có những sai sót như vậy. Quan trọng hơn, biên bản được chỉnh sửa như vậy lại là căn cứ để họ ra quyết định xử phạt tài xế 15 triệu đồng và đề xuất để UBND TP ra quyết định xử phạt doanh nghiệp là chủ xe 60 triệu đồng, quả là khó thuyết phục.

Đã tổ chức kiểm điểm

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đại Đồng, đội phó đội tham mưu, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, khi trả lời về sai sót của tổ công tác trong việc lập biên bản vi phạm hành chính.

Theo ông Đồng, người đứng tên đăng ký chủ sở hữu phương tiện là cá nhân, nhưng phù hiệu được cấp cho doanh nghiệp vận tải nên việc lập biên bản doanh nghiệp là đúng. Việc sửa chữa các biên bản làm thay đổi tỉ lệ phần trăm vi phạm, nội dung điều khoản vi phạm không làm thay đổi bản chất hành vi vi phạm nên ra quyết định xử phạt dựa trên đó là đúng.

Liên quan tới phản ảnh tổ công tác hứa sửa lỗi nhẹ hơn để tài xế mang biên bản tới cho tổ công tác sửa lại, ban đầu ông Đồng không xác nhận, cho rằng tổ công tác đã làm ngay khi lập biên bản. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp nghe tài xế trình bày qua điện thoại việc bị tổ công tác "lừa", ông Đồng nói: "Tôi không có mặt nên không thể kết luận, sẽ kiểm tra và trả lời sau".

Biên bản không có giá trị pháp lý

Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng biên bản vi phạm hành chính phải là một chỉnh thể, được ban hành theo trình tự pháp luật quy định. Chỉnh thể phải đáp ứng đầy đủ cả về nội dung và hình thức, thiếu một trong hai đều được coi là không hợp pháp.

Theo tài liệu, biên bản đã bị chỉnh sửa nội dung, sửa chữa điều khoản vi phạm, mức độ vi phạm. Đặc biệt là có sự bất thường cần được làm rõ khi biên bản giao cho người vi phạm không có tên, chữ ký của người làm chứng và hai thành viên khác trong tổ công tác, trong khi biên bản do cơ quan chức năng giữ, làm căn cứ để ra quyết định xử phạt lại có.

Ngoài ra, chủ sở hữu phương tiện vi phạm - theo hồ sơ là cá nhân, nhưng tổ công tác lại lập biên bản với pháp nhân, tức xác định sai chủ thể vi phạm, cũng là trái quy định pháp luật.

Từ các dẫn chứng nêu trên, có thể khẳng định biên bản vi phạm hành chính mà tổ công tác lập là không có giá trị, cần phải hủy biên bản này và đương nhiên quyết định xử phạt cũng không có giá trị.

BÀ LÊ THỊ THANH THÙY, (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, người đại diện theo ủy quyền
của chủ xe) - GIA MINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên