20/07/2017 09:30 GMT+7

Đêm khát vọng hòa bình từ Trường Sơn

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Gần 200 ca sĩ, diễn viên (trong đó có 100 sinh viên, học sinh) cùng 25 tấn đạo cụ, âm thanh - ánh sáng đã sẵn sàng cho đêm nghệ thuật Câu chuyện hòa bình số 5 - Khát vọng hòa bình tối 20-7.

Sinh viên các trường tại tỉnh Quảng Trị tập dượt, chuẩn bị cho đêm nghệ thuật Câu chuyện hòa bình 5 diễn ra đêm nay 20-7 tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: Quang Định

So với 4 lần trước, Câu chuyện hòa bình số 5 có phần nghi lễ đặc biệt nhất trước khi đêm nghệ thuật chính thức diễn ra.

Từ 18h, đoàn đại biểu và các nghệ sĩ sẽ cùng nhau thắp nến tại tất cả các phần mộ ở nghĩa trang.

Ban tổ chức sẽ cùng nhau thỉnh chín tiếng chuông cẩn báo với các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang và dâng hương, dâng hoa, viếng hương hồn các liệt sĩ trước khi bước vào chương trình nghệ thuật.

Ca sĩ vẫn hát dưới mưa nếu thời tiết xấu

Để có được một chương trình dự kiến diễn ra trong ba giờ với 18 tiết mục được dàn dựng công phu, các nghệ sĩ đã tập dượt suốt một tuần qua.

Cực nhất là nhóm múa với 30 thành viên tập luyện ngày đêm cho hầu hết các tiết mục trong đêm diễn.

Biên đạo múa Tấn Lộc, người đồng hành cùng Câu chuyện hòa bình số 4 và 5, cho hay: “Vì sân khấu lần này là sân khấu mở trong không gian rộng lớn ở quảng trường của nghĩa trang Trường Sơn nên tôi phải nhờ đến hai vũ đoàn là Arabesque và Hoàng Thông cùng tham gia.

Số lượng đông không chỉ để dàn trải cho hết không gian mà còn vì đây là những ca khúc, tiết mục rất cần tính đồng đội như khi các anh đang hành quân.

Không chỉ đưa ra các bài múa, tiết mục phù hợp, chúng tôi còn cùng nhau xem lại những trang sử, tư liệu về các anh hùng liệt sĩ, về nghĩa trang Trường Sơn để các diễn viên thêm thấu hiểu và có những phần trình diễn xuất thần nhất”.

Đạo diễn Cao Trung Hiếu tiết lộ về sân khấu và những ý tưởng anh đã ấp ủ:

“Chúng tôi tận dụng luôn cả những bậc tam cấp dẫn đến khu vực dâng hương để làm sân khấu. Như vậy, sân khấu sẽ vô cùng rộng lớn, thoáng đạt với 50m chiều ngang và 26m chiều sâu.

Bốn bức tượng liệt sĩ tại quảng trường sẽ được dùng như những đạo cụ trang trí sân khấu và chen giữa bốn bức tượng đó là năm màn hình LED cho phép khán giả dù ngồi ở xa hay gần, chính diện hay bên rìa đều có thể theo dõi một cách dễ dàng nhất.

Ngoài ra chúng tôi cũng dùng hệ thống máy chiếu mapping để trình chiếu những khung cảnh cần thiết lên những bậc tam cấp được sử dụng như một phong nền giả của sân khấu”.

Trong khi đó, anh Võ Đỗ Minh Hoàng - giám đốc sản xuất chương trình - cho biết sau một tuần tập dượt tại TP.HCM, các nghệ sĩ đã ráp chương trình tại sân khấu chính thức trong suốt ngày 19-7.

“Những ngày này, khách khắp nơi đổ về thăm viếng nghĩa trang rất đông nhưng chúng tôi vẫn chạy chương trình và nhận được sự cảm thông, giúp đỡ rất lớn từ du khách lẫn ban quản lý nghĩa trang”.

“Trong trường hợp thời tiết xấu vào đêm diễn, chúng tôi đã chuẩn bị hơn 1.000 áo mưa và những chiếc dù to cho khán giả.

Còn ca sĩ và các diễn viên quyết định vẫn sẽ trình diễn dưới mưa nếu thời tiết không thuận lợi bởi ai cũng mong muốn giữ được quang cảnh đẹp, linh thiêng cho nghĩa trang, quyết không dựng sân khấu và căng dù, bạt” - anh Minh Hoàng nói.

Nhóm múa tập luyện chuẩn bị cho chương trình - Ảnh: Quang Định

Báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên cùng phát trực tuyến

Chương trình nghệ thuật Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình số 5, chủ đề Khát vọng hòa bình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Viet Vision sản xuất cùng sự đồng hành của Tập đoàn Novaland nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh QRTV của Đài PT-TH Quảng Trị, kênh ĐNRTV2 của Đài PT-TH Đồng Nai, kênh HTV1 của Đài truyền hình TP.HCM và phát sóng lại trên kênh VTV6 của Đài truyền hình Việt Nam.

Ngoài ra, chương trình sẽ được phát trực tuyến trên tuoitre.vn và tv.tuoitre.vn. Lần đầu tiên, báo Thanh Niên cũng sẽ đồng hành cùng Tuổi Trẻ để trực tuyến chương trình tại trang thanhnien.vn.

Mỗi tiết mục là một nguyện ước

Cũng như mọi lần, tất cả nghệ sĩ khi tham gia Câu chuyện hòa bình đều sẽ khoác lên mình màu áo trắng.

Hình ảnh tà áo dài trắng, áo sơmi trắng đã được các nghệ sĩ cùng nhau ghi lại thành một bộ ảnh tuyệt đẹp để quảng bá cho Câu chuyện hòa bình trên trang cá nhân của mình với những nguyện ước hòa bình.

Ngoài những tiết mục hát đơn được lựa chọn và trau chuốt kỹ lưỡng như: Những bông hoa trên tuyến lửa (thể hiện: Dương Hoàng Yến), Hát về anh (Phương Linh), Vết chân tròn trên cát (Hoàng Quyên), Ngọn lửa tuổi 20 (Đông Nhi), Người lính già và hoa hồng thắm (Hà Anh Tuấn), Huyền thoại Mẹ (Hồng Nhung), Người mẹ của tôi (Tấn Minh), Màu hoa đỏ (Thanh Lam), chương trình cũng sẽ mang đến những kết hợp khiến người xem xao xuyến con tim.

Đó sẽ là câu chuyện kể của nhạc sĩ Trương Quý Hải về chiến tranh biên giới Hà Giang và những đồng đội của mình trước khi dẫn vào tiết mục Về đây đồng đội ơi của chính tác giả và ca sĩ Đông Hùng.

Đó là Đường tôi đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối) qua phần trình bày của tốp ca nữ hay Tình yêu hòa bình (Hồ Hoài Anh - Cao Trung Hiếu) của tốp ca nam.

Và dù Linh thiêng Việt Nam là tiết mục hoành tráng nhất với gần 200 người trên sân khấu nhưng hai tiết mục Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Phạm Tiến Duật) và Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu) với phần thể hiện của đội văn nghệ cựu chiến binh Quảng Trị có thể sẽ để lại nhiều cảm xúc cho chính người hát lẫn khán giả.

Ông Minh Nghĩa - Hội cựu chiến binh, tham gia trình diễn trong chương trình - bồi hồi: “10 thành viên trong đội văn nghệ cựu chiến binh Quảng Trị chúng tôi đã dành khoảng 10 ngày qua để tập luyện cho hai tiết mục trong chương trình - bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn TâyCuộc đời vẫn đẹp sao.

Chúng tôi mỗi người mỗi nơi, tuổi cũng đã lớn rồi nhưng mỗi khi nghe có cơ hội được hát cho các đồng đội đã hi sinh đều nhiệt tình tham gia. Những ngày qua dù mưa bão nhưng chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, cảm xúc dâng trào khi cùng nhau tập luyện".

Những chứng nhân đặc biệt

Cô Hà Thị Khánh cùng đồng đội là những cựu binh Trường Sơn vừa hát cho đồng đội nghe vừa khóc nức nở - Ảnh: QUỐC NAM

Chiều 19-7, ông Vũ Trọng Kim - chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam - đã dẫn đầu đoàn công tác của hội về nguồn tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Dừng lại xem các hoạt động chuẩn bị cho Câu chuyện hòa bình số 5, ông xúc động bày tỏ: "Câu chuyện hòa bình là hoạt động rất có ý nghĩa mà báo Tuổi Trẻ kết hợp với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thực hiện trong nhiều năm qua.

Ở lần tổ chức thứ năm này, tôi thấy các bạn đã có sáng kiến rất hay trong việc chọn chủ đề là “Khát vọng hòa bình”, cũng như địa điểm tổ chức để tri ân các liệt sĩ và gia đình đồng bào đã chịu nhiều mất mát, hi sinh.

Báo cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thiết thực như trao học bổng cho con em gia đình liệt sĩ, kèm theo đó là việc thăm hỏi, tặng quà các thương bệnh binh, gia đình chính sách... Những việc làm đó đã cổ vũ tinh thần cho giới trẻ hôm nay".

Chiều cùng ngày, ông Hồ Tất Ái - trưởng ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) - chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng ông đã làm việc ở nghĩa trang mấy chục năm qua, cũng từng phối hợp làm rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn tại đây, nhưng lần này vẫn có cảm giác rất xúc động.

Ông Ái nói chọn nơi đây làm chương trình là một ý tưởng hay. Hơn 10.000 liệt sĩ sẽ là chứng nhân cho một câu chuyện hòa bình.

TẤN ĐỨC - QUỐC NAM

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên