19/04/2024 18:55 GMT+7

USD ‘hạ nhiệt’, chứng khoán sẽ ra sao sau khi rơi 120 điểm?

Chuyên gia cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước bán USD sẽ có tác động ngay về mặt tâm lý với thị trường chứng khoán. Còn tác động cụ thể ra sao vẫn cần phải theo dõi quy mô và hình thức bán USD để từ đó đánh giá...

Ngân hàng Nhà nước đã bán USD can thiệp tỉ giá - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngân hàng Nhà nước đã bán USD can thiệp tỉ giá - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dữ liệu biến động VN-Index vài năm gần đây cho thấy mỗi khi tỉ giá tăng vượt quá 2%, thị trường chứng khoán có những phản ứng nhất định với nhịp điều chỉnh.

Bán USD can thiệp tỉ giá, cần thời gian quan sát hiệu quả 

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, tỉ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước nâng từ 23.848 đồng/USD lên 24.260 đồng ngày 19-4, tức tăng hơn 1,7%.

Tại Vietcombank, giá bán USD hôm nay đã lên 25.473 đồng, tương ứng mức mất giá 4,3% so với đầu năm, với nhiều phiên kịch trần theo quy định.

Để hạ nhiệt tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước hôm nay thông báo đã bắt đầu bán USD cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm giá 25.450 đồng, thấp hơn mức trần 23 đồng.

Phía Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây là biện pháp can thiệp rất mạnh mẽ, đảm bảo giải tỏa tâm lý trên thị trường, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số chuyên gia cho rằng việc thông tin bán USD sẽ có tác động ngay về mặt tâm lý với thị trường chứng khoán. Động thái này phát tín hiệu cơ quan quản lý có công cụ để can thiệp khi cần thiết.

"Tác động thực tế ra sao thì cần thời gian để kiểm chứng. Nhà đầu tư có thể theo dõi chuyển biến trên thị trường ngoại hối để có đánh giá", bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc phân tích Chứng khoán MB (MBS) - nói với Tuổi Trẻ Online.

Theo bà Hiền, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm, nhưng quy mô bao nhiêu chưa được tiết lộ.

Song, bà dự đoán với dự trữ ngoại hối trên 100 tỉ USD, mức can thiệp có thể hơn 5 tỉ USD. Bởi dự trữ ngoại hối khi về dưới tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 3 tháng sẽ gây lo ngại hơn.

Vị chuyên gia MBS cũng cho rằng thị trường chứng khoán đang giai đoạn "nhạy cảm" thông tin sau một thời gian tăng dài. Không chỉ vấn đề từ tỉ giá, mà còn tác động từ tin đồn, diễn biến căng thẳng Trung Đông…

Tuy nhiên khi thị trường được điều chỉnh về mức định giá hợp lý, dòng tiền mới sẽ vào, bà Hiền dự báo. 

Khi nào chứng khoán mới cần lo tỉ giá?

Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup - cũng nêu quan điểm thị trường chứng khoán giảm mạnh không phải hoàn toàn do tỉ giá. Yếu tố này chỉ là cộng hưởng về tâm lý và là áp lực chính làm đảo chiều sự kỳ vọng của nhà đầu tư trung hạn.

Quá nhiều thứ để "thúc" chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn sau một giai đoạn tăng "vượt trên kỳ vọng" gần 5 tháng qua, tỉ giá nhiều khi chỉ là "cái cớ"...

Nếu tỉ giá tăng 3-5%, thậm chí hơn nhưng nằm trong vùng mục tiêu Ngân hàng Nhà nước cam kết thì "chẳng tác động nhiều tới chứng khoán".

Vì lúc này Ngân hàng Nhà nước sẽ không có hành động can thiệp gì gây ảnh hưởng đến lãi suất hay thanh khoản hệ thống tài chính. Đó chính là lý do tại sao tỉ giá tăng từ đầu năm, nhưng VN-Index giai đoạn này cũng vẫn tăng tốt.

Còn khi tỉ giá chạm vào vùng cơ quan quản lý phải can thiệp, lúc này sẽ có nhiều công cụ và tùy vào việc dùng công cụ nào, mức độ tác động đến thị trường chứng khoán sẽ khác nhau.

Với động thái bán USD để can thiệp, vị chuyên gia cho biết có hai hình thức là bán giao ngay hoặc bán kỳ hạn. Nếu bán giao ngay thì USD sẽ được cung ra thị trường luôn để xoa dịu tỉ giá, nhưng VND sẽ bị hút về và làm thị trường tài chính ít tiền hơn.

"Chứng khoán dĩ nhiên sẽ bị tác động mạnh nếu điều này xảy ra", ông Báu nói. Còn với việc bán kỳ hạn, mọi thứ sẽ "ít áp lực" hơn vì VND sẽ bị hút về trong tương lai và đôi khi thì hợp đồng vẫn có thể hủy ngang.

Vậy nên ông Báu cho rằng vẫn cần phải theo dõi quy mô và hình thức bán, để từ đó đánh giá tác động.

VN-Index đã "rơi" gần 120 điểm từ đỉnh, mất thành quả 3 tháng

VN-Index sau 4 phiên giảm liên tiếp (từ 15 đến 19-4), đã mất hơn 102 điểm, đánh mất thành quả tăng điểm sau gần 3 tháng, về mốc 1.179 điểm thời điểm cuối tháng 1-2024.

Nếu tính từ vùng đỉnh đã thiết lập hôm 28-3 (1.293 điểm), chỉ số đại diện cho thị trường Việt Nam đã bị "thổi bay" gần 120 điểm.

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC - cho rằng thị trường chứng khoán phản ứng ra sao trước thông tin bán USD sẽ rõ nét hơn vào các phiên tuần sau.

Riêng với phiên hôm nay, vị chuyên gia quan sát thị trường đã vào vùng "quá bán". Nhiều nhà đầu tư bán trong trạng thái "hoảng loạn" và không quan tâm quá nhiều thông tin.

Thị trường đã "rơi" về vùng hỗ trợ quan trọng, ông Huy kỳ vọng tuần sau chỉ số có thể bứt phá lên vùng 1.180.

Trong khi bất ổn chính trị tại Trung Đông cũng khiến cho các thị trường chứng khoán châu Á phải trải qua những phiên giao dịch biến động mạnh, không riêng Việt Nam.

Hôm nay, chỉ số TWSE (-3,81%), NIKKEI 225 (-2,66%) giảm sâu nhất khu vực trong khi SET (-1,95%), KOSPI (-1,63%) quay đầu giảm trên 1%.
Từ hôm nay Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ để hạ nhiệt sốt giá USDTừ hôm nay Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ để hạ nhiệt sốt giá USD

Từ hôm nay, 19-4, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ để can thiệp thị trường theo hình thức giao ngay vào các ngày làm việc trong tuần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên