09/10/2022 09:57 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhân sự, đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù cho TP.HCM

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP.HCM.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhân sự, đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù cho TP.HCM - Ảnh 1.

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: PHẠM THẮNG

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có thông báo về nội dung phiên họp thứ 16 sẽ khai mạc vào ngày 10-10.

Cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội

Một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự.

Cuối chiều 10-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trình bày các tờ trình về công tác nhân sự. Trưởng Ban Công tác đại biểu trình bày văn bản liên quan. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Đây cũng là bước chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 tới.

Hiện có Bộ Y tế và Kiểm toán Nhà nước chưa có bộ trưởng, trưởng ngành chính thức nên dự kiến sẽ được Quốc hội bầu, phê chuẩn vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội tới đây.

Với Bộ Y tế hiện bà Đào Hồng Lan đang giữ chức quyền bộ trưởng. Bà Lan được Bộ Chính trị phân công làm bí thư Ban Cán sự Đảng và Thủ tướng giao quyền bộ trưởng Bộ Y tế từ ngày 15-7.

Với Kiểm toán Nhà nước, sau khi ông Trần Sỹ Thanh được điều động, phân công, bầu làm chủ tịch Hà Nội, Bộ Chính trị đã chỉ định ông Ngô Văn Tuấn giữ chức bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Tuấn làm phó tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách cơ quan này từ ngày 24-7.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước đó cũng cho biết đã có chủ trương đồng ý làm quy trình giới thiệu ông Ngô Văn Tuấn để Quốc hội bầu giữ chức tổng Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ 4.

Một số nội dung khác liên quan đến công tác nhân sự cũng được Ủy ban Thường vụ đưa ra tại phiên họp này.

Đó là sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHXHCN Việt Nam.

Cho ý kiến hoàn thiện cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Bên cạnh nội dung về nhân sự, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Trong đó, Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4; cho ý kiến về các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Cho ý kiến về kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện.

Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 nghị quyết số 30/2021 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023…

Cùng với đó, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá cũng được đưa ra lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp này.

Đồng thời tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP.HCM.

Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết số 115/2020 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. 

Hai nội dung này sẽ được tiến hành thảo luận vào sáng thứ tư, ngày 12-10.

Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT; chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục cơ chế đặc thù đến hết năm 2023 Kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục cơ chế đặc thù đến hết năm 2023

TTO - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký tờ trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết 54 đến hết năm 2023 thay vì cuối năm nay 2022.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên