25/01/2022 18:13 GMT+7

Vẫn tranh cãi việc tách Luật giao thông đường bộ, để cơ quan nào quản lý dạy lái xe

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Hội nghị về dự thảo Luật giao thông đường bộ ngày 25-1 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của sở giao thông vận tải 63 tỉnh, thành phố, 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe.

Vẫn tranh cãi việc tách Luật giao thông đường bộ, để cơ quan nào quản lý dạy lái xe - Ảnh 1.

Sát hạch lái xe tại TP.HCM - Ảnh: CHẾ THÂN

Tách luật, chuyển cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch lái xe có lợi cho xã hội

Ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đơn vị liên quan do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc tách Luật giao thông đường bộ thành Luật đường bộ và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - nhấn mạnh Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn; chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh an toàn giao thông như người, phương tiện và quy tắc giao thông...

Còn Luật đường bộ có mục tiêu cơ bản là phát triển hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ.

Về quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, ông Bình cho biết: "Trong dự thảo của Bộ Công an trình lên Chính phủ, chúng tôi chưa bao giờ nói xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng mà nói rõ xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này".

Theo ông Bình, việc tách luật riêng để giao cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm. "Tai nạn xảy ra do người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm. Nếu tai nạn xảy ra do đường, do biển báo thì bên quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm. Làm như thế thì lợi cho xã hội, cho dân chứ chúng tôi không có lợi ích gì", ông Bình lý giải thêm rằng sau khi Quốc hội ban hành luật, việc giao bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc về thẩm quyền của Chính phủ.

Tách luật sẽ rối hơn

Ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng chủ trương của Đảng, Nhà nước đều nói công tác đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, mọi cấp, mọi ngành. Việc quản lý hạ tầng giao thông, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, biển báo, đăng kiểm, vận tải… đều có mục đích đảm bảo an toàn giao thông. Các nội dung này đều lồng vào nhau không thể tách rời.

Vẫn tranh cãi việc tách Luật giao thông đường bộ, để cơ quan nào quản lý dạy lái xe - Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội nghị tại Tổng cục Đường bộ - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Ông Quyền cho rằng các quy định về quản lý, luật pháp là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là thực thi pháp luật một cách nghiêm minh với nguyên tắc mọi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời.

Ông dẫn chứng người Việt Nam ra nước ngoài tuân thủ nghiêm túc quy tắc giao thông nhưng về Việt Nam lại vi phạm. Nguyên nhân là xử lý không nghiêm. Muốn xử lý nghiêm minh cần áp dụng công nghệ, gắn camera ghi hình, hoàn thiện quy định xử phạt. 

"Bây giờ nếu chỉ tách luật, tôi nghĩ sẽ rối hơn. Quan điểm của tôi là không nên tách mà trong luật nên có sự phân công rõ ràng, áp dụng công nghệ để giải quyết vấn đề", ông Quyền bày tỏ.

Về đào tạo, sát hạch lái xe, theo ông Quyền từ năm 1995, Chính phủ chuyển giao nhiệm vụ này từ ngành công an sang ngành giao thông. Đến nay, công tác này có bước tiến rất dài, chương trình đào tạo tiếp cận các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hầu hết các nước công nhận bằng lái xe lẫn nhau với Việt Nam.

"Quan điểm của tôi là không nên chuyển việc đào tạo, sát hạch lái xe", ông Quyền bày tỏ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện đề nghị các sở giao thông vận tải lấy ý kiến thăm dò bằng phiếu kín về các điều khoản mới của Luật đường bộ; tách Luật giao thông đường bộ; thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.

Tuy nhiên, đại tá Đỗ Thanh Bình đề nghị tính toán lại việc này. Theo ông Bình, nội dung đào tạo, sát hạch lái xe đã có trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Chính phủ nói phải đánh giá chứ không nói bây giờ lấy ý kiến. Lấy ý kiến chính thức mà không có sự thống nhất giữa 2 bộ trưởng thì cần tính toán.

Ông Huyện giải thích việc thực hiện thăm dò là theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. "Thẩm quyền này ảnh hưởng trực tiếp đến các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Quyền quyết định vẫn là Chính phủ nhưng phải đảm bảo dân chủ, công khai đối tượng liên quan, người dân chứ chúng tôi không có vấn đề gì đâu", ông Huyện nói.

302 đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ 302 đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ

TTO - Đa số đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến không tán thành việc ''tách'' dự án luật Luật giao thông đường bộ hiện hành thành Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên