24/10/2019 09:17 GMT+7

Vẫn tranh luận kịch liệt về giờ làm thêm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Có đại biểu đã rớt nước mắt khi phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) ngày 23-10. Những quan điểm trái chiều về giờ lao động, khung giờ làm thêm đã được tranh luận quyết liệt.

Vẫn tranh luận kịch liệt về giờ làm thêm - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH cơ điện Minh Khoa, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy phiếu thăm dò đại biểu Quốc hội về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, trước khi trình Quốc hội thông qua dự thảo luật này vào cuối kỳ họp.

Công nhân "muốn" hay "phải" làm thêm giờ?

"Làm thêm giờ là cực chẳng đã đối với các doanh nghiệp, nhưng cũng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế đã xác nhận 99% các hợp đồng lao động ngoài giờ ở nước ta là có sự thỏa thuận tự nguyện của cả hai bên" - đại biểu Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI) nêu.

Ông Lộc ủng hộ phương án "nới" khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm đối với một số ngành nghề đặc biệt, theo nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, như phương án được Chính phủ đề xuất.

Ông Lộc cho rằng: "Chủ doanh nghiệp và người lao động đang trên cùng một con thuyền, hãy tin tưởng quyền tự quyết của họ và sức sống của thị trường lao động nước ta".

Theo thông tin đại biểu Lộc cung cấp, hiện tổng số thời gian làm thêm của doanh nghiệp VN đang bị hạn chế ở mức 200 đến 300 giờ/năm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động như Bangladesh 408 giờ, Trung Quốc 432 giờ, Hàn Quốc 624 giờ, Indonesia 728 giờ...

Hơn nữa, thời gian làm thêm theo quy định hiện hành không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành nghề đặc thù. Ví dụ, trong chế biến thủy sản, như ngành chế biến tôm đặc thù là nguồn cung nguyên liệu chỉ tập trung 3-5 tháng trong năm. Đây là khoảng thời gian để các doanh nghiệp chế biến cần làm thêm giờ nhằm thu mua hết sản phẩm của bà con nông dân.

"Chuỗi giá trị của ngành thủy sản không chỉ liên quan đến 9 vạn lao động trực tiếp của các doanh nghiệp chế biến mà còn liên quan đến công ăn việc làm của gần 5 triệu lao động toàn ngành. Việc không nới rộng thời gian làm thêm của doanh nghiệp chế biến sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại những vùng còn rất nghèo của đất nước" - đại biểu Lộc phân tích.

Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) lên tiếng phản đối quan điểm duy trì quy định giờ làm việc bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm.

Bà nói: "Tôi không biết đại biểu Vũ Tiến Lộc nghe từ đâu để nói rằng quy định này, chính sách này trong Bộ luật lao động nếu Quốc hội thông qua sẽ hợp lý nhân văn và tự nguyện. Nếu nói rằng nghe từ người lao động mà nói tự nguyện, tôi lấy làm lạ.

Tôi thật sự bất ngờ với nhận định này của đại biểu Vũ Tiến Lộc, bởi vì tôi nghe rất nhiều công nhân và những người làm công tác công đoàn nói rằng người công nhân không muốn làm thêm giờ, mặc dù trên thực tế họ cần làm thêm giờ".

Trong khi phát biểu, đại biểu Quyết Tâm đã nghẹn ngào và rơi nước mắt ở phòng họp Diên Hồng. "Chúng ta hãy nhìn thực tế vào người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc, nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ phải gửi các em về quê. Họ phải đi tìm việc làm, mà nói rằng họ tự nguyện để làm quần quật suốt ngày" - bà nói.

Đại biểu Quyết Tâm cho rằng trách nhiệm của Quốc hội là "phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống".

Không đối lập với hai ý kiến nêu trên, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) nhìn nhận: "Tôi thấy rằng có những người lao động không muốn làm thêm, nhưng ngược lại có những người lao động vẫn có quyền và nhu cầu để làm thêm.

Tôi nghĩ rằng vấn đề này chúng ta phải nhìn nhận theo khía cạnh đa chiều hơn. Về chiều của người lao động, chiều của doanh nghiệp, chiều của nền kinh tế và chiều của các chính sách an sinh xã hội cũng giống như chiều của các vấn đề hội nhập quốc tế mà chúng ta đã ký cam kết".

Ở chiều trải nghiệm thực tế "là một đại biểu với gần 10 năm làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) khẳng định hiện nay tình trạng vi phạm về thời gian làm thêm giờ còn khá phổ biến.

"Thực tế cho thấy mặc dù quy định pháp luật là tự nguyện và thỏa thuận nhưng nếu người lao động không chấp hành yêu cầu của doanh nghiệp thì sẽ phải đối diện với nguy cơ chấm dứt hợp đồng làm việc, bị khấu trừ các khoản phụ cấp chuyên cần, khen thưởng vào cuối năm" - bà Thường nói.

Đại biểu Thường tha thiết: "Tôi đã chứng kiến đời sống của công nhân lao động vất vả, khó nhọc, từ những bữa ăn sáng vội vàng để sau đó với trung bình 10 giờ đến 12 giờ/ngày trong hàng rào nhà máy, không biết tới cuộc sống bên ngoài, trở về nhà nhiều khi con không gặp mẹ vì đã say giấc ngủ.

Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt quá nhiều gánh nặng tăng trưởng kinh tế lên đôi vai người lao động, họ là những người công nhân thấp kém trong xã hội. Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hãy quan tâm tới những đối tượng lao động yếu thế này từ những chính sách thiết thực".

Vẫn tranh luận kịch liệt về giờ làm thêm - Ảnh 2.

Sản xuất sợi tại Tổng công ty CP Phong Phú, quận 9, TP.HCM với nguyên liệu bông được nhập khẩu từ Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Làm hơn 40 giờ/tuần năng suất không tăng"

Đến từ một địa phương tập trung đông công nhân, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) "đề nghị Bộ luật lao động (sửa đổi) lần này cần quy định giảm thời gian làm việc bình thường trong tuần từ 48 giờ xuống không quá 44 giờ".

Bà cho biết: "Giảm giờ làm đang là xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, là xu hướng tiến bộ đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, giá trị sản phẩm tăng lên".

Đại biểu Bích Hạnh cho rằng: "Giảm giờ làm trong tuần không chỉ đảm bảo cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc và gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bình đẳng với khu vực nhà nước (hiện đang làm việc 40 giờ/tuần)".

Không nghĩ như vậy, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng: "Việc giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ là chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Năng suất lao động Việt Nam hiện nay vẫn đang ở thứ hạng thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, những quốc gia như Thái Lan, Philippines, Malaysia vẫn đang duy trì giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ trong một tuần".

Theo phân tích của đại biểu Thanh Mai, nếu cắt giảm thời giờ làm việc bình thường, các doanh nghiệp sẽ phải bố trí thêm giờ làm hoặc tuyển dụng thêm nhân lực để bù đắp cho phần sản lượng giảm đi. Do đó, chi phí sản xuất và nhân công sẽ tăng, kéo theo giá thành sản xuất của sản phẩm cũng tăng, các doanh nghiệp nếu không chịu được áp lực sẽ phải thu hẹp sản xuất, các doanh nghiệp FDI chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn.

Trình bày trước Quốc hội như một chuyên gia về lao động và nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (bí thư Thành ủy TP.HCM) phân tích: "Cách đây 130 năm, một doanh nghiệp nổi tiếng là Herry Ford, làm xe hơi của Mỹ, cũng thực hiện chế độ 1 ngày 8 tiếng, nhưng 6 ngày mỗi tuần.

Sau đó, ông ấy làm thí nghiệm, 1 ngày 8 tiếng nhưng tuần 5 ngày thì năng suất không giảm mà vẫn tăng. Người ta cũng đã chứng minh từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng.

Muốn tăng năng suất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ, chứ tăng giờ làm thì sẽ giảm năng suất lao động, điều đó ai cũng thấy. Mục tiêu của đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm".

Vẫn theo đại biểu Thiện Nhân, ở các nước không có luật lao động nào tách riêng quy định công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ. Từ năm 2000 đến nay, xu hướng quốc tế quy định giờ làm bình thường trong tuần còn giảm xuống dưới 40 giờ, trong 36-38 nước trong tổ chức kinh tế thế giới hiện chỉ còn 2 nước trên 40 giờ là Mexico 48 giờ/tuần và Hàn Quốc 43 giờ/tuần, trong khi Chile 37 giờ, Pháp 38 giờ...

"Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần có lộ trình để giảm 48 giờ xuống 40 giờ/tuần trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ, sau đó đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần" - ông Nhân bày tỏ.

Vẫn tranh luận kịch liệt về giờ làm thêm - Ảnh 3.

Tỉ lệ ý kiến của độc giả Tuổi Trẻ Online sau 24 giờ thăm dò về khả năng tăng tổng số giờ làm thêm - Nguồn: TTO

Đồng ý thêm một ngày nghỉ lễ, tăng tuổi hưu

Khác với các quy định về thời giờ làm việc bình thường, khung giờ làm thêm, việc đề nghị có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận (sau khi Chính phủ đã rút đề nghị lấy Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 hằng năm làm ngày nghỉ lễ).

"Số ngày nghỉ lễ tết trong năm của chúng ta hiện còn ở mức thấp so với trong khu vực. Tôi cho rằng nếu được Quốc hội đồng thuận thông qua thêm một ngày nghỉ lễ thì đây là một trong những điểm tiến bộ nổi bật của lần sửa đổi này. Để bảo đảm ý nghĩa thực sự của ngày nghỉ lễ trên toàn quốc, áp dụng với mọi giai tầng xã hội, tôi tán thành đề xuất lấy ngày 28-6 - Ngày gia đình Việt Nam" - đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị.

Đồng ý tăng tuổi hưu cũng là vấn đề đạt được sự nhất trí của đa số ý kiến phát biểu. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đồng ý tuổi hưu trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam (đến năm 2028) và 60 tuổi đối với nữ (năm 2035) như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy vậy, ông Sơn đề nghị thêm: cần có quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ trước tuổi hoặc sau tuổi không phải như trong dự thảo luật là 5 năm mà cần nâng lên 10 năm. "Có khoảng rộng như vậy để xem xét đến những người lao động ở môi trường nặng nhọc, độc hại, vẫn có thể nghỉ hưu ở tuổi 50, 52" - ông Sơn nêu quan điểm.

Pháp luật và khẩu hiệu

Sau phần tranh luận kịch liệt của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương lên tiếng bình luận rằng: "Tôi thấy quan điểm của đại biểu Tâm rất có cơ sở khoa học, rất thuyết phục và ý kiến của đại biểu Lộc cũng rất có cơ sở khoa học, rất thuyết phục".

Các quan điểm khác nhau là khác ở góc nhìn.

"Tăng lương, giảm giờ làm". Đó là khẩu hiệu đấu tranh của các phong trào công nhân quốc tế, như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng "từ thời Karl Marx, người ta làm 10-16 tiếng/ngày". Thế nên, đấu tranh đã nổ ra, "tiêu biểu là 1-5-1886 biểu tình ở Chicago, công nhân đòi ngày làm việc 8 tiếng".

Hàng trăm năm qua đi, khẩu hiệu "ngày làm 8 tiếng" đã trở thành quy định trong pháp luật của đa số quốc gia trên thế giới. Riêng có quy định về khung giờ làm thêm và số ngày làm việc trong tuần thì vẫn còn tồn tại khác biệt, như các đại biểu Quốc hội đã nêu trong cuộc tranh luận.

Một số ý kiến khẳng định người lao động lên tiếng rằng "chúng tôi cần nghỉ ngơi", nhưng một số ý kiến khác cũng dẫn chứng là "chúng tôi cần làm việc". Đây đều là những thực tế sinh động diễn ra trong cuộc sống. Ai cũng muốn "tăng lương, giảm giờ làm" nhưng điều này lại phụ thuộc chính vào "sức khỏe" của nền kinh tế, quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động.

"Đói thì đầu gối cũng phải bò" - ông bà ta từng nói như vậy. Cũng có những thời điểm đặc biệt trong lịch sử, chúng ta kêu gọi "mỗi người làm việc bằng hai" để bảo vệ Tổ quốc của mình.

Chính vì vậy, cần những dữ liệu phân tích đầy đủ hơn, lý tính hơn, để các nhà lập pháp đưa ra quyết định cuối cùng, để những khẩu hiệu tốt trở thành quy định khả thi của pháp luật, và cũng tránh tình trạng pháp luật trở thành khẩu hiệu. (LÊ KIÊN)

Thăm dò ý kiến

Có nên mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm so với 300 giờ như hiện hành?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm rơi nước mắt nói về lương và giờ làm thêm của công nhân Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm rơi nước mắt nói về lương và giờ làm thêm của công nhân

TTO - Sáng 23-10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) bấm nút tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) về quan điểm tăng giờ làm thêm. Bà Tâm đã không kìm được nước mắt khi phát biểu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên