Vay nóng giăng bẫy công nhân

TÂM LÊ - A LỘC 12/08/2022 06:42 GMT+7

TTCT - Các tổ chức, cá nhân cho vay nóng quảng cáo cho vay trên trang mạng của các khu công nghiệp (KCN) luôn dùng lời hoa mỹ, khẳng định không lừa đảo, không gọi điện người thân.

Vay nóng giăng bẫy công nhân - Ảnh 1.

Tờ rao cho vay tiền dán ở vách con hẻm thuộc khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai - nơi tập trung đông công nhân sinh sống. Ảnh: A LỘC.


Nhưng khi công nhân rơi vào bẫy nợ lập tức bị dọa, gọi đến lãnh đạo công ty, dồn con nợ đến bước đường cùng.

Giăng bẫy

Một buổi sáng, trên trang chủ của KCN Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) không còn những tin tức về tuyển dụng, đời sống công nhân, buôn bán như thường lệ. Các nhóm cho vay nóng đã chiếm được trang này, liên tục đăng tin cho "vay nhanh, gọi là có tiền".

"Cho vay tiền mặt lãi suất thấp, nhắn tin Zalo, số 0352 xxx". Một nick rao đầy hấp dẫn: "Hỗ trợ vay nhanh không gọi người thân, chỉ có tại shi xx. Khoản vay từ 20-300 triệu, lãi suất 0,8-1,8%/tháng. 

Thủ tục đơn giản, xử lý nhanh chóng. Lãi suất thấp, bảo mật 100%, vay rồi có thể vay thêm nữa" kèm bảng thông tin vay tiền, số tiền vay, số lãi tính theo 12, 24, 36, 48 tháng.

Không chỉ đăng tin công khai, các nick còn đăng cho vay ở phần bình luận dưới những thông báo tuyển dụng, làm đẹp, bán hàng, cho thuê nhà trọ. Lượng thông tin cho vay nhiều tới mức công nhân bấm vào xem tin tức đâu đâu cũng thấy địa chỉ vay nóng. 

Trên trang mạng xã hội của KCN Đình Trám, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng (tỉnh Bắc Giang), Yên Phong, Quế Võ, VSIP (tỉnh Bắc Ninh), KCN Đại An, Phú Điền, Tân Trường (tỉnh Hải Dương), KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) đều có tình trạng đăng tin cho vay nhanh, vay nóng như vậy.

"Suốt ngày họ nhắn tin, gọi điện mời chào, gọi còn nhiều hơn cả người thân mình. Họ dùng sim rác, không chặn số được. Trên Facebook họ gắn cả trăm tên nick vào tin cho vay"- Nguyễn Thị Vân, công nhân KCN Vân Trung, than.

Trong công ty của cô, công nhân nam vay nhiều hơn nữ. "Giờ vay trên app điện thoại nhiều, dễ vay, nhanh nhận được tiền. Tờ rơi, apphich ít dán vì dán sẽ bị gỡ. Chỉ cần nhắn vào app đăng ký, gọi điện thoại là họ sẽ gọi lại hẹn gặp để cho vay ngay", Vân nói.

Và đe dọa

Có cả ngàn lý do khiến công nhân phải đi vay tiền nóng. Nam công nhân thì do chơi bời, lô đề, nhậu nhẹt. Cũng không ít người vì muốn kinh doanh cần ngay một khoản tiền, hoặc con cái ốm đau, người thân đi viện. 

Thủ tục vay lại quá dễ dàng: Chỉ cần bảng lương công ty phát hằng tháng, chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà trọ. Nhưng ngay sau vay là nợ, lãi mẹ nhanh chóng đẻ lãi con, khoản tiền vay sớm thành cả cục nợ to, tưởng sẽ trả được trong vài tháng nhưng rồi có khi vài năm chưa hết nổi nợ.

Có công nhân không trả được nợ phải bỏ việc hoặc bị đuổi việc vì bên cho vay nặng lãi gọi điện đến văn phòng công ty khủng bố liên tục.

Một công nhân tên là Hoàn kể: năm 2017, một công ty chuyên cho vay cấp cho anh một thẻ tín dụng, hướng dẫn anh sử dụng thẻ này để mua sắm, thanh toán sau theo đúng quy định, trong vòng 45 ngày không phát sinh lãi. 

Thời gian sau, nhân viên công ty này tư vấn anh Hoàn rút tiền mặt với lãi suất ưu đãi và trả góp hằng tháng. Anh đã rút khoảng 35 triệu đồng trong thẻ để chi tiêu, hằng tháng thanh toán đều đặn cho công ty từ 2-2,5 triệu đồng theo tin nhắn thông báo của công ty. 

Suốt gần 3 năm sau đó, anh Hoàn đã đóng cho công ty khoảng 60 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, dù vậy, anh vẫn nhận thông báo dư nợ còn khoảng 20 triệu đồng.

Nghi ngờ về khoản vay, quy định về lãi suất, phí phạt… không đúng quy định nên anh Hoàn ngưng đóng tiền từ tháng 9-2020, yêu cầu công ty cử người phụ trách khoản vay gặp anh để làm rõ. 

Tuy nhiên, công ty này lại chỉ cho nhân viên liên tục gọi điện khủng bố đòi tiền, đe dọa sẽ gọi điện cho những người thân của anh, thậm chí còn lấy được số điện thoại nhiều bạn bè trên Facebook của anh để gọi điện đòi nợ... 

Những số điện thoại đòi nợ đều bị khóa chiều gọi lại. Anh Hoàn đã phải trình báo chính quyền địa phương, công an.

Không chỉ bị gọi điện khủng bố, rất nhiều công nhân trót vay tiền qua app hay tổ chức tín dụng đen còn bị bêu tên, gán ghép ảnh kèm các nội dung sai sự thật lên trang Facebook cá nhân, bạn bè, công ty… để gây sức ép buộc họ trả tiền. Dưới áp lực khủng khiếp này, nhiều người đã phải trả khoản nợ và lãi vay cắt cổ.

Nguyễn Thị Bé, làm ở phòng chất lượng sản xuất của một công ty điện tử tại KCN Tân Trường (Hải Dương) bị số điện thoại cho vay nóng liên tục gọi khủng bố. Ở KCN chị Bé đang làm, 3 năm gần đây tình trạng cho vay nhanh, vay nóng diễn ra ngày càng phức tạp. 

Vay nóng càng dữ dội hơn sau dịch Covid-19, nhiều công nhân cần tiền để chi tiêu cá nhân vì thu nhập giảm mạnh. 

"Ở công ty tôi, công nhân không trả được nên bên cho vay gọi đến văn phòng công ty đòi nợ. Bị làm phiền nhiều đến nỗi công ty phải dán thông báo công nhân nào bị gọi đòi nợ sẽ cho nghỉ việc", chị Bé cho biết.

Theo chị Bé, có trường hợp anh trai cho người em vào công ty giả làm công nhân để mời chào, dụ dỗ cho vay. Có tổ chức, người cho vay thuê những công nhân khác mời mọc đồng nghiệp của mình và cho hưởng phần trăm nếu vay thành công.

Anh T.N.L., cán bộ công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết từng bị người lạ khủng bố bởi công nhân đang làm việc tại công ty anh nợ tiền của các tổ chức tín dụng đen. "Facebook của tôi không có thông tin cá nhân nhưng họ vẫn biết con tôi sinh năm bao nhiêu, tên họ đầy đủ, ở đâu…", anh L. nói.

Anh T. - chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp FDI tại KCN Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - cũng liên tục bị khủng bố trong nhiều tháng qua vì có công nhân vay tiền. 

"Cứ 5 phút họ nhá máy một lần suốt gần một tháng trời. Không chỉ cá nhân tôi mà cả ban chấp hành công đoàn, kế toán trưởng, trưởng phòng nhân sự… cũng bị họ khủng bố liên tục theo cách như vậy", anh T. kể. Anh phải mời công nhân bị đòi nợ lên làm tường trình và làm việc với ngân hàng cho vay. Lúc này, ngân hàng mới thừa nhận là đã "bán nợ" cho công ty chuyên thu hồi nợ. 

"Khi làm việc trực tiếp với bên thu hồi nợ, tôi cảnh báo họ sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu gọi điện khủng bố công ty một lần nữa, từ đó công ty tôi không còn bị quấy rối", anh T. nói.■

Đòi nợ theo "luật rừng" sẽ bị xử phạt

Ngày 17-6-2020, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021), bổ sung ngành nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày 1-1-2021 cũng chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm này. Các bên tham gia hợp đồng thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

tindungden 6

Công nhân, cán bộ công đoàn một doanh nghiệp FDI tại KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai bị gán ghép hình ảnh, nội dung sai sự thật đăng lên mạng xã hội để đòi nợ. Ảnh: B.A.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Công an huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cho biết theo quy định trên thì hình thức đòi nợ thuê hay "bán nợ" giữa các bên cho vay và bên nhận đòi nợ thuê không còn được pháp luật công nhận từ ngày 1-1-2021.

Việc đòi nợ theo "luật rừng", nhục mạ danh dự của người khác trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất mức độ của hành vi đe dọa, bôi nhọ, vu khống... đối tượng thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị khởi tố, xử lý hình sự.

Khi phát hiện hoặc nghi vấn người nào có hành vi khủng bố tinh thần trên mạng xã hội, người dân nên làm đơn tố cáo, cung cấp đầy đủ thông tin gửi đến cơ quan công an để được can thiệp, xử lý. Công an huyện Nhơn Trạch đã khuyến cáo người dân, công nhân trong khu công nghiệp không cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân và của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cho những đối tượng đòi nợ thuê.

A LỘC

Quản lý chặt tổ chức, cá nhân cho vay nóng dưới vỏ bọc "hỗ trợ tài chính"

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị đã và đang tuyên truyền để công nhân hiểu rõ các hình thức, thủ đoạn và hệ lụy từ việc vay tiền lãi suất cao. Ngoài ra, giới thiệu các tổ chức tài chính cho vay theo chương trình phúc lợi đoàn viên để công nhân được vay tiền với lãi suất phù hợp…

Để hạn chế tình trạng cán bộ công đoàn bị đe dọa bởi băng nhóm đòi nợ thuê, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu công đoàn các cấp báo cáo cụ thể tình hình và phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai xem xét, xử lý.A LỘC

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận