20/05/2024 15:54 GMT+7

Vé máy bay tăng cao, Quảng Nam bắt tay làm du lịch đường sắt

Khi vé máy bay tăng cao làm giảm sức hấp dẫn với du khách từ các tỉnh thành xa, tỉnh Quảng Nam - điểm đến lớn ở miền Trung - đã bắt tay với ngành đường sắt để đón thêm lượng khách đến với tỉnh nhà.

Ga Trà Kiệu đang chuẩn bị đầu tư để đón khách du lịch - Ảnh: B.D.

Ga Trà Kiệu đang chuẩn bị đầu tư để đón khách du lịch - Ảnh: B.D.

Ngày 20-5, ông Nguyễn Thanh Hồng - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết vừa phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khảo sát hạ tầng, điều kiện phục vụ du lịch tại ga Trà Kiệu và ga Tam Kỳ.

Khó khăn đường không, cơ hội cho đường sắt

Theo ông Hồng, chuyến khảo sát nằm trong kế hoạch hợp tác dài hạn của Quảng Nam với ngành đường sắt để mời gọi du khách từ các tỉnh ở xa đi tàu lửa đến Quảng Nam du lịch, vui chơi.

Tam Kỳ, Trà Kiệu là hai ga lâu nay đón khách đi tàu qua địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên cả hai ga này công năng chủ yếu để phục vụ vận tải đường sắt. Do đó, nếu làm du lịch cần có sự tính toán, thay đổi phù hợp.

Để đáp ứng nhu cầu du lịch, ông Hồng cho biết Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ khảo sát, tính toán phương án đầu tư. Đặc biệt không gian tiếp đón tại các nhà ga phải sạch sẽ, chuyên nghiệp.

Ga Tam Kỳ là điểm đón, trả khách trung tâm của ngành đường sắt Quảng Nam. Từ Tam Kỳ, khách du lịch sẽ dễ dàng tiếp cận các trung tâm du lịch ở phía đông tỉnh Quảng Nam như Thăng Bình, Duy Xuyên, biển Tam Thanh.

Ngành đường sắt và ngành du lịch Quảng Nam khảo sát thực tế tại ga Trà Kiệu - Ảnh: V.B.S.

Ngành đường sắt và ngành du lịch Quảng Nam khảo sát thực tế tại ga Trà Kiệu - Ảnh: V.B.S.

Vị trí này cũng rất tiện để khách lên các huyện vùng cao như Nam Trà My, Tiên Phước để tham quan chợ phiên sâm Ngọc Linh, làng cổ Lộc Yên.

Trong khi đó, ga Trà Kiệu nằm ở trung tâm du lịch di sản gồm khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An. Từ Trà Kiệu, khách di chuyển chỉ chưa tới một giờ đồng hồ là đến được Mỹ Sơn, thời gian di chuyển về phố cổ Hội An cũng tương đương.

Dù có nhiều ga, kết nối qua con đường di sản miền Trung nhưng từ trước tới nay du lịch đường sắt vẫn là một khái niệm khá xa lạ với Quảng Nam.

Hầu như khách du lịch đến với Quảng Nam bằng xe ô tô, máy bay. Một phần nguyên do khách ít chọn đi tàu lửa là bởi thiếu kết nối, hạ tầng đường sắt chưa phù hợp. Số lượng các doanh nghiệp thiết kế tour đón khách từ các nhà ga ở Trà Kiệu, Tam Kỳ hầu như rất ít.

Chuyến tàu kết nối những miền di sản

Du lịch đường sắt qua các tỉnh miền Trung là một ý tưởng lãng mạn và ngay khi khởi động từ tháng 3 vừa qua đã gây hứng thú với du khách.

Đà Nẵng là nơi đầu tiên bắt tay cùng với Huế và ngành đường sắt để tổ chức hành trình khám phá các cung đường qua ô cửa sắt của tàu lửa.

Ngay sau Đà Nẵng, Quảng Nam cũng mời Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tham dự chương trình kích cầu du lịch và đưa ra kế hoạch hợp tác cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Hà - đại diện Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam - cho rằng nhà ga ở Quảng Nam cơ bản đủ điều kiện phục vụ du lịch. Tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều khu dịch vụ chuyên biệt như khu ăn uống, bãi đỗ xe đủ rộng…

Ông Hoàng Gia Khánh - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng Quảng Nam là vùng đất có hệ thống di sản, danh thắng và luôn nằm trong tốp đầu các địa phương có lượng khách ghé thăm lớn nhất cả nước.

Cung đường tuyệt đẹp hai bên đèo Hải Vân là hướng nhìn lý tưởng cho khách đi du lịch tàu lửa - Ảnh: B.D.

Cung đường tuyệt đẹp hai bên đèo Hải Vân là hướng nhìn lý tưởng cho khách đi du lịch tàu lửa - Ảnh: B.D.

Đây là cơ hội lớn và ngành đường sắt sẽ đầu tư, hợp tác với tỉnh Quảng Nam để tiếp thị du lịch, quảng bá mời gọi khách đi tàu lửa.

Thống kê sơ bộ, từ cuối tháng 3 đến hết cao điểm 30-4, 1-5 vừa qua đã có hàng chục ngàn khách di chuyển bằng tàu lửa để đổ về Đà Nẵng, Hội An tham quan.

Từ khi tuyến đường sắt kết nối du lịch giữa Huế, Đà Nẵng đón khách, rất nhiều hình ảnh được du khách chụp hai bên đèo Hải Vân từ khoang khách tàu lửa gây thích thú, lôi cuốn nhiều người chọn đi du lịch bằng phương tiện thú vị này.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng so với Huế, Đà Nẵng thì hạ tầng đường sắt cho du lịch tại Quảng Nam khó hơn. Lý do vì các ga nằm cách khá xa điểm tham quan, cơ sở vật chất cũng cần được trang bị thêm.

Nếu được đầu tư bài bản, tuyến du lịch trên toa xe lửa nối các trung tâm di sản thành một vệt hành trình là một tour rất đáng để đi. Khách ở hai đầu đất nước có thể tham quan vệt di sản nằm kế tiếp nhau gồm cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn.

Du khách hưởng lợi

Theo biên bản hợp tác giữa Quảng nam với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hai bên kết nối và đưa ra chính sách khuyến khích các loại hình, phương tiện vận tải đường bộ đấu nối vào ga Trà Kiệu, ga Tam Kỳ, Núi Thành để thuận tiện hơn cho việc đưa đón khách du lịch.

Ngành đường sắt sẽ phối hợp đầu tư hạ tầng đón khách, toa tàu, ga bến. Khách du lịch chọn đi tàu lửa từ các tỉnh đến Quảng Nam du lịch sẽ được hưởng ưu đãi, chăm sóc đặc biệt.

Vẫn khó Vẫn khó 'hạ nhiệt' giá vé máy bay

Các hãng bay đều thừa nhận giá vé có tăng nhưng không... vượt giá trần do Chính phủ quy định!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên