12/11/2022 06:00 GMT+7

Vì sao bến thủy Sài Gòn Pearl bị 'bỏ quên' nhiều năm?

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
ĐỨC PHÚ - THU DUNG

TTO - Tuyến đường ven sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm chưa thể thông vì một bức tường. Và một bến thủy nội địa khá lớn đối diện khu dân cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng bị "lãng quên" nhiều năm qua.

Vì sao bến thủy Sài Gòn Pearl bị bỏ quên nhiều năm? - Ảnh 1.

Bến buýt thủy Sài Gòn Pearl (khoanh tròn) nằm cạnh bức tường ngăn cách hai khu dân cư đang được TP.HCM nghiên cứu khơi thông - Ảnh: LÊ PHAN

Bến thủy này nếu được xây dựng sẽ mở thêm một lối bằng đường sông rất thuận tiện.

Bến nằm trên giấy

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tuyến vận tải hành khách công cộng buýt thủy số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) dài 10,8km đi vào hoạt động từ tháng 12-2017. Theo báo cáo khả thi dự án, tuyến buýt thủy này có chín bến đón trả khách gồm: Bạch Đằng, Sài Gòn Pearl, Bình An, Thảo Điền, Tầm Vu, Bình Triệu (bến trung tâm), Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và bến cuối là Bình Quới (phường Linh Đông, TP Thủ Đức).

Bến Sài Gòn Pearl bao gồm diện tích mặt nước rộng 1.000m2, nhà chờ rộng 80m2 và cầu bến, cầu dẫn... Từ khi tuyến buýt sông đi vào hoạt động đến nay, bến Sài Gòn Pearl vẫn nằm trên giấy.

Khu đất bến Sài Gòn Pearl nằm trong hành lang bờ sông Sài Gòn hiện đang được Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển giáo dục SSG thuê. Công ty này từng báo cáo cơ quan chức năng do chưa hoàn chỉnh hạ tầng nên chưa bàn giao cho TP quản lý. Đồng thời, công ty cũng kiến nghị không xây dựng bến thủy này vì ảnh hưởng đến trường học Mùa Xuân.

Vị trí bến thủy nằm ngay cạnh bức tường ngăn cách con đường ven sông nối hai khu dân cư Vinhomes và Saigon Pearl. Cơ quan chức năng TP đang tính giải pháp tháo dỡ tường để mở đường, giải tỏa ùn tắc giao thông.

Cùng với việc mở con đường ven sông, bến thủy Sài Gòn Pearl được đánh giá sẽ tấp nập không kém bến Bạch Đằng nếu đưa vào hoạt động. Khi mở ra bến thủy này, người dân có thể lên bến đi vào khu trung tâm TP vui chơi, thưởng ngoạn dọc sông. Bến này sẽ nối liền mạch các bến của tuyến buýt thủy theo quy hoạch, góp phần phát triển vận tải khách công cộng và du lịch.

Vì sao bến thủy Sài Gòn Pearl bị bỏ quên nhiều năm? - Ảnh 2.

Bến thủy dự kiến phía trước trường quốc tế của khu Saigon Pearl - Ảnh: T.T.D.

Không nên để phí

Liên quan đến bến này, ngày 7-11 UBND quận Bình Thạnh đã có công văn gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP về việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đối với bến thủy nội địa bến Sài Gòn Pearl.

Qua rà soát, vị trí khu đất bến Sài Gòn Pearl chưa được cập nhật vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha). Do vậy, quận Bình Thạnh kiến nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP thẩm định điều chỉnh, bổ sung.

Theo TS Trần Quang Thắng - chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, việc làm con đường ven sông Sài Gòn và hoàn thiện các bến thủy dọc sông sẽ tạo điều kiện cho giao thông giữa quận 1 và quận Bình Thạnh, đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Con đường này hoàn thành còn tạo một cảnh quan đẹp, dấu ấn riêng và tiềm lực cho phát triển du lịch cho TP.

"Từ mấy năm trước, bến thủy Sài Gòn Pearl được quy hoạch là một bến quan trọng của tuyến buýt sông. Việc chưa hoàn thiện các bến sẽ khiến việc khai thác tuyến buýt khó đạt hiệu quả cao nhất.

Nếu bến thủy Sài Gòn Pearl được xây dựng thì sẽ có thể đồng bộ được giao thông đường bộ và giao thông đường thủy, tạo nên hình ảnh Sài Gòn "trên bến, dưới thuyền" sôi động, hấp dẫn du khách", TS Thắng nói.

Cũng theo TS Thắng, ở các nước trên thế giới, họ kết nối tuyến đường bộ vào đường sông để hình thành nên các tuyến đường ven sông tuyệt đẹp, bên dưới là bến thủy nhộn nhịp tàu, thuyền du lịch rất đặc trưng. Càng nhiều bến đường sông thì điều kiện phát triển du lịch càng mạnh. TP.HCM có điều kiện phát triển du lịch sông nước lớn nhưng vẫn chưa khai thác tốt vì bến thủy còn hạn chế.

Còn TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM) nói rằng TP.HCM với tổng chiều dài đường thủy có thể khai thác vận tải hơn 1.000km, thuận lợi và có tiềm năng rất lớn trong hoạt động vận tải hành khách và phát triển du lịch. Nếu khai thác đúng tiềm năng các bến thủy, nhất là khu vực dọc sông Sài Gòn thì sẽ là một động lực phát triển kinh tế - xã hội.

"Để không lãng phí tài nguyên đất khu vực ven sông, TP cần rà soát và sớm hoàn thiện bến thủy để "chia lửa" với đường bộ cũng như phát triển du lịch "trên bến, dưới thuyền". Nhìn từ trên cao cho thấy bến Sài Gòn Pearl và dải đất dọc sông theo quy hoạch là đất công, nơi đó là dành cho phát triển công cộng", TS Thuận nói.

Từng có trong quy hoạch được duyệt năm 2012

Theo quyết định 6708 của UBND TP ngày 29-12-2012 về duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm 930ha, tại khu vực bến Sài Gòn Pearl, TP sẽ đầu tư tuyến đường ven sông đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm. Tuyến đường này nằm giữa trường học Mùa Xuân và bến thủy Sài Gòn Pearl.

Làm việc với Saigon Pearl và Vinhomes để tháo dỡ bức tường thông tuyến đường dọc sông Sài Gòn Làm việc với Saigon Pearl và Vinhomes để tháo dỡ bức tường thông tuyến đường dọc sông Sài Gòn

TTO - Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sáng mai (11 -11) sẽ làm việc với Saigon Pearl và khu Vinhomes về việc tháo dỡ bức tường ngăn cách giữa hai khu dân cư để tăng cường khả năng lưu thông tại đây.

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên