12/03/2021 10:04 GMT+7

Vì sao chuyển đất rừng làm thủy điện, khu đô thị?

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Tại Quảng Nam, hơn 33ha rừng miền núi được đề nghị chuyển mục đích sử dụng làm thủy điện. Một phần rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An) được đề nghị chuyển thành khu đô thị. Chuyển đổi hay không? Trách nhiệm của doanh nghiệp ra sao?

Vì sao chuyển đất rừng làm thủy điện, khu đô thị? - Ảnh 1.

Khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh được đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng để làm khu đô thị Cồn Tiến - Ảnh: LÊ TRUNG

Đây là điều người dân quan tâm trước kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Mới đây HĐND tỉnh này đã cử đoàn khảo sát, kiểm tra để báo cáo kỳ họp sắp tới quyết định. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các bên xung quanh vấn đề này.

Xin chuyển đất rừng cho thủy điện

Tháng 10-2020, Công ty cổ phần thủy điện Sông Tranh 4 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4) có tờ trình đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 33,7ha đất rừng sản xuất và rừng trồng sang mục đích phục vụ thủy điện. Dự án thủy điện này nằm trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Tiên Phước, có công suất lắp máy 48MW. Dự án bắt đầu thi công đầu năm 2017, sau 7 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đến nay đã hoàn thành 100% các hạng mục chính (gồm đập tràn, đập dâng, nhà máy).

Mới đây, Công ty CP Đạt Phương Hội An cũng xin chuyển mục đích sử dụng rừng dừa sang mục đích khác để phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị Cồn Tiến (tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam). Theo đó, tổng diện tích rừng phòng hộ có trong ranh giới dự án là hơn 34.000m2.

Liên quan đến hai dự án này, ngày 3-3 ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký tờ trình về việc đề nghị quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 4 (33ha) và khu đô thị Cồn Tiến (1ha rừng dừa nước). Hai tờ trình này đều khẳng định diện tích rừng trồng đề nghị chuyển đổi của các dự án không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của tỉnh Quảng Nam.

Doanh nghiệp sẽ trồng rừng thay thế

Theo đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam, việc chuyển đổi đất rừng ở dự án thủy điện Sông Tranh 4 phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất. Chủ đầu tư nhà máy thủy điện phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo nghị định số 83/2020 của Chính phủ. Theo quy định, HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác. Nếu chuyển đổi, các chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Theo ông Lê Minh Hưng - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, chỉ tiêu độ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2020 là 54%. Tính đến tháng 12-2019, tỉnh có tổng diện tích rừng là hơn 628.000ha, rừng tự nhiên 466.113ha, độ che phủ rừng là 59,44%. "Diện tích rừng trồng đề nghị chuyển đổi của dự án không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của toàn tỉnh" - ông Hưng nêu.

Còn ông Nguyễn Minh Lý, phó chủ tịch UBND TP Hội An, có ý kiến: khi Công ty Đạt Phương đặt vấn đề làm khu đô thị, có một điều khiến chính quyền Hội An ủng hộ là giữ tối đa hệ sinh thái dừa nước, đặc biệt là ở cửa sông, ven biển. Doanh nghiệp này tiếp cận hệ sinh thái này để khai thác lợi thế. "Quan điểm của Hội An trong các lần thông qua quy hoạch là ủng hộ chủ trương nhà đầu tư tính toán chuyển một phần diện tích rừng dừa nước nằm phân tán để chuyển vào khu vực trồng rừng tập trung" - ông Lý nói.

Ngày 4-3, HĐND tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn khảo sát hai dự án này về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để báo cáo kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh sắp tới xem xét, quyết định. Ông Trần Xuân Vinh - phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - cho rằng việc chuyển đổi mục đích rừng phải hài hòa lợi ích gắn liền với sinh kế của người dân, doanh nghiệp phải thực hiện việc trồng rừng thay thế những diện tích đã chuyển đổi.

Về dự án khu đô thị Cồn Tiến, ông Vinh cho biết rừng dừa Cẩm Thanh là do thiên nhiên ban tặng, không phải nơi đâu cũng có, cần phải bảo vệ, bảo tồn, phát huy hơn nữa. Diện tích rừng dừa được đề xuất chuyển đổi hiện đang nằm rải rác, nên có sự sắp xếp lại và trồng bù lại nơi khác. Dự án cần bảo tồn cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái, quy hoạch hợp lý đai rừng, bố trí quy hoạch nhà ở xã hội, nên trồng nhiều cây xanh.

Doanh nghiệp nói gì?

Ông Lê Xuân Long, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Tranh 4, cho biết hơn 33ha rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng này đã được UBND, HĐND tỉnh thông qua từ các giai đoạn trước. Phần lớn diện tích rừng này là rừng sản xuất, ở sát mép sông, đất nghèo, xấu, bờ bãi. Việc chuyển đổi mục đích rừng sản xuất này để chuyển sang đất làm năng lượng như tích nước lòng hồ để phát điện và những việc khác.

"Về phía công ty chúng tôi cũng thực hiện đầy đủ, báo cáo các sở ngành kiểm tra, rà soát để báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét cho chuyển đổi" - ông Long nói.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, tổng giám đốc Công ty CP Đạt Phương Hội An, cho hay đơn vị này đã đề xuất xin chuyển đổi mục đích 10.136m2 (hơn 1ha) rừng dừa nước để xây dựng khu đô thị.

"Phần diện tích dừa nước xin chuyển đổi này nằm rải rác ở nhiều khu vực chứ không tập trung một chỗ. Còn khu rừng dừa nước tập trung thì vẫn giữ nguyên không tác động đến. Khi được HĐND tỉnh cho chuyển đổi thì chúng tôi sẽ trồng bù lại nhiều hơn tại khu vực rừng dừa nước tập trung" - ông Hùng nói.

Phá rừng để gắn tên Phá rừng để gắn tên 'Thị Xã Hoài Nhơn': Sẽ trồng cây, phủ xanh lại rừng

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc thị xã Hoài Nhơn bạt rừng để gắn tên 'Thị Xã Hoài Nhơn' khiến dư luận bức xúc, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ trồng lại cây, phủ xanh lại rừng tại nơi thực hiện công trình.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên