25/09/2023 15:47 GMT+7

Vì sao không dễ trị giun đũa chó mèo?

Sau hai đợt điều trị giun đũa chó mèo từ tháng 1-2023, đến nay tôi vẫn liên tục nổi mụn nhọt, cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Tôi phải làm cách nào để điều trị dứt điểm được?

Ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người - Ảnh minh họa: BVCC

Ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người - Ảnh minh họa: BVCC

Đây là câu hỏi của bạn đọc H.B.T. gửi đến chuyên mục Hỏi chuyện thầy thuốc của Tuổi Trẻ Online.

Bạn đọc T. chia sẻ được chẩn đoán mắc giun đũa chó mèo từ tháng 1-2023 và có uống thuốc tại bệnh viện quận. Tuy nhiên sau 2 đợt điều trị là một tháng thì tình trạng vẫn không hết, anh T. thường xuyên ngứa ngáy, nổi nhọt. Đến tháng 8-2023, anh T. xét nghiệm lại vẫn còn dương tính chỉ số 1.34.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cho hay phác đồ điều trị ấu trùng giun đũa chó mèo theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay là 3 đợt.

"Theo những gì bạn T. chia sẻ, bạn đã điều trị được 2 đợt, tuy nhiên chỉ số xét nghiệm khá cao là 1.34. Trong trường hợp này bạn cần tiếp tục theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tại TP.HCM, bạn có thể đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM để được tư vấn và điều trị", bác sĩ Dũng cho hay.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên.

Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở các cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh của người.

Nguồn bệnh hay ổ chứa chính là chó, mèo nhiễm giun Toxocara spp, đặc biệt chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người. Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỉ lệ thấp hơn.

"Phương thức lây truyền của giun đũa chó mèo có thể do ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm ký sinh trùng. Hoặc người ăn phủ tạng hay thịt sống/chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Tất cả mọi người, cả hai giới đều có thể bị nhiễm và dễ bị tái nhiễm khi sống trong môi trường có bệnh lưu hành", bác sĩ Dũng nêu rõ.

Người mắc giun đũa chó mèo thường có triệu chứng không quá rầm rộ bao gồm ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, ho, rối loạn giấc ngủ, thay đổi hành vi.

Người bệnh được xác định là trường hợp bệnh nghi ngờ và có một trong các xét nghiệm như tìm thấy ấu trùng giun đũa chó/mèo; phát hiện đoạn gene đặc hiệu của ấu trùng bằng sinh học phân tử; xác định được kháng thể kháng giun đũa chó/mèo bằng ELISA; bạch cầu ái toan tăng; có tổn thương nghi ngờ trên chẩn đoán hình ảnh.

"Người bệnh khi được chẩn đoán mắc giun đũa chó mèo hay các bệnh ký sinh trùng khác cần theo dõi, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị triệt để, ổn định tình trạng bệnh", bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Cẩn trọng với vật nuôi: coi chừng nhiễm giun, sán chó, mèoCẩn trọng với vật nuôi: coi chừng nhiễm giun, sán chó, mèo

TT - Các động vật nuôi trong nhà có thể mang đến một số mầm bệnh, nhưng không phải ai cũng quan tâm đúng mực đến vấn đề này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên