11/02/2022 20:58 GMT+7

Vì sao người dân lại tha thiết giữ hồ Bà Đồ?

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Khoảng 100 hộ dân hiện đang sinh sống gần hồ Bà Đồ (tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) phản ánh tới Tuổi Trẻ Online rằng họ đã viết đơn gửi đến nhiều cơ quan của TP Hà Nội để "tha thiết" giữ lại hồ Bà Đồ.

Vì sao người dân lại tha thiết giữ hồ Bà Đồ? - Ảnh 1.

Một góc hồ Bà Đồ - Ảnh: Q.THẾ

Ngày 11-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, người dân sinh sống trên địa bàn phường Ngọc Thụy cho biết kể từ đầu năm 2021, sau khi biết tin "sẽ lấp hồ Bà Đồ để làm dự án", họ đã làm đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng, báo chí. 

Bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi, phường Ngọc Thụy), người đứng đơn đại diện các hộ dân, cho biết: "Từ ngày tôi còn bé đã ra hồ Bà Đồ hái sen, bắt cá. Khoảng 30 năm trước hồ Bà Đồ và các ao hồ liền kề đã được xã cho người dân thuê phát triển kinh tế, góp phần tạo ra cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, chống ngập úng mỗi khi có mưa lớn".

"Ở các khu đô thị không có cảnh quan còn phải đào hồ, trồng thêm cây xanh, đằng này chúng tôi sống cạnh hồ thì nay lại bị lấp. Mong thành phố điều chỉnh lại quy hoạch để giữ hồ", bà Lan nói.

Ông Trần Quốc Hưng (46 tuổi, phường Ngọc Thụy) thì cho biết: "Ao hồ ở Hà Nội chính là lá phổi xanh của thành phố, nơi điều tiết nước tránh úng ngập, tạo cảnh quan của các khu dân cư. Tôi rất mong các cơ quan ban ngành có thẩm quyền của TP xem xét bởi khu vực chúng tôi đang sống nền đất rất thấp, nếu không có hồ Bà Đồ thì chỉ cần một trận mưa lớn có thể gây ngập úng nặng...".

Vì sao người dân lại tha thiết giữ hồ Bà Đồ? - Ảnh 2.

Hồ Bà Đồ nhìn từ trên cao - Ảnh: A.TUẤN

Sau khi nhận được thông tin phản ánh việc thu hồi đất công tại một số hồ câu trên địa bàn phường Ngọc Thụy, ngày 20-1, UBND quận Long Biên có văn bản trả lời gửi đến các cơ quan báo chí cho biết về kế hoạch sử dụng đất, thực hiện dự án tại khu vực này: 

"Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các ô quy hoạch A4/N04, A8/N01, A8/N02, A4/HH2, A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất phường Ngọc Thụy" được cập nhật vào danh mục thu hồi đất tại nghị quyết số 19 năm 2016 của HĐND TP Hà Nội thông qua các danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2017. 

Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 4,26ha, tổng mức đầu tư hơn 117 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách quận.

Trong năm 2019 và 2020, UBND quận Long Biên đã ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền. Nhiều hộ dân đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng, tuy nhiên một số hộ thuê lại hồ chưa đồng thuận với diện tích 12.511,9m2. Ngày 22-12-2021, UBND quận Long Biên đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất".

Ngày 11-2, ông Bùi Dương, phó chánh văn phòng UBND quận Long Biên - người ký văn bản trả lời các cơ quan báo chí trước đó, cho biết: "Vẫn chưa có thông tin gì mới so với văn bản quận đã trả lời các cơ quan báo chí. Tôi được biết người dân đã gửi đơn lên TP, nếu TP có kết luận hay quyết định khác thì quận sẽ làm theo kết luận của TP". 

Tháng 6-2021, Bộ Tài nguyên và môi trường có công văn số 3129 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Bộ này cho biết vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa.

Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước cũng như góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phê duyệt, công bố.

Từ năm 2009, Thành ủy Hà Nội có chỉ đạo về công tác quản lý đô thị, trong đó lưu ý "kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp ao hồ trên địa bàn". Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ rà soát các đồ án quy hoạch đã duyệt để kịp thời điều chỉnh, nhằm bảo tồn các hồ tự nhiên.

Cần Cần 'thăm khám' lá phổi xanh đô thị của TP.HCM

TTO - Nhìn vào thực trạng cây xanh, có thể dự đoán tương lai của một thành phố. Tương lai các đô thị lớn sẽ ra sao khi dân số tăng, khói bụi ngày càng nhiều, cây xanh không có nhiều đất sống?

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên