09/09/2006 20:01 GMT+7

Truyện tranh VN: "Sân chơi" còn nhiều khoảng trống...

Theo ĐỖ TUẤN - Thanh niên
Theo ĐỖ TUẤN - Thanh niên

So với quan niệm hẹp của xã hội và theo định nghĩa của tự điển tiếng Việt thì truyện tranh là những câu chuyện được minh họa bằng tranh dành cho thiếu nhi xem ra đã quá lạc hậu. Hiện nay truyện tranh không còn mang ý nghĩa trên mà đã phục vụ cho mọi lứa tuổi từ nhi đồng, thiếu niên, tuổi ô mai đến cả người lớn.

EcfsvFYV.jpgPhóng to
Bạn đọc nhỏ trung thành với truyện tranh
So với quan niệm hẹp của xã hội và theo định nghĩa của tự điển tiếng Việt thì truyện tranh là những câu chuyện được minh họa bằng tranh dành cho thiếu nhi xem ra đã quá lạc hậu. Hiện nay truyện tranh không còn mang ý nghĩa trên mà đã phục vụ cho mọi lứa tuổi từ nhi đồng, thiếu niên, tuổi ô mai đến cả người lớn.

Truyện tranh dần trở thành một loại hình giải trí dành cho tất cả mọi người tựa như điện ảnh vậy. Nhưng "sân chơi này" tại VN hiện còn khá nhiều khoảng trống...

Tung hoành truyện tranh nước ngoài

40, 50 năm trước, hàng loạt bộ truyện nổi tiếng của Pháp và Bỉ như Tin Tin, Lucky Lucke, Spirou, Xì Trum... bắt đầu du nhập vào nước ta. Sau đó loạt truyện tranh của Mỹ như Chuột Mickey, Vịt Donald, Siêu nhân, Zoro, Người dơi... chiếm lĩnh thế giới truyện tranh tại miền Nam. Trường phái truyện tranh lúc đó được gọi là Comic với lối vẽ trào phúng, tả thực theo phong cách rất Tây. Vào thời gian này, những bộ truyện hấp dẫn của Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ... đã được dựng thành phim và nhanh chóng chiếm lĩnh màn bạc thế giới.

Tuy nhiên, chính vào những năm 50-60 thế kỷ trước tại Nhật Bản, "cây đại thụ" - họa sĩ Osamu Tezuka - đã đặt nền móng cho trường phái truyện Manga lừng danh toàn cầu. Vào những năm đầu thập niên 90, tại VN, khi Nhà xuất bản Kim Đồng thử du nhập bộ truyện mèo máy Đôrêmon và sau đó phát hành trên toàn quốc thì một cơn sốt truyện tranh thật sự bùng nổ. Chỉ trong vỏn vẹn 3 năm, hơn 100 tập của Đôrêmon được in với con số gần 50 triệu bản đã được bán sạch! Một kỷ lục về phát hành tại VN mà chưa một quyển sách nào phá vỡ được.

B00PqZyG.jpgPhóng to
Mèo máy Đôrêmon mê hoặc độc giả nhí

Thành công của Đôrêmon khiến các "lão làng" trong ngành xuất bản là Nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng xắn tay áo nhảy vào cuộc. Họ mua bản quyền, dịch lời Việt, in ấn phát hành những bộ truyện tranh khác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như Bảy viên ngọc rồng, Thám tử Conan, Bác sĩ Black Jack, Teppi, Mirumo, Ỷ Thiên Đồ Long Ký... dành cho đủ mọi lứa tuổi.

Trước tình hình giảm sút nghiêm trọng lượng người đọc trong những năm gần đây, truyện tranh Manga trở thành "cứu cánh" cho không ít nhà xuất bản. Theo thống kê, hằng tuần trung bình có 75 đến 100 đầu sách truyện tranh được tung ra thị trường. Với số lượng từ 10.000 đến 30.000 bản in cho một tựa sách và giá bán khoảng 5.000-8.000 đồng/quyển thì doanh thu hằng năm của truyện tranh trong cả nước xấp xỉ 500-800 tỉ đồng! Một con số không hề nhỏ. Trong khi ở Nhật, doanh số bán mỗi năm của riêng truyện tranh đã đạt gần 8 tỉ USD.

Nỗi niềm họa sĩ Việt

Rất nhiều họa sĩ vẽ truyện tranh nổi tiếng của VN những năm 80-90 thế kỷ trước như Văn Minh, Hoàng Tường hay Đức Lâm đã bỏ nghề hoặc chuyển sang những hoạt động khác. Hãy nghe họa sĩ Hoàng Tường hiện đang công tác tại Báo Mực Tím tâm sự: "Nói chung so với ngày xưa, truyện tranh VN giờ đây chuyển sang một hình thức "bi đát" khác. Trước đây họa sĩ vẽ truyện tranh chủ yếu là cho các báo rồi nhận nhuận bút "còm". Sau thời Tin Tin, Spirou, Lucky Lucke thống trị thị trường lại đến những bộ tranh truyện Manga của Nhật Bản, Hàn Quốc khuynh đảo. Nhà xuất bản đương nhiên chọn cho mình con đường an toàn bằng việc mua bản quyền rồi in truyện Manga để bảo đảm doanh thu, như thế làm sao họa sĩ VN có cơ hội để làm truyện tranh?".

kMISBHtp.jpgPhóng to
Truyện hay sử Việt của Công ty Phan Thị

Trước câu hỏi tại sao truyện tranh Việt ít có những tác phẩm tạo tiếng vang, anh Trí Đức - Phó ban truyện tranh Nhà xuất bản Trẻ đã cho rằng: "So truyện tranh VN với thế giới không khác chi ví điện ảnh của chúng ta với Hollywood. Đơn giản vì người ta có nền công nghiệp sản xuất truyện tranh hàng mấy chục năm, có một hệ thống đào tạo nguồn nhân lực ổn định và cách làm việc đồng bộ, theo nhóm". "

"Trong khi ở ta, đa số các họa sĩ vẫn còn cái tôi rất lớn, chưa thể làm việc theo số đông. Đồng thời những họa sĩ vẽ truyện tranh không được bảo đảm về kinh tế, thu nhập bất ổn, chịu rủi ro cao khi tác phẩm không tiêu thụ được. Cuối cùng quan trọng nhất là chúng ta thiếu hẳn những nhà văn, những người có thể sáng tác được kịch bản hay hợp thị hiếu, hợp tâm lý độc giả".

Và kết cục là gì? Chúng ta chỉ mới hình thành, manh nha nên cái gọi là tranh truyện (minh họa câu chuyện đã có) chứ chưa thể hoàn chỉnh một tác phẩm truyện tranh (có kết cấu mạch lạc theo từng tập kéo dài) đúng nghĩa.

Còn một điều cũng khó khăn không kém. Đó là quan niệm của nhiều người cho rằng truyện tranh hiện nay chỉ là những thứ nhảm nhí, chỉ dành cho con nít, có cũng được mà không cũng chẳng sao! Quan niệm này rất cực đoan và dễ tạo ra sự lệch lạc trong nhận thức. Đọc một cuốn truyện tranh hay, được lồng vào đó cách đối nhân xử thế, lòng nhân ái, kiến thức hữu ích... sẽ hiệu quả gấp nhiều lần những bài giảng khô khan, nhàm chán. Trẻ em và cả tuổi thanh thiếu niên thông qua truyện tranh sẽ cảm thụ sâu hơn về văn hóa, về bản sắc của dân tộc. Điều quan trọng là người lớn cần chọn lọc truyện tranh hợp với lứa tuổi để các bạn nhỏ không bị tác dụng ngược khi đọc những truyện tranh dành cho thanh niên.

Những bước khởi đầu

Dù một vài công ty gặp thất bại trong cố gắng duy trì nền văn hóa truyện tranh thuần Việt nhưng đến nay vẫn còn một số tựa sách thành công đáng kể. Có thể nhắc đến là bộ truyện Thần đồng đất Việt của Công ty Phan Thị mô phỏng lại những câu chuyện thông minh dí dỏm của người Việt xưa đã từng gây cơn sốt trong giới học trò không kém một số truyện tranh nước ngoài. Hiện Công ty Phan Thị còn đóng góp thêm bộ Thần đồng đất Việt khoa học, thông qua những câu chuyện bằng hình vui nhộn giúp các em hiểu hơn về các hiện tượng khoa học diễn ra trong cuộc sống. Bên cạnh đó Phan Thị còn cho ra đời bộ Truyện hay sử Việt sẽ được đưa vào các trường tiểu học để học sinh đọc.

4acCqNvy.jpgPhóng to
Bộ truyện tranh quen thuộc Spirou của Pháp được vẽ theo trường phái Comic

Chị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty Phan Thị - nhận định: "Chúng ta chưa có những bộ truyện tranh nổi đình đám không hẳn vì thiếu kịch bản hay. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ có óc sáng tạo bay bổng. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những cú đột phá".

"Tuy nhiên, đến nay dư luận xã hội vẫn còn cái nhìn quá phiến diện về truyện tranh. Đa số đều cho rằng truyện tranh phải mang tính giáo dục cao, cứ phải khai thác đề tài về lịch sử, truyền thống mà quên đi những vấn đề rất thực của đời sống hằng ngày. Số khác lại cho rằng truyện tranh chỉ là trò nhảm nhí, rẻ tiền. Hai suy nghĩ trên đều không đúng. Truyện tranh ngoài yếu tố giáo dục thì chức năng chính của nó vẫn là giải trí".

Nhìn lại, chúng ta vẫn còn quá thiếu lực lượng họa sĩ sáng tác. Đơn giản vì không hề có trường mỹ thuật nào đào tạo họa sĩ truyện tranh cả. Mọi người chỉ tự học là chính nên phải mất thời gian để nghiên cứu, mày mò. Định hình phong cách Việt cho truyện tranh theo chị Mỹ Hạnh thì: "Chúng tôi cố gắng đưa vào truyện tranh bản sắc Việt, có nghĩa là dùng câu chuyện, nét vẽ để chuyển tải tinh thần, văn hóa, bối cảnh, lối sống của người Việt. Manga hay Comic cũng đều là thành tựu của nhân loại. Chúng ta kế thừa và phải biết phát huy chúng theo phong cách Việt".

Những nỗ lực của Công ty Phan Thị được đền bù với sự đón chào nồng nhiệt mấy mươi tập Thần đồng đất Việt của bạn đọc nhí cả nước. Nhưng sau bước khởi đầu, cần lắm những bước tiếp theo...

* Thu Trang (học sinh lớp 7, quận Tân Bình, TP.HCM): "Con thích đọc Đôrêmon vì nội dung buồn cười, hấp dẫn lại phong phú, đa dạng, gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Nhiều bạn học cùng lớp rất mê truyện tranh Manga của Nhật Bản. Lúc nào rảnh là mang ra đọc".

* ThanhTuyền (học sinh lớp 8, quận 4, TP.HCM): "Truyện tranh VN chỉ có bộ Thần đồng đất Việt là xem được. Tuy nhiên những tập đầu hay hơn, càng về sau càng ít hấp dẫn. Con không thích lắm kiểu vẽ các nhân vật lúc nào miệng cũng ngoác rộng cả ra. Phải chi truyện tranh VN mình có được nhân vật như mèo máy Đôrêmon thì hay biết mấy!".

* Chị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty Phan Thị: "Chỉ riêng Tập đoàn Walt Disney với hơn 200 họa sĩ đã tạo ra những sản phẩm tương đương với tổng sản lượng lương thực của 4 triệu nông dân VN làm được trong một năm. Con số trên cho thấy nếu có một nền công nghiệp truyện tranh đúng nghĩa, không những bạn đọc được lợi mà xét về mặt kinh tế thì rất nhiều công ty, nhà xuất bản, nhà in, những người sản xuất... liên quan đến truyện tranh cũng thu lợi nhuận rất cao".

Theo ĐỖ TUẤN - Thanh niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên