04/09/2006 07:01 GMT+7

Ông cụ "cổ lai hi"

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Ông già “cổ lai hi” ấy tên là Đoàn Phán, ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Đã 93 tuổi, nhưng cụ vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn và đang giữ chức... phó chủ tịch hội người cao tuổi của xã.

qaOiNDk9.jpgPhóng to

Trường mẫu giáo bán trú Mỹ Lợi do ông Đoàn Phán góp công của lớn xây dựng

TT - Ông già “cổ lai hi” ấy tên là Đoàn Phán, ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Đã 93 tuổi, nhưng cụ vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn và đang giữ chức... phó chủ tịch hội người cao tuổi của xã.

“Có ít tiền cả đời vợ chồng dành dụm được, cộng với tiền mấy đứa con ở xa gởi cho để dưỡng già. Ban đầu, hai vợ chồng tui định dùng tiền đó để xây mộ, khỏi làm phiền con cái. Nhưng... đời tui đi học khổ lắm nên thấy bọn nhỏ chăm học là thương. Mình có tiền cất vào túi có đẻ ra được đồng mô. Làm trường cho trẻ học, lợi trăm bề - ông già cười xòa - Chuyện chỉ có rứa thôi chớ có chi mô...”.

Ông Phán tâm sự: “Biết việc làm của mình là tốt, nhưng để thuyết phục được vợ con cũng không phải dễ”. Ông đã lên một kế hoạch để từng bước “lôi kéo” người thân vào cuộc. “Cả tháng trời đêm nào cũng thấy ông đem giấy tờ ra tính toán. Tui theo dõi rồi hỏi chuyện ông ấy mới chịu “khai”. Ông làm việc tốt ai dám cản” - bà Gió, vợ ông Phán, cho biết.

Vợ đồng ý rồi nhưng ngặt nỗi tiền vẫn không đủ như dự tính: vợ chồng ông dành dụm chỉ được 30 triệu đồng, trong khi để làm một trường mẫu giáo hai phòng học (bán trú) phải mất hết hơn trăm triệu. Bà con trong làng thì nghèo không có tiền đóng góp. Ông liền nghĩ cách vận động con cái ở xa “thương cha thì hãy nghĩ về làng quê”. Mặt khác, ông viết thư cho bạn bè và người dân trong làng đi xa đang làm ăn phát đạt.

41Sn5A4A.jpgPhóng to

Ông Đoàn Phán

Thế là một ngôi trường mới khang trang đã mọc lên giữa vùng cát trắng. Mới đây ông cụ còn bỏ tiền để đổ bêtông mấy trăm mét đường làng nữa... “Hiệu quả lớn nhất là ông Phán đã khơi dậy được tấm lòng của người dân với quê hương bằng những việc làm thiết thực. Những làng khác trong xã thấy vậy cũng học theo cách làm của ông...” - ông Tô Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND xã, nói.

Nhiều người dân nghèo ở xã Vinh Mỹ coi ông Phán như ân nhân của mình. Ai khó khăn cũng tìm đến ông. Người nghèo đói thì ông cứu trợ, người muốn thoát nghèo thì ông trợ vốn. Ông nói: “Cũng nhờ mấy đứa con ở xa làm ăn khấm khá gởi về cho an dưỡng tuổi già, có tiêu xài gì đâu...”.

Con cháu ông đều học hành và thành đạt. Mười năm trước (1996) họ về làng để tổ chức lễ thượng thọ cho cha. Đàn con cháu đang hào hứng chuẩn bị đại lễ thì ông liền họp lại: “Các con báo hiếu cho ba vậy là quá quí rồi. Nhưng nếu các con thương ba thật sự thì hãy nghe lời ba, không làm lễ nghi linh đình chi nữa”.

Cả đàn con trai gái trố mắt ngạc nhiên, tưởng ông cụ nổi “chướng”, “lẫy” con cháu. Ông cụ liền giải thích: “Ba muốn các con dành chi phí lễ nghi, ăn uống để giúp dân nghèo. Lúc ni đang là mùa giáp hạt, nhiều nhà trong làng mình không có gạo mà ăn...”. Vậy là lễ thượng thọ trở thành lễ... tế bần. Toàn bộ số tiền dự kiến làm tiệc đã được ông mua 8 tấn gạo, phát cho các hộ nghèo đói trong xã.

Ông Phán còn là “ông bụt” của những cô cậu học trò nghèo, mồ côi. Tuổi cao vào hàng nhất xã, nhưng trong các buổi tổng kết hay khai giảng ở các trường ông đều có mặt. Bốn năm trước, có một cậu học sinh đậu cả hai trường đại học, nhưng khi nhận được giấy báo nhập học cậu đành bó tay vì nhà quá nghèo.

Ông đến tận nhà cho cậu 3 triệu đồng và giục lên Huế nhập trường. Và ông đã lặng lẽ tiếp sức cho cậu học trò nghèo ấy suốt bốn năm học. Ông cười sung sướng: “Nó vừa ra trường tháng trước thì xin được việc ngay. Hôm qua, hai mẹ con vừa đến khoe với tui”.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên