10/05/2005 08:03 GMT+7

"Phải trung thành với ký ức về cha ông mình"

DUY VĂN - THẾ ANH tổng hợp
DUY VĂN - THẾ ANH tổng hợp

TT - Buổi duyệt binh hôm qua trên Quảng trường Đỏ gồm hai phần, lịch sử và hiện đại.

CQQoEkkd.jpgPhóng to

Hôm nay quảng trường Holocaust Memorial gần cổng Brandenburg (Berlin) chính thức mở cửa cho người dân đến tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị sát hại dưới thời phát xít Ảnh: Cẩm Hà

Gần 7.000 binh lính trong trang phục binh sĩ thời Chiến tranh thế giới thứ hai đại diện cho tất cả đơn vị Hồng quân đã diễu hành qua khán đài, sau đó là các xe tải chở 2.600 cựu binh, tiếp đó là các kỹ thuật, khí tài chiến đấu.

Khi đoàn xe chở cựu binh đi qua, các nguyên thủ, khách mời trên lễ đài đã đứng dậy chào. Sau phần duyệt binh, các nguyên thủ, đại diện chính phủ đã tới đặt hoa trên mộ Chiến sĩ vô danh.

Khắp nơi trên Matxcơva là không khí hội hè và tưởng niệm. Vào giữa trưa, 300 nhà thờ Chính thống giáo tại Matxcơva đã cùng đổ chuông để mừng 60 năm cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt vĩnh viễn lùi vào ký ức. Lúc 20g, trên toàn nước Nga đã tổ chức một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân Chiến tranh thế giới thứ hai.

Các nguyên thủ nước ngoài hôm qua cũng đã có một ngày làm việc bận rộn. Sau khi dự lễ duyêt binh rồi tiệc chiêu đãi của Tổng thống Nga Putin, họ đã tách ra thực hiện các chương trình nghị sự của mình: Tổng thống George Bush có cuộc gặp các cựu binh Mỹ, Nga và với "đại diện các xã hội công dân"; Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder gặp các cựu binh Nga và giới trẻ Đức, Nga đồng thời tới viếng nghĩa trang quân sự Đức tại Liublino,

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi cũng tiến hành một số cuộc gặp song phương ở Matxcơva, trong khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac muốn gặp các đồng sự Nga và Trung Quốc, đồng thời khánh thành tượng Charles de Gaulle tại đại lộ Hòa bình (Matxcơva) cùng ông Putin.

Trong cuộc gặp song phương tối 8-5, hai tổng thống Nga và Mỹ đã thảo luận vấn đề chống khủng bố, tình hình Iran và CHDCND Triều Tiên, thống nhất về việc Nga sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước cuối năm nay.

Trước đó, sau khi ông Bush chỉ trích Nga áp đặt cai trị lên các nước vùng Baltic sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông Putin đã đáp trả trong một trả lời phỏng vấn đài CBS (Mỹ) rằng Nga sẽ không xin lỗi về việc này, đồng thời đáp trả các chỉ trích của ông Bush rằng "dân chủ không thể du nhập từ nơi khác".

Vẫn còn những bóng mây đen

Tuy nhiên, trong khi toàn thế giới kỷ niệm 60 năm hiểm họa phát xít bị dập tắt thì đây đó đã manh nha những bóng mây đen.

Tại trung tâm Tallin (Estonia), rạng sáng 9-5 những kẻ lạ mặt đã dùng sơn đỏ tạt lên tượng đài chiến sĩ Liên Xô - Người giải phóng.

Tại Vilnius (Lithuania) ngày 8-5, những tên theo chủ nghĩa dân tộc mới khiêu khích bằng cách đi thành một đoàn xe môtô, vận trang phục Đức quốc xã, diễu qua tổng hành dinh của cộng đồng Do Thái ở Vilnius hô to những khẩu hiệu của bọn phát xít. Thị trưởng Vilnius A. Zuokas đã phải kêu gọi cảnh sát thành phố nhanh chóng tìm ra bọn gây rối để trừng phạt.

Nhưng căng thẳng nhất vẫn là tại Đức cùng ngày, nơi 10.000 người biểu tình chống phát xít đã bao vây hơn 2.000 thành viên Đảng Dân chủ dân tộc (cực hữu) khi những kẻ đầu trọc biểu tình mang thập tự đen chuẩn bị tuần hành trên quảng trường Aleksanderplatz ở Berlin. Diễn giả cực hữu đã đòi "phục hồi sự thật lịch sử, trả lại những lãnh thổ Đức bị Ba Lan và các nước khác chiếm đoạt".

Mặc cho ba đội cảnh sát chắn giữ, những người biểu tình chống phát xít đã tiếp cận nhóm biểu tình cực hữu ngăn không cho chúng tuần hành. Từ bancông một tòa nhà cao trên quảng trường Aleksanderplatz, cờ đỏ của Đảng Dân chủ xã hội Đức tung bay cùng biểu ngữ: "Bọn phát xít mới - cút đi".

Cảnh sát đánh giá tình hình là "căng thẳng". Không phải vô cớ khi Tổng thống Đức Horst Koehler thốt lên: “Không thể đặt dấu chấm hết cho các tội ác của phát xít, người Đức phải kinh hoàng và xấu hổ khi nhìn lại quá khứ”, khi ông cùng Thủ tướng Gerhard Schroeder đến đặt vòng hoa tưởng niệm hàng triệu nạn nhân của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trích Diễn văn của tổng thống Nga Vladimir Putin:

“Cứ mỗi năm, vào ngày 9-5 chúng ta lại đau xót về những người đã khuất, chúng ta lại nhớ về cuộc chiến tranh này, cuộc chiến làm chấn động lý trí chúng ta.

Nó buộc chúng ta vào trách nhiệm lớn lao, bắt chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn rằng thế giới đã từng đứng bên bờ vực không thể đảo ngược thế nào khi ấy, rằng bạo lực và sự không khoan nhượng chủng tộc, sựê diệt chủng và nỗi giận dữ của con người có thể dẫn tới những hậu quả khủng khiếp như thế nào.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng những sự tàn bạo này mang tới cho con người nỗi sợ hãi, sự lăng nhục và cái chết. Chúng ta sẽ đời đời tưởng nhớ những ai khi đó dâng hiến cuộc đời mình, những ai chiến đấu, những ai lao động quên mình nơi hậu phương.

Chúng tôi không bao giờ chia Chiến thắng ra là của mình và của người khác. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn các đồng minh của mình - Mỹ, Anh, Pháp và những quốc gia khác trong liên minh chống Hitler, các chiến sĩ chống phát xít Đức và Ý.

Bài học chiến tranh cảnh báo rằng sự a dua với bạo lực, sự thờ ơ và chờ đợi tất yếu dẫn tới những hậu quả bi thảm toàn thế giới. Vì thế đối mặt với những hiểm hoạthực tiễn của chủ nghĩa khủng bố hiện nay chúng ta phải luôn trung thành với ký ức về cha ông mình, có nghĩa vụ xây dựng thế giới và một trật tự dựa trên an ninh và công bằng, trên nền văn hoá hiểu biết lẫn nhau - không được phép đễ tái diễn cả chiến tranh lạnh lẫn chiến tranh nóng.

Sự hòa giải lịch sử giữa Nga và Đức là một trong những thành tựu quí giá nhất của châu Âu hậu chiến, một tấm gương đáng phổ biến trong chính sách thế giới hiện đại. Kể từ khi chấm dứt kỷ nguyên đối đầu toàn cầu, chúng tôi đã tiến đáng kể đến một mục tiêu cao cả: bảo đảm hòa bình và yên bình cho châu Âu”.

DUY VĂN - THẾ ANH tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên