15/04/2005 00:01 GMT+7

Nhà văn phải dũng cảm

THUÝ MƠ (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
THUÝ MƠ (ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TT - Ngày 4-12-2004 vừa qua, hân hạnh được tham gia buổi nói chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc với thầy và trò khoa ngữ văn - báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tôi đã hỏi nhà văn: “Liệu trong Đại hội Hội Nhà văn VN lần 7 sắp tới, hội có nên định hướng cho các nhà văn cần viết về một số đề tài cụ thể hay không, đại loại như xây dựng một danh sách những đề tài quan trọng? Bởi vì trong tình hình hiện tại dường như có quá nhiều đề tài và các nhà văn không biết nên viết về cái gì”.

Diễn đàn "Người đọc đang chờ đợi gì ở các nhà văn?":

Và câu trả lời tôi nhận được có đại ý là trong văn chương, quan trọng nhất là sự tự do - tự do sáng tạo của bản thân người viết, bất cứ định hướng nào cũng là một sự trói buộc không cần thiết. Đồng thời, nhà văn Nguyên Ngọc cũng rất trăn trở khi một số nhà văn tên tuổi của chúng ta thì gác bút, còn một số nhà văn trẻ lại xuất hiện và biến mất nhanh như sao… xẹt.

Câu chuyện về một nhà văn nổi tiếng của nước ngoài 40 năm sau khi qua đời thì tác phẩm mới được độc giả biết đến mà chúng tôi được nghe kể là nỗi niềm và hi vọng của nhà văn Nguyên Ngọc: nền văn học nước nhà cần lắm những nhà văn dám viết, dám để thời gian thử thách, những tác phẩm có giá trị cuối cùng sẽ được trân trọng.

Kể một câu chuyện dài như thế chỉ để nói rằng các nhà văn hiện nay phải dũng cảm: dũng cảm viết, dũng cảm thực hiện những yêu cầu của hiện thực cuộc sống và lắm khi phải dũng cảm cất tác phẩm của mình vào hộc tủ vì nếu công bố sẽ “đụng chạm” đến “một ai đó”! Nhưng đã là nhà văn thì phải hoàn thành chức trách phản ánh hiện thực mà xã hội giao phó, phải viết và trăn trở với ngòi bút của mình.

Những tác phẩm văn học hiện nay không tạo ra được diện mạo cho riêng mình, gương mặt văn học của các nhà văn cứ nhạt nhòa và hòa lẫn vào nhau. Nam Cao có viết rằng nhà văn phải là người “khơi những nguồn chưa ai khơi” (trong truyện ngắn Đời thừa).

Nhà văn VN hiện đại hãy tìm lấy những suối nguồn còn ẩn giấu đó trong cuộc sống muôn mặt, giữa những vấn đề nóng bỏng mà xã hội đang quan tâm từng ngày. Và trên hết nhà văn phải dũng cảm để chuyển tải những cảm nhận của mình lên trang viết, để người đọc tìm thấy chính mình và cuộc sống của mình qua tác phẩm.

Hãy tạo điều kiện cho nhà văn rồi mới có thể “chờ đợi” ở họ

Từ lâu, ai cũng biết là người đọc (và xã hội nói chung) luôn chờ đợi ở nhà văn những tác phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật và tư tưởng, “mang hơi thở của cuộc sống” như một cách nói thời thượng. Cái khó là làm thế nào để giúp nhà văn có thể đáp ứng được lòng mong mỏi của người đọc. Xin nêu ra vài yếu tố để cùng nhau xem xét:

Thực chất của nhiều giải thưởng văn học tại nước ta hiện nay không có sức hấp dẫn, cách chấm giải chưa nhận được sự đồng tình của mọi người, nhiều tác phẩm đoạt giải không có sức sống, không tạo được động lực mạnh mẽ khiến giới cầm bút toàn tâm toàn ý đầu tư thời gian và công sức vào công việc sáng tác.

Mối quan hệ giữa nhà văn nói riêng, giới cầm bút nói chung, với một số cơ chế xã hội, tiêu biểu là chế độ nhuận bút và tác quyền, còn quá nhiều bất cập. Điều này dẫn đến một nghịch lý khá bi hài, đó là trong khi giá bán sách hiện nay vượt quá khả năng mua của số đông độc giả, nhất là độc giả trẻ, thì cũng chính giá sách đó lại không nuôi nổi người cầm bút! Nghịch lý này buộc đa số nhà văn phải coi sáng tạo văn học là nghề tay trái, nghề tay mặt dành cho cơm áo gạo tiền, vậy thì còn đâu tinh lực của đời văn?

Việc cải thiện những yếu tố trên (và nhiều yếu tố khác nữa) sẽ tạo điều kiện cho người cầm bút sáng tạo nên những tác phẩm đáp ứng được lòng mong mỏi của người đọc.

Phải có tính hiện thực cao hơn

Văn học là một loại hình nghệ thuật: đó là tiếng nói của nhà văn, mà sứ mạng của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... phải làm sao nói lên được những vui buồn, những hạnh phúc và bất hạnh của từng con người, từng số phận từ bậc cao sang đến những người nghèo, thất cơ lỡ vận... Độc giả đang chờ đợi, kỳ vọng ở các nhà văn, nhà thơ với những tác phẩm rất hiện thực, rất có tâm của người cầm bút để vẽ lên những bức họa phù hợp với thực trạng xã hội.

Nhà văn, nhà thơ được quần chúng yêu thích, biết đến bởi vì đã nói được “trúng tim đen” của họ trong một hoàn cảnh cụ thể, một giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhà văn được mọi người xem như là những nhà tiên tri. Độc giả chờ đợi, kỳ vọng ở nhà văn đem đến một luồng ánh sáng mới để giúp họ có thể nhìn được đoạn đường hiện nay họ đang đi.

Vô cùng mong đợi những tác phẩm văn học VN có tính hiện thực cao hơn!

Sách văn học: Sao không marketing?Những điều bạn đọc cần tìmKhi Nhà nước vẫn “nuôi” nhà vănSách văn học: cung và cầu

Diễn đàn "Người đọc đang chờ đợi gì ở các nhà văn?" mong đón nhận thêm các ý kiến khác cũng như phản hồi từ các nhà văn.

Xin gửi về tòa soạn Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: toasoan@tuoitre.com.vn; vanhoavannghe@tuoitre.com.vn, tto@tuoitre.com.vn

THUÝ MƠ (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên